Thủ tướng dự lễ khởi công tuyến đường ven biển đi qua địa bàn Thái Bình

GD&TĐ - Sáng 14/2, tại Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công dự án Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình và công bố quy hoạch, triển khai thực hiện dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp Đồng bằng Bắc Bộ. Đây là những dự án hạ tầng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Bình. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công các dự án lớn tại Thái Bình
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công các dự án lớn tại Thái Bình

Cùng dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng về thăm tỉnh Thái Bình, dự sự kiện quan trọng này khi Thái Bình đang nổi bật lên là tỉnh kiểu mẫu về ý Đảng lòng dân trong nông nghiệp. Bởi, “nếu không như vậy thì làm sao người dân tin tưởng và tự nguyện giao đất cho chính quyền xã quản lý và ký hợp đồng việc cấp đất với thời hạn 20-30 năm trở lên”, Thủ tướng bày tỏ. Và nhờ vậy, các nhà đầu tư tiếp cận đất đai thuận lợi và hiệu quả. “Chúng ta vui mừng và xúc động bởi lẽ chúng ta đã rất năng động, sáng tạo trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, Thủ tướng nói.

Môi trường đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng ở Thái Bình và một số địa phương ngày càng hấp dẫn các tập đoàn lớn, bằng chứng là đã thu hút các nhà đầu tư có tài sản nhiều tỷ USD về đây làm nông nghiệp. Rõ ràng Thái Bình phải cực kỳ năng động mới làm được những điều như vậy.

Thủ tướng nêu rõ, niềm tin và kỳ vọng của Trung ương đối với Thái Bình rất lớn. "Chúng ta nhớ lại đồng chí Kim Ngọc, cha đẻ của chính sách khoán hộ, người luôn dành trên 1/3 thời gian cho việc đi thực tế các cơ sở. Đặc biệt với nông nghiệp, nông thôn, việc đi thực tế là vô cùng quan trọng, giúp chúng ta định hình những tư duy và hành động sát với thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bởi lĩnh vực này không chỉ là bài toán kinh tế, là sinh kế lâu dài của phần đông dân số Việt Nam, mà còn là vấn đề xã hội rộng lớn, là nền tảng của thể chế và quyết tâm của chúng ta trên con đường phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vì một Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng và không để người dân nào bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thái Bình nằm trong tuyến hành lang kinh tế ven biển kết nối các khu kinh tế của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, cách Hà Nội 110 km, cách sân bay Cát Bi và cảng biển Đình Vũ (Hải Phòng) 70 km; cách cảng biên nước sâu Lạch Huyện - Hải Phòng 30 km (là cảng container lớn nhất Việt Nam). Theo đó, việc kết nối giao thông của Thái Bình với các tỉnh trong hành lang này là rất quan trọng.

Cùng với các tuyến đường đã được đầu tư như Đường 10, Đường 39, Đường 37, chúng ta cũng đã quy hoạch và triển khai hệ thống đường bộ ven biển với chiều dài hơn 3.000 km (đã đầu tư xây dựng được khoảng 1.400 km, còn gần 2.000 km sẽ tiếp tục được phân kỳ đầu tư trong thời gian tới) kết nối các tỉnh trong đó có Thái Bình với các khu vực kinh tế phát triển như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa..., đặc biệt là kết nối với Hải Phòng với cảng nước sâu Lạch Huyện, cửa ngõ giao thương ra quốc tế, giúp thúc đẩy thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của khu vực này, trong đó có Thái Bình.

Theo thiết kế, tuyến đường qua địa phận tỉnh Thái Bình có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển TP Hải Phòng, điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định, tổng chiều dài 34,5 km, tổng mức đầu tư trên 3.800 tỷ đồng và triển khai đầu tư theo hình thức PPP, sử dụng nhiều nguồn vốn như vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và vốn huy động của nhà đầu tư.

Trong 34 km sắp được xây dựng có đoạn qua huyện Thái Thụy dài 11,6 km, qua huyện Tiền Hải dài 22 km và qua huyện Giao Thủy (Nam Định) dài 0,72 km. Tuyến đường được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, rộng 12 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Toàn tuyến có tới 12 cầu, trong đó có 5 cầu lớn vượt sông Trà Lý, sông Hồng, sông Diên Hộ, sông Lân 1 và sông Lân 2 cùng 7 cầu trung và nhỏ. Các cầu lớn được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực theo công nghệ dầm đúc hẫng, chịu động đất cấp VII, tải trọng va tàu 2.000 DWT.

Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình cùng với tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Hải Phòng đang được xây dựng và đoạn qua các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đang nghiên cứu lập dự án trong tương lai không xa hình thành tuyến đường bộ nối tam giác kinh tế Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá rất cao các hộ dân trong vùng dự án đã nghiêm chỉnh chấp hành bàn giao mặt bằng với tinh thần vì lợi ích chung của tỉnh của địa phương và cũng chính là lợi ích của chính mình. Thủ tướng nhấn mạnh đây là điều kiện quyết định để dự án thành công đúng tiến độ.

Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh Thái Bình hết sức quan tâm chăm lo điều kiện sinh sống của đồng bào đã bàn giao mặt bằng công trình dự án, đặc biệt là tạo việc làm cho người dân ở trong vùng có đất đang thực hiện dự án này và phải được hưởng lợi từ các dự án này. Trong quá trình triển khai xây dựng công trình này, làm sao chúng ta thực hiện đúng quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng và đảm bảo tiến độ, đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công hoàn thành dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT khẩn trương thu xếp nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, giải quyết nhanh các thủ tục liên quan theo quy định để các dự án được triển khai nhanh chóng đáp ứng yêu cầu tiên độ đã đề ra.

Về phát triển nông nghiệp và dự án đầu tư Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng nêu rõ, quá trình phát triển của nước ta đã khẳng định nông nghiệp không chỉ là sinh kế, mà là bài toán của toàn dân; cùng với kinh tế số, nông nghiệp trở thành đòn bẩy để đến 2035 nước ta trở thành nền kinh tế khá giả. Nông nghiệp phải có vai trò mạnh mẽ, đẩy mạnh xuất khẩu và phục vụ nhu cầu trong nước; chế biến sâu là then chốt để nâng cao giá trị và bảo đảm tính hiệu quả, bền vững của phát triển.

Theo Thủ tướng, Thái Bình là một tỉnh có hạ tầng nông nghiệp cơ bản, trình độ thâm canh cao, việc quy hoạch và đầu tư Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp là một chủ trương rất đúng đắn là cơ sở, tiền đề để phát triên nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh trên trường quốc tế.

Đây là dự án rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp Thái Bình nói riêng, với tổng mức đầu tư chuỗi các dự án là trên 7.800 tỷ đồng triển khai đến năm 2021 trên diện tích khoảng 194 ha, do Thaco làm chủ đầu tư, sẽ tạo tiền đề xây dựng nên nông nghiệp tiên tiến, tạo giá trị cao cho sản phẩm và hướng tới hội nhập kinh tê thị trường thế giới.

Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp vùng Đồng bằng Bắc Bộ có quy mô 194 ha tại các xã An Thái, An Ninh, An Cầu (huyện Quỳnh Phụ). Tổng vốn đầu tư của dự án là 7.800 tỷ đồng do Tập đoàn Thaco - Trường Hải làm chủ đầu tư.

Cũng dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công Bệnh viện đa khoa quốc tế tỉnh Thái Bình với vốn đầu tư 3.722 tỷ đồng do Tập đoàn FLC thực hiện với quy mô 1.000 giường bệnh. Công trình được xây dựng trên diện tích gần 12,2ha với 9 công trình xây dựng chính là nhà khám và điều trị ngoại trú, siêu âm...

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ