Thiết bị chữa cháy trong ô tô: 4 năm vẫn... tranh cãi

GD&TĐ - Sau 4 năm kể từ Thông tư hướng dẫn về trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho xe ô tô chính thức có hiệu lực, đến nay, Bộ Công an đưa ra kết luận: Không cần thiết lắp bình chữa cháy trên xe ô tô 4 chỗ ngồi.

Việc đặt bình chữa cháy trong xe ô tô 4 chỗ được cho là không cần thiết
Việc đặt bình chữa cháy trong xe ô tô 4 chỗ được cho là không cần thiết

Không cần thiết

Mới đây, Bộ Công an đã gửi tới Bộ Tư pháp bản báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 79/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Phòng cháy và chữa cháy (2014 - 2019).

Trong bản báo cáo này, Bộ Công an đã đưa ra những nhận định về quy định phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC.

Theo đó, mục đích sử dụng của phương tiện giao thông cơ giới 4 chỗ ngồi chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình. Một số sử dụng để vận chuyển hành khách (hầu như không vận chuyển hàng hóa trên xe 4 chỗ) do đó không cần thiết phải quy định các điều kiện an toàn PCCC đối với loại hình phương tiện này. Nhất là trước khi đưa vào hoạt động các phương tiện này đã được cơ quan đăng kiểm kiểm tra, kiểm định bảo đảm chất lượng.

Như vậy, sau 4 năm kể từ khi ban hành Thông tư số 57/2015/TT-BCA hướng dẫn về trang bị thiết bị PCCC cho xe ô tô chính thức có hiệu lực, đến nay, Bộ Công an đưa ra kết luận: Không cần thiết lắp bình chữa cháy trên xe ô tô 4 chỗ ngồi.

Bốn năm vẫn... tranh cãi

Ngay khi Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 57, trong dư luận đã diễn ra tương đối nhiều cuộc tranh luận cần thiết hay không việc gắn bình cứu hỏa trong xe ô tô cá nhân. Tranh cãi nhiều nhất chính là tính ứng dụng của các trang bị PCCC không cao và còn tạo ra nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn cho người sử dụng phương tiện.

Nhiều chủ sở hữu xe cho rằng, nếu có sự cố hỏa hoạn, việc đầu tiên người ngồi trong xe ô tô sẽ làm là tìm đường thoát thân, chạy nhanh ra ngoài để đảm bảo an toàn tính mạng. Chưa kể, nếu bình cứu hỏa quá nhỏ, việc chữa cháy cho phương tiện không hiệu quả.

Thêm vào đó, việc đặt bình cứu hỏa sẽ phải thuận tay, dễ thấy, đồng thời đảm bảo tính an toàn cháy nổ, không gần các chi tiết nhựa, bọc da. Nếu điểm đặt bình cứu hỏa không hợp lý có thể ảnh hưởng đến việc điều khiển chân ga, phanh và gây thương tích cho người ngồi trên xe khi chạy ở địa hình xấu, gồ ghề.

Anh Vũ Hải Luân làm việc tại một gara xe hơi ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Kể từ khi Thông tư 57 được ban hành, rất nhiều chủ xe hơi đã đến chỗ anh nhờ tư vấn và lắp đặt các bình cứu hỏa cho xe. Tuy nhiên, mục đích chính của chủ xe là để đối phó với các quy định pháp luật nhiều hơn là nhận thức đúng vấn đề PCCC cho xe của mình”.

Chia sẻ về vấn đề này, Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (phụ trách công tác PCCC) cho biết: “Việc lắp đặt các thiết bị PCCC là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là kỹ năng sử dụng các thiết bị chữa cháy của người ngồi trong xe khi có cháy xảy ra.

Bình thường mở nắp capo đã khó. Nghĩa là trong trường hợp khi xảy ra sự cố chỉ có thể chạy thật nhanh ra khỏi xe. Khi khói lửa bao trùm khoang máy, việc mở nắp capo xe để chữa cháy hiệu quả thì quả là khó khăn cho các chủ phương tiện”.

Thượng tá Quyến cũng chia sẻ, để tối ưu hiệu quả, người ngồi trong xe cần phải có những kỹ năng cơ bản nhất trong việc sử dụng bình chữa cháy trên xe. “Khi xảy ra hỏa hoạn trên xe, việc đầu tiên là cần tắt ngay nguồn điện của xe. Sau đó, để dập lửa, chủ phương tiện nên đập đèn pha và phun trực tiếp chất chữa cháy vào sâu bên trong hoặc dưới gầm máy để dập lửa”.

Lãng phí nguồn lực xã hội

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 7/2018, tổng số ô tô đang lưu hành tại Việt Nam đạt hơn 3 triệu xe. Gần một nửa trong số này là xe cá nhân. Từ khi có Thông tư 57, số chủ xe bắt buộc phải mua bình cứu hỏa gắn vào xe rất lớn. Đến nay, khi Bộ Công an báo cáo đây là việc không cần thiết cho thấy, xã hội đã lãng phí một nguồn lực không hề nhỏ.

Tại thời điểm Thông tư được ban hành, các chuyên gia luật cũng đã rất băn khoăn về tính ứng dụng của nó. Trao đổi với báo chí, Luật sư (LS) Hà Hải - Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, Thông tư 57 là văn bản luật sẽ chỉ tồn tại được trên giấy mà không giải quyết được vấn đề và thật sự không đi vào cuộc sống.

Bởi nó chưa được thăm dò tìm hiểu, nhận sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân. Đồng thời, các căn cứ mà Thông tư 57 viện dẫn thì không có nội dung cụ thể nào quy định việc để bảo đảm an toàn tính mạng cho người đi ô tô thì mỗi xe phải trang bị phương tiện phòng chống cháy nổ (cụ thể là bình chữa cháy).

Trong quá trình thi hành Thông tư, các lực lượng công an cũng gặp khó khăn khi hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị PCCC trên xe ô tô cá nhân. Theo Thượng tá Quyền, đại đa số người dân khó chấp hành theo Luật PCCC trên xe ô tô vì hầu như họ chưa được hướng dẫn cụ thể về cách chữa cháy khi xảy ra cháy.

Sự luống cuống của người dân khi có sự cố cũng khiến cho thiết bị chữa cháy cũng sẽ trở nên vô dụng nếu họ không được trang bị kỹ năng.

“Hiện có các thiết bị chữa cháy có thể gắn trực tiếp vào nắp capo trước và sau của xe cá nhân, khi xảy ra cháy, thiết bị này sẽ phun chất chữa cháy trực tiếp vào bộ phận máy của xe khi có nguồn lửa phát ra, giảm thiểu tối đa thiệt hại cũng như ngăn chặn sự lây lan của đám cháy ở trên xe” - Thượng tá Quyền nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ