Thanh Hóa: Quạt trần “đứng im” trong lớp học

GD&TĐ - Mặc dù sống gần nhà máy thủy điện, nhưng hàng trăm người dân ở bản Pượn, xã Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) đang phải thắp đèn dầu, mỗi khi tối trời. Những lớp học chỉ lắp thiết bị điện để… trang trí.

Điểm trường Tiểu học ở bản Pượn, xã Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa).
Điểm trường Tiểu học ở bản Pượn, xã Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa).

Lắp thiết bị điện để… trang trí

Bản Pượn, xã Trung Sơn là một trong những nơi khó khăn nhất ở huyện biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa). Nơi đây được gọi là bản “3 không”, không điện, không đường và không sóng điện thoại.

Đặc biệt, mặc dù bản chỉ cách trung tâm xã Trung Sơn chừng 6 km, cách Nhà máy Thủy điện Trung Sơn 7km, nhưng đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Họ ao ước một ngày nào đó, ánh sáng điện lưới quốc gia sẽ thắp sáng nơi heo hút này.

Ông Lò Văn Quốc – Trưởng bản Pượn cho biết, bản có 40 hộ dân với 183 nhân khẩu. Người dân trong bản chủ yếu là làm nông nghiệp, trồng rừng nên cuộc sống còn rất nhiều khó khăn.

Điện lưới không có, bà con trong bản phải nấu ăn bằng bếp củi, thắp đèn dầu. Gia đình nào có điều kiện, thì mua sắm tuabin mini phát điện nước, hoặc dùng điện năng lượng Mặt trời, nhưng ánh sáng yếu ớt, lập lòe.

“Bản Pượn có vài chục cháu đang độ tuổi đến trường. Những cháu đã lên lớp lớn, thì được gia đình đưa ra trung tâm xã học tại trường chính. Ở trong bản này, Nhà nước cũng đã đầu tư xây dựng điểm trường kiên cố cho các cháu học, nhưng hiện chỉ có 3 cháu lớp 1 và 4 cháu lớp 2. Lớp mầm non ở đây cũng chỉ có 11 cháu đang học.

Mặc dù điểm trường tiểu học ở bản được xây dựng kiên cố, có lắp các thiết bị, như: Quạt trần, quạt treo tường, bóng điện... nhưng chỉ để không vậy thôi. Đêm xuống, các cháu phải học dưới ánh đèn từ máy tuabin mini, hoặc lấy điện từ tấm pin năng lượng Mặt trời không ổn định, còn không thì thắp đèn dầu”, ông Quốc chia sẻ.

Là người có điều kiện kinh tế “khấm khá” hơn nhiều hộ trong bản, ông Vi Văn Nhất bỏ tiền đầu tư một máy xát lúa cho gia đình. Người nào trong bản mang thóc đến nhờ ông Nhất xát, ông chỉ lấy tiền xăng, không tính công.

“Chiếc máy này xay 1 tạ thóc, nếu dùng xăng, hết 1 lít (gần 20.000 đồng), còn dùng điện thì chỉ hết khoảng 4.000 đồng. Nếu có điện lưới, bà con trong bản sẽ tiết kiệm được hơn chục nghìn đồng mỗi lần đi xát 1 tạ thóc. Vì thế, chúng tôi rất mong được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư đưa điện lưới quốc gia về giúp bản có cơ hội ổn định cuộc sống”, ông Nhất bộc bạch.

Cũng theo ông Nhất, thu nhập hiện tại của ông và các hộ dân trong bản rất thấp. Gia đình ông thuộc diện khá giả nhất bản cũng chỉ được 2 triệu đồng/tháng. Nếu như có điện lưới quốc gia, chắc chắn thu nhập của gia đình ông Nhất và bà con trong bản sẽ được nâng lên.

“Không có điện lưới, bà con trong bản phải làm hết mọi việc sinh hoạt, nấu ăn, giặt giũ quần áo... trước khi trời tối. Thương nhất là các cháu nhỏ đến trường học. Trời nắng nóng, có quạt trần, quạt treo tường trong lớp học, nhưng nó cứ đứng im thôi.

Còn mùa đông, dù bóng điện cũng đã được treo trong lớp học nhưng không sáng để thầy, cô dạy chữ cho các cháu. Biết rằng, để đưa được điện lưới quốc gia về cho bà con, không đơn giản. Thế nhưng, chúng tôi cũng thấy chạnh lòng và tủi thân lắm vì bản ở gần nhà máy điện”, ông Nhất chia sẻ.

Muốn có “ánh sáng” phải chờ “lộ trình”

Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho thấy, hiện tỉnh này còn 37 thôn, bản với hơn 2.000 hộ dân ở các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát… chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.

Thầy Vi Văn Hoạch, giáo viên tiểu học dạy ở bản Pượn cho biết, ở điểm lẻ này chỉ có 7 học sinh lớp ghép (lớp 1 và lớp 2). Thế nhưng, hàng ngày thầy Hoạch vẫn phải động viên phụ huynh cho các con đến trường học chữ.

Nhiều gia đình có ý định không muốn cho con đến lớp, vì thế thầy Hoạch phải đến tận nhà động viên. Còn ở cấp học mầm non của bản, hiện chỉ có 11 cháu đang được cô giáo Hà Thị Hiền hàng ngày chăm lo, dạy dỗ.

“Cuộc sống của bà con ở bản đang rất khó khăn, học sinh đến trường cũng cơ cực lắm. Trời nắng nóng, mỗi khi thầy trò đến lớp học nhìn thấy những chiếc quạt trần, quạt treo tường, bóng điện... chúng tôi lại ao ước ngày nào đó, điện lưới quốc gia sẽ được kéo về thắp sáng cho bản, cho trường”, thầy Hoạch tâm sự.

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn cho biết, bản Pượn chưa có điện lưới quốc gia, khiến cuộc sống của bà con ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Mới đây, UBND huyện Quan Hóa đã đầu tư công trình giao thông nối từ trung tâm xã vào bản Pượn, hiện nhà thầu đang thi công.

“Nhiều lần, người dân và chính quyền địa phương đề nghị lên cấp trên về việc đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia về cho bản, nhưng đến nay vẫn chưa được.

Chúng tôi cũng hy vọng, khi đường giao thông vào bản hoàn thành, thì hệ thống điện lưới quốc gia cũng sẽ về được với bản. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân bản Pượn phàn nàn rằng, ở cạnh Nhà máy Thủy điện Trung Sơn bao năm nay, mà vẫn phải chịu cảnh “khát” ánh sáng của điện lưới.

Biết rằng, bà con kêu ca, phàn nàn là đúng, nên chúng tôi cũng chỉ biết giải thích, động viên bà con hãy cố gắng chờ đợi. Bởi lẽ, để đưa được điện về bản Pượn, thì phải có lộ trình”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Ông Hoàng Hồng Hải – Giám đốc Điện lực Quan Hóa cho biết, địa phương này đang có 5 bản chưa có điện lưới quốc gia. Theo Quyết định 2081 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo thì bản Pượn nằm trong chương trình này.

Hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Bộ Công Thương và trình Chính phủ để đầu tư điện lưới quốc gia về các bản đặc biệt khó khăn còn lại. Dự kiến, bản Pượn và những bản còn lại chưa có điện ở Quan Hóa sẽ được đưa điện về trong lộ trình của giai đoạn 2020 - 2025.

Cũng theo ông Hải, khoảng cách đường dây trung thế vào bản Pượn khoảng 7km. “Khi kéo đường dây trung thế vào bản, đặt trạm hạ thế rồi kéo điện về cho các hộ dân, thì chi phí ước tính hơn chục tỷ đồng. Bởi lẽ, địa hình miền núi, chi phí đầu tư 1 km đường điện trung thế và hạ thế lớn hơn rất nhiều ở miền xuôi”, ông Hải thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ