Thị trường ô tô cuối năm: Cung vượt quá cầu

GD&TĐ - Làn sóng ô tô nhập khẩu tràn về Việt Nam khiến giá xe đang giảm. Các doanh nghiệp sản xuất xe trong nước cũng phải giảm giá theo để cạnh tranh thị phần.

Tạo điều kiện cho nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước lo lắng.
Tạo điều kiện cho nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước lo lắng.

Ô tô nhập khẩu tràn về

Thị trường ô tô Việt Nam đang đa dạng, nhiều lựa chọn và giá cả hợp lý hơn bao giờ hết. Nguyên nhân do lượng cung giờ cao hơn nhiều so với cầu, đặc biệt trong phân khúc xe ô tô bình dân, giá rẻ. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2019, ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam đạt 107.000 xe các loại, tăng hơn 160% so với cùng kỳ 2018.

Hai nguồn hàng lớn nhất nhập về Việt Nam là Thái Lan (62.300 chiếc, chiếm 60% tổng số xe nhập khẩu) và Indonesia (gần 32.000 chiếc, chiếm gần 30% tổng số xe nhập khẩu). Xe nhập từ 2 quốc gia này đều tập trung vào các mẫu giá rẻ, dung tích xi lanh thấp, để được lợi thế tối đa về thuế, đang cạnh tranh mạnh với xe sản xuất lắp ráp trong nước. Theo tính toán, với tốc độ như hiện nay, số lượng ô tô nhập khẩu cả năm 2019 dự báo sẽ lên đến trên 130.000 chiếc, đạt kim ngạch khoảng 2 tỷ USD.

Không dừng lại ở đó, thời gian tới, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam dự báo sẽ còn tăng hơn rất nhiều. Lý do bởi các cơ quan chức năng đang sửa đổi quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh ô tô. Theo đó, sẽ thay đổi kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu theo lô và chuyển sang kiểm tra theo mẫu xe đại diện. Cùng với đó, sẽ bỏ quy định xe nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu, loại do nước sở tại cấp.

Nếu quy định mới này chính thức được áp dụng thì hoạt động nhập khẩu xe ô tô sẽ thông thoáng hơn rất nhiều. Điều đó đồng nghĩa với việc, Việt Nam sẽ trở thành thị trường “béo bở” cho các hãng xe trên thế giới.

Xe trong nước bị cạnh tranh 

Tính đến 30/6/2019, Bộ Công Thương đã cấp 46 Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô (Giấy phép nhập khẩu) cho doanh nghiệp, trong đó có 30 doanh nghiệp Việt Nam và 16 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 36 Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô cho 29 doanh nghiệp (trong đó có 2 cấp đổi; Thaco 6 giấy (1 cấp đổi); Thành Công 3 giấy (1 cấp đổi)).

Tình trạng xe nhập khẩu ồ ạt tràn về khiến nhiều doanh nghiệp đang đầu tư lớn cho sản xuất ô tô trong nước không khỏi lo lắng. Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 131.089 xe các loại được sản xuất và lắp ráp trong nước. Cao gấp đôi so với số lượng xe nhập khẩu cùng thời điểm.

Hiện, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong trung và ngắn hạn thay đổi đáng kể theo chiều hướng tăng về số lượng xe sản xuất, lắp ráp. Tuy nhiên, ưu thế này sẽ không giữ được lâu nếu sản xuất trong nước không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được ưu đãi thuế quan.

Khác với mọi năm, cứ dịp cuối năm thì thị trường xe ô tô lại “nóng”. Nhưng từ giữa năm trở lại đây giá xe ô tô liên tục giảm. Nhiều chuyên gia dự đoán dịp cận Tết năm nay cũng sẽ khó có đợt tăng giá đột biến trên thị trường xe ô tô. Nguyên nhân do cung vượt quá cầu nên các hãng xe vẫn ra sức kích cầu, dành giật thị phần. Có thể thấy, sức mua trên thị trường ô tô đang có dấu hiệu bão hòa. Điều này bắt buộc các hãng sẽ phải đa dạng hóa sản phẩm và cạnh tranh mạnh mẽ với xe nhập.

Cẩn trọng

Dẫu biết việc tạo điều kiện thuận lợi để ô tô nhập khẩu về tới thị trường Việt Nam là cần thiết nhưng phải hết sức chú ý đến chất lượng. Xe ô tô nhập khẩu từ thị trường trong khối ASEAN đang chiếm thị phần lớn. Nhưng, chất lượng xe cũng chưa có đánh giá nào được cho là tốt hơn hẳn so với thị trường xe lắp ráp trong nước.

Mới đây, trong quá trình kiểm tra ô tô nhập khẩu, cơ quan chức năng phát hiện một số lô xe có vấn đề nên đã yêu cầu doanh nghiệp khắc phục. Tuy nhiên, theo quy định sắp tới, mỗi mẫu xe chỉ cần kiểm tra 1 phiên bản mẫu rồi cho nhập khẩu thoải mái thì độ rủi ro sẽ rất cao.

Trong khi đó, Bộ Công Thương lại cho rằng, các loại thuế, phí đối với sản phẩm ô tô chưa thực sự hợp lý, chưa tạo thuận lợi cho đa số người dân sở hữu ô tô. Các chính sách liên quan đến ngành chậm ban hành so với các nước trong khu vực, làm mất cơ hội thu hút đầu tư. Chính sách trong nước cũng thiếu ổn định và đồng bộ nên chưa tạo được cơ hội thực thụ để phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, tỷ trọng của xe sản xuất, lắp ráp so với xe nhập khẩu trong thời gian tới có xu hướng giảm, qua đó cần phải có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước phát triển để cạnh tranh với xe nhập khẩu. Đặc biệt, từ năm 2018, các xe nhập khẩu từ ASEAN đạt hàm lượng sẽ được giảm thuế về 0% theo hiệp định FTA.

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA):
- Doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 27.767 xe, bao gồm 20.916 xe du lịch; 6.532 xe thương mại và 319 xe chuyên dụng.
- Doanh số xe du lịch tăng 37%; xe thương mại tăng 10% và xe chuyên dụng tăng 10% so với tháng trước.
- Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 16.994 xe, tăng 35% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 10.773 xe, tăng 21% so với tháng trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ