TP. Hồ Chí Minh khẩn cấp ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

Nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi, TP.Hồ Chí Minh huy động các ngành, các cấp liên quan vào cuộc, ứng phó nhanh, khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi.

TP. Hồ Chí Minh khẩn cấp ứng phó với dịch tả lợn châu Phi
Tăng cường giám sát nguồn lợn đưa vào TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Trí).

Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan 48 tỉnh, thành phố, trong đó các tỉnh giáp ranh với TP Hồ Chí Minh như: Đồng Nai, Bình Dương... Một số địa phương khác như Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang... cũng đã công bố dịch, đây là những địa phương cung cấp số lượng lợn khá lớn về TP để giết mổ, tiêu thụ.

Nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi, TP.Hồ Chí Minh huy động các ngành, các cấp liên quan vào cuộc, ứng phó nhanh, khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi.

Lập thêm các chốt kiểm dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, UBND TP.Hồ Chí Minh vừa có quyết định thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời để ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch tả lợn châu Phi và kiểm soát động vật trên địa bàn TP, bao gồm: Chốt kiểm dịch động vật cầu Kỳ Hà 1, đặt tại khu vực Trạm cân cầu Kỳ Hà 1 gần Trạm thu phí cầu Phú Mỹ (Trạm cân của Đội 5 - Thanh tra giao thông công chánh thuộc Sở Giao thông Vận tải) do Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 phụ trách; chốt kiểm dịch động vật Phước Thạnh, đặt tại khu vực trước nhà số 1057, quốc lộ 22, ấp Mây Trắng, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi do Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 phụ trách.

Thời gian hoạt động của các chốt 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần (kể cả ngày lễ).

Trong khi đó, quận 12 thành lập chốt kiểm dịch tạm thời ở khu vực cầu Phú Long, giáp ranh với tỉnh Bình Dương. Huyện Nhà Bè lập chốt tại cầu Rạch Dơi, Rạch Đỉa, giáp tỉnh Long An. Huyện Bình Chánh đề nghị, ngoài các tuyến đường bộ, chú ý kiểm soát thêm tuyến đường thủy.

Bên cạnh đó, đại diện UBND huyện Củ Chi cho hay, ngoài lập chốt kiểm dịch động vật liên ngành, huyện Củ Chi đã triển khai 7 chốt kiểm dịch, bố trí lực lượng ngày đêm giám sát nguồn lợn và sản phẩm thịt lợn vận chuyển từ các tỉnh lân cận vào địa bàn. Đối với các tuyến kênh, rạch các xã cũng bố trí lực lượng kiểm tra nhằm bảo đảm nguồn lợn bệnh không thể xâm nhập vào TP.

Đồng thời, huyện Củ Chi cũng đã chỉ đạo các xã triển khai “4 tại chỗ” gồm: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ; kiểm soát các cơ sở giết mổ, quy trình kiểm dịch và tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển gia súc tại các chốt kiểm dịch.

Khẩn cấp ứng phó với dịch bệnh

Trước nguy cơ dịch bệnh vẫn đang tiếp tục lây lan như hiện nay, cho thấy tình hình diễn biến dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam hết sức phức tạp, đòi hỏi công tác chống dịch cần phải khẩn cấp, quyết liệt hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, phòng chống dịch tả lợn châu Phi là công việc vừa khẩn cấp vừa lâu dài, điều quan trọng là không để người dân hoang mang.

Cần quản lý chặt, kiểm soát 100% lượng thịt lợn từ các tỉnh vào TP và từ đàn lợn 274.000 con, với khoảng 4.000 hộ nuôi ở các huyện và quận ven. Thường xuyên kiểm tra lấy mẫu, khi phát hiện cần kịp thời xử lý. UBND TP.Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP; các ngành chức năng triển khai các biện pháp xử lý kịp thời, khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại kinh tế, ổn định tình hình kinh tế chính trị của thành phố.

Trong cuộc họp triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Hồ Chí Minh cho biết, với diễn biến phức tạp hiện nay, tình huống nào cũng có thể xảy ra thời gian tới.

Vì vậy, bên cạnh làm tốt việc chốt chặn những tuyến đường giáp ranh các tỉnh để kiểm soát, mỗi địa phương cần chuẩn bị trước tất cả các phương án, có sẵn địa điểm tiêu hủy tại chỗ.  Sở, ngành, quận huyện tập trung triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Các ngành, các cấp liên quan chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, nhân sự, kinh phí, địa điểm tiêu hủy; kịp thời triển khai các biện pháp xử lý khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn.

Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra cần xử lý nhanh gọn và dứt điểm; điều quan trọng là phải kiểm soát được tình hình, không để dịch bệnh lan rộng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp kinh doanh giết mổ lợn trái phép; phối hợp với Ban quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu giám sát chủ động bệnh dịch tả lợn châu Phi tại chợ kinh doanh truyền thống, chợ tự phát, đặc biệt là các nguồn thịt lợn từ các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh, nguồn thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện sở đã lên các phương án để sẵn sàng xử lý mọi tình huống có thể xảy ra. Theo đó, đã có phương án xử lý trong trường hợp xảy ra dịch có quy mô lên tới 1.000 con.

Từ nhiều tháng qua, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho các trang trại, hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ.

Đặc biệt, tập trung kiểm tra thực tế tại các hộ có nguy cơ cao dễ xảy ra dịch bệnh để hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, cấp phát hóa chất khử trùng, vôi bột cho các hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa, hướng dẫn kỹ các biện pháp xử lý; không sử dụng nguồn nước kênh rạch để nuôi lợn để giảm thiểu nguy cơ tồn tại và xâm nhập mầm bệnh trong môi trường…

Hiện an toàn sinh học vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan dịch bệnh. Thực tế trong những tháng qua những trang trại làm tốt công tác an toàn sinh học vẫn chưa mắc phải dịch bệnh này.

Theo cpv.org.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ