Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM “cố gắng dệt một cái lưới” để tầm soát Covid-19

GD&TĐ - Với tình hình của TPHCM hiện nay, từ kinh nghiệm ở Đông Triều Phó Thủ tướng đề nghị thành phố “cố gắng dệt một cái lưới” để tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm ở những địa điểm đông người qua lại...

Quang cảnh buổi họp trực tuyến tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh Trung tâm BC TP.HCM.
Quang cảnh buổi họp trực tuyến tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh Trung tâm BC TP.HCM.

Chiều 10/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia tổ chức họp trực tuyến với TP.HCM trước những diễn biến về dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Tham dự tại điểm cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương.

Tham dự và chủ trì tại điểm cầu TP.HCM có Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức và các sở, ban ngành...

Kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị trong toàn ngành Y tế

Tại buổi làm việc, Sở Y tế TP đã có thông tin về diễn biến dịch bệnh từ ngày 5/2 đến nay. Theo đó, TP hiện ghi nhận 33 ca Covid-19 ở 8 quận: 1, 3, 10, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, và TP Thủ Đức. Hiện có 3.141 người đang cách ly ở các khu tập trung và 1.681 người cách ly tại nhà, nơi cư trú.

Hiện TP.HCM đã kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị trong toàn bộ hệ thống Y tế Thành phố và phối hợp chặt chẽ vối các cơ quan Y tế đóng trên địa bàn tập trung cho công tác chống dịch như:

Tiếp tục khẩn trương tổ chức điều tra, truy vết người tiếp xúc với các ca bệnh Covid-19 mới phát hiện trong cộng đồng, khoanh vùng dập dịch triệt để tại những địa điểm liên quan.

Nhân viên y tế tại TP.HCM ghi thông tin mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh HCDC.
Nhân viên y tế tại TP.HCM ghi thông tin mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh HCDC.

Sẵn sàng triển khai kế hoạch đã xây dựng của ngành y tế về đảm bảo điều trị trong trường hợp có 50 – 100 người bệnh; Chuẩn bị đầy đủ các cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị bảo hộ để điều trị tốt cho tất cả bệnh nhân.

TP tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

Đặc biệt, TP.HCM đã tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19 trong sân bay như: 

Yêu cầu nhân viên đội bốc xếp hàng hóa của Công ty Viags xét nghiệm lần thứ 3, thực hiện trong vòng 24 giờ trước ca làm việc.

Nếu kết quả âm tính mới được đến sân bay làm việc; sau khi kết thúc buổi làm việc tại sân bay sẽ tự cách ly tại nhà, chỉ ra ngoài để đi làm; người nhà của nhân viên đội bốc xếp ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết, sử dụng các dịch vụ giao đến nhà để hạn chế ra ngoài.

Nhân viên làm việc tại sân bay ở các khâu có tiếp xúc hành khách tiếp tục được xét nghiệm trong vòng 24 giờ trước khi đi làm ngày hôm sau.

Ngành y tế phối hợp các đơn vị chức năng trong sân bay rà soát, củng cố lại các quy trình vận hành, hoạt động trong sân bay để tăng cường, bổ sung các biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; tái tập huấn và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19 đối với nhân viên sân bay.

Hạn chế tối đa các dịch vụ ăn uống tập trung đông người, nhiều tiếp xúc trong sân bay, chủ yếu cung cấp thức ăn nhanh mang đi.

Tại đây TP cũng kiến nghị, sớm cung cấp cho TP.HCM đầu mối cung ứng bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên đang để  sử dụng trong công tác khoanh vùng dập dịch tại Thành phố (dự kiến khoảng 30.000 mẫu test).

Tiếp tục áp dụng triệt để Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19

Sau khi nghe báo cáo nhanh của TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý một số nội dung như Bộ Y tế cần ưu tiên đáp ứng ngay các vật tư y tế theo đề nghị của TP để đáp ứng nhanh cho công tác chống dịch vì đây là địa bàn rộng, dân số đông. Trước mắt cung cấp 30.000 bộ kit xét nghiệm kháng nguyên cho TP.HCM.

Hiện ngành y tế đã có tầm soát dịch bệnh diện rộng ở mức tương đối tốt nhưng chưa hết. Với tình hình của TPHCM hiện nay, từ kinh nghiệm ở Đông Triều (Quảng Ninh), Phó Thủ tướng đề nghị thành phố “cố gắng dệt một cái lưới” để tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm ở những địa điểm đông người qua lại như quán nước gần bến xe, quán cà phê, giải khát gần các nhà máy, khu công nghiệp… để xem xét khả năng tồn tại của dịch ở trong cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến chiều ngày 10/2. Ảnh: VGP/Đình Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến chiều ngày 10/2. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, TP.HCM là nơi đầu tiên xây dựng các bộ tiêu chí chấm điểm phòng chống dịch cho các cơ sở y tế, trường học, nhà máy…, Vì vậy, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế, trường học, cơ sở nhà máy, bến bãi, phương tiện công cộng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòngc hống dịch, tự đánh giá định kỳ và cập nhật thường xuyên lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).

Theo Phó Thủ tướng, kinh nghiệm cũng cho thấy ở bệnh viện hay sân bay, nơi nào có camera giám sát thì truy vết sẽ nhanh hơn, dễ hơn, vì vậy nhân lúc này chúng ta kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tăng cường lắp hệ thống camera giám sát. 

Cần công bố một kế hoạch 4 tuần áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khắt khe

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM cho rằng, với kinh nghiệm và cách làm triệt để như vừa qua, cùng với sự đồng lòng của người dân Thành phố, chịu vất vả từ 2-4 tuần, TP có thể kiểm soát được sự phát triển, lây lan của virus.

Do vậy, Thành phố cần công bố một kế hoạch 4 tuần áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khắt khe, trong đó toàn hệ thống chính trị, mỗi gia đình, mỗi người dân cùng vào cuộc. Đây là cách tốt nhất để kiểm soát lây nhiễm dịch.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Y tế cần xây dựng tiêu chí quy định rõ khi nào 1 tỉnh, thành phố được coi là có dịch, lây nhiễm trung bình, lây nhiễm nhẹ để có các phương pháp áp dụng phù hợp với tình hình thực tế.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay những trường hợp làm việc tại đội bốc xếp ở Cảng hàng không Tân Sơn Nhất vẫn là nguy cơ lớn nhất lây lan trong dịch trong cộng đồng.

Bên cạnh việc những người này vẫn làm việc tại sân bay do không tiếp xúc với hành khác, đồng chí đề xuất ngành hàng không cần có phương án sau khi hết giờ làm những người này sẽ ở tập trung một khu vực để tầm soát, kiểm tra dịch tễ đảm bảo không mang mầm bệnh trước khi tiếp xúc cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ