Tháng hành động phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng chống ma túy” 26/6: Hãy tránh xa ma tuý vì hạnh phúc của mọi nhà

GD&TĐ - Với chủ đề: “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy", tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021 như hồi chuông gióng lên kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay phòng chống ma túy.

Trách nhiệm của cả cộng đồng

Tác hại của ma túy đã được cả nhân loại biết rất rõ. Ma tuý làm suy thoái nhân cách, tàn phá cuộc sống yên vui biết bao gia đình, gây xói mòn đạo lý, kinh tế xã hội.

Ma tuý không trừ một quốc gia, dân tộc nào, tác hại của ma túy không chỉ ảnh hưởng đối với người nghiện, mà còn gây hại đến cả một thế hệ, nòi giống của loài người. Ma tuý là tác nhân của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, gây thiệt hại lớn trên toàn cầu.

Để ngăn ngừa hiểm họa của ma túy, ngày 26/6/1988 Liên hợp quốc đã lấy ngày 26/6 hàng năm là ngày phòng chống ma túy trên toàn cầu. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với việc đấu tranh phòng chống hiểm họa ma túy, là thông điệp gửi đến nhân dân toàn thế giới cùng chung tay tuyên truyền tác hại của ma túy, kêu gọi mọi người tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy.

Tại Việt Nam, từ ngày 13/6/2001 Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg, lấy Tháng sáu hàng năm là “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và ngày 26/6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”.

Qua 20 năm triển khai Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg, hoạt động phòng chống ma túy đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân, thể hiện sự đồng thuận và cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay ngăn chặn hiểm họa ma túy.

Kêu gọi toàn xã hội hãy cùng chung tay phòng, chống ma túy nhằm bảo vệ thế hệ tương lai.
Kêu gọi toàn xã hội hãy cùng chung tay phòng, chống ma túy nhằm bảo vệ thế hệ tương lai.

Với chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy", theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động của Tháng hành động phòng, chống ma túy năm nay cần được triển khai thiết thực, hiệu quả, tạo hiệu ứng về truyền thông, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nhiệm vụ trọng tâm triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021 được nêu rõ: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, đặc biệt là những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma tuý (Luật số 73/2021/QH14); có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

Đẩy mạnh tuyên truyền về hậu quả, tác hại của việc sử dụng, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học.

Lợi dụng tình hình dịch COVID-19 phức tạp, các địa phương tập trung lực lượng để phòng, chống dịch… Thời gian gần đây, nhiều đối tượng mua bán ma túy lén lút hoạt động với phương thức rất tinh vi; nhiều nhóm thanh niên vẫn rủ rê, lôi kéo nhau thuê chung cư, khách sạn hoặc phòng karaoke sử dụng ma túy tập thể.

Để triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy, đồng thời với việc mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; tăng cường quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lôi kéo sử dụng, mua bán trái phép các chất ma túy; truy tố và xét xử các vụ án ma túy điểm để tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung... các địa phương, các cấp, các ngành cần tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông để nhắc nhở người dân cũng như các em học sinh, sinh viên tránh xa hiểm họa ma túy, biết tự phòng chống “miễn dịch” với ma túy.  

Bảo vệ thế hệ tương lai trước ma tuý

Những năm qua, tệ nạn ma tuý ở Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng cùng với việc xuất hiện nhiều loại ma tuý mới như: Heroin, cần sa, ma tuý đá, thuốc lắc, bóng cười, ma túy tổng hợp... được đối tượng buôn bán ngụy trang một cách tinh vi, lôi kéo người sử dụng vào con đường nghiện ngập.

Đáng báo động, đối tượng sử dụng ma túy hiện tập trung ở độ tuổi thanh niên, thậm chí đã bắt đầu trẻ hóa đến tuổi vị thành niên và học sinh.

Những kẻ buôn bán ma túy thường dụ dỗ các đối tượng học sinh, sinh viên bằng cách cho hút không mất tiền, khi đã nghiện thì các em được sử dụng trở thành công cụ để chúng kiếm tiền, đưa các đối tượng nghiện hút vào con đường vi phạm pháp luật: trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy... là những hiểm hoạ lớn đối với toàn xã hội, đe doạ trực tiếp tới cuộc sống của người dân và cộng đồng xã hội.

Trên thực tế, từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số vụ việc học sinh, sinh viên sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Hãy cùng nhau ngăn chặn ma túy.
Hãy cùng nhau ngăn chặn ma túy.

Cuối tháng 2/2021, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện 11 trường hợp trong quán karaoke ở thành phố Đông Hà dương tính với ma túy, trong đó có nhiều người đang là sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở thành phố Đà Nẵng.

Vụ việc khác gây hoang mang dư luận xã hội là 4 học sinh một trường trung học phổ thông ở tỉnh Hải Dương tẩm ma túy vào thuốc lào và dùng điếu cày để hút; vụ “nữ quái" trộn cần sa vào trà sữa đóng chai bán cho học sinh, sinh viên tại Lâm Đồng... khiến dư luận lo lắng về hiện tượng ma túy xâm nhập học đường.

Mới đây nhất, tại Hà Nội, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên đường Chùa Bộc (quận Đống Đa), lực lượng Cảnh sát cơ động đã phát hiện hai nữ sinh tàng trữ trái phép chất nghi là cần sa. Qua thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp, danh tính hai đối tượng này là Vũ Thị Khánh L. là sinh viên Học viện Tài chính và Lê Thị Thu H. sinh viên Trường Đại học Lao động xã hội. Cả hai đến từ thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa)...

Qua số liệu thống kê từ Bộ Công an, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trong cả nước, đối tượng dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này thậm chí lên đến 76%. 

Trong tổng số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi.

Đặc biệt, với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại của ma túy tổng hợp, nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy. Đó chính là “hồi chuông” cảnh báo về sự xâm nhập của ma túy đối với thế hệ trẻ học sinh, sinh viên.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch  triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm. Đây là một kế hoạch lớn được xây dựng kịp thời, tổng thể có hệ thống khoa học về phòng ngừa ma túy trong trường học.

Những nội dung chính đáng chú ý được nêu tại kế hoạch này gồm: “Tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội của nhà trường trên toàn quốc”; “Triển khai bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh. Nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy dành cho học sinh”...

Các chương trình hành động trên sẽ giúp học sinh, sinh viên, giáo viên nhận diện đúng, nhận thức đầy đủ và tự có sức đề kháng, không bị cám dỗ về ma túy; cùng với vai trò đặc biệt của phụ huynh để từ đó gia đình, nhà trường trở thành những pháo đài, những tấm khiên hữu hiệu để bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa từ ma túy.

Theo Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy: "Lực lượng công an đã, đang và sẽ sát cánh với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các hệ thống giáo dục từ công tác tuyên truyền pháp luật đến các giải pháp trong phòng ngừa cũng như thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm về sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực trường học, trong quán bar, karaoke, vũ trường… để làm sao nhà trường phải trở thành pháo đài ngăn chặn ma túy.

Học sinh, sinh viên, giáo viên phải là những người nhận diện đúng, nhận thức đầy đủ và tự có sức đề kháng, không bị cám dỗ về ma túy, và đặc biệt vai trò của phụ huynh, gia đình là rất quan trọng".

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 3946/BYT – AIDS về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS trong trường học.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo và Đào tạo dục tăng cường cung cấp thông tin cho học sinh, sinh viên về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các tiết ngoại khóa, các hội thảo, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi viết về HIV/AIDS, các hoạt động sân khấu; lồng ghép trong các buổi mít tinh, các sự kiện truyền thông tại các trường trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp... giúp cho mọi người hiểu biết về những hiểm họa ma túy để tự trang bị kiến thức và tự giác phòng, chống ma túy

Để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả cao nhất, ngoài việc chấp hành tốt các quy định của pháp luật và chỉ đạo của địa phương, mỗi người dân còn có trách nhiệm theo dõi, quản lý, giáo dục các thành viên trong gia đình không tham gia tệ nạn ma túy dưới bất kỳ hình thức nào.

“Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy”. Mọi người cùng ý thức phòng, chống tệ nạn ma túy vì đây là trách nhiệm của từng cá nhân đối với cả dân tộc. Mỗi người dân góp phần tạo môi trường sống lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ