Tháng 11 diễn ra lễ tri ân các thầy cô giáo vùng khó khăn

GD&TĐ - Hôm nay (9/9), Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2015.

Tháng 11 diễn ra lễ tri ân các thầy cô giáo vùng khó khăn
Tháng 11 diễn ra lễ tri ân các thầy cô giáo vùng khó khăn ảnh 1Tháng 11 diễn ra lễ tri ân các thầy cô giáo vùng khó khăn ảnh 2Tháng 11 diễn ra lễ tri ân các thầy cô giáo vùng khó khăn ảnh 3Tháng 11 diễn ra lễ tri ân các thầy cô giáo vùng khó khăn ảnh 4Tháng 11 diễn ra lễ tri ân các thầy cô giáo vùng khó khăn ảnh 5
Dự và chủ trì buổi họp báo có bà Trương Thị Ngọc Ánh  - Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Phi Long - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; Ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT); TS. Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long.

“Chia sẻ” chứ không phải “Tuyên dương”

Chương trình nhằm cổ vũ, động viên và tri ân các thầy giáo, cô giáo xung kích, tình nguyện công tác tại các trường học điểm lẻ ở miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; 

Khơi dậy tinh thần xung kích của xã hội, đặc biệt là đoàn viên, hội viên, thanh niên trong việc mang tri thức tới cho các con, em đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của Tổ quốc. 

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Phi Long cho biết: Để đem “con chữ” đến cho các em học sinh vùng cao, hàng nghìn “giáo viên cắm bản” đã hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần, vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống, thậm chí nhường cơm sẻ áo, đồng hành với học sinh, được các phụ huynh học sinh, chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Chương trình lấy tên là “Chia sẻ” chứ không gọi là “Tuyên dương” vì những thầy cô ở vùng sâu, vùng xa, tận tâm với học sinh, đều xứng đáng được tuyên dương. Chương trình chỉ mang mục đích chung tay chia sẻ với những khó khăn mà các thầy cô giáo đã không quản khó khăn lên miền núi, các huyện nghèo để dạy dỗ các em học sinh, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục.

Trong buổi họp báo, không ít người xúc động khi được xem video ngắn của chương trình về công việc hàng ngày của các cô giáo mầm non từ miền xuôi lên huyện Hoàng Su Phìn (1 huyện nghèo ở Hà Giang) dạy chữ.

Gọi là đi dạy học, nhưng các cô đã phải làm hết các công việc như đưa, đón học sinh, giặt giũ, lấy nước từ suối, chăm lo cả bữa ăn, giấc ngủ cho từng em nhỏ như những người mẹ.

Nhìn con đường gập ghềnh, trèo đèo lội suối, trời mưa trơn trượt,…mà các cô vẫn đều đặn thực hiện tốt công việc của mình, mới thấy cảm phục biết bao nhiêu.

Như chính ông Võ Văn Thành Nghĩa cũng phải thốt lên trong buổi họp báo rằng: Trước đây cũng từng là giáo viên, lại là một người đàn ông, nhưng tôi không thể nào làm được những điều như các “cô giáo cắm bản”.

Đảm bảo tính khách quan, công bằng

Đây là năm đầu tiên Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, cùng với Tập đoàn Thiên Long thực hiện chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” .

Ông Ngũ Duy Anh nói: Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước và xã hội, hệ thống giáo dục ở nước ta về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học tập cua nhân dân; các em học sinh trong độ tuổi đi học đều được cắp sách tới trường, được vui chơi và học tập để nuôi dưỡng những ước mơ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.

Có được những thành công đó, phải kể đến sự đóng góp bên bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết đối với việc sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đang công tác tại các trường học điểm lẻ hay còn gọi là “giáo viên cắm bản” ở khu vực miền núi.

Đây thực sự là một chương trình có ý nghĩa lớn hướng tới các thầy cô giáo nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

Theo đó, đối tượng được chọn là các giáo viên tiêu biểu xuất sắc đang công tác ở các trường học điêm lẻ tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Các thầy giáo, cô giáo được gửi hồ sơ phải có tư cách đạo đức, lối sống tốt; có thành tích trong việc thu hút hoc sinh con em dân tộc tới trường; có nhiều sáng kiến trong việc giảng dạy, chăm lo cho hoc sinh đươc đoàn thê, chính quyền, ngành Giáo dục và nhân dân địa phương ghi nhận...Các giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường học điểm lẻ được ít nhất 3 năm.

Để đảm bảo tính công bằng, khách quan, chương trình sẽ được tuyên truyền sâu rộng đến các Sở, Phòng GD&ĐT, Hội LHTN các thành phố để giới thiệu, gửi hồ sơ về cho Ban tổ chức.

Đặc biệt, những phóng viên, nhà báo nếu phát hiện ra những tấm gương, hoàn cảnh của các giáo viên cắm bản tại 62 huyện miền núi cũng được giới thiệu và gửi hồ sơ về cho Ban tổ chức. Đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục tinh thần “Tôn sư trọng đạo” của mỗi người.

Tại buổi họp báo, để duy trì tính bền vững của chương trình, Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long ký kết Thỏa thuận hợp tác tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thây cô” giai đoạn 2015 -2019 .

Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long sẽ quyết định lựa chọn lĩnh vực và đối tượng để tuyên dương.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2015” dự kiến tổ chức vào ngày 12/11/2015, sau khi Ban tổ chức tập hợp danh sách và kiểm tra hồ sơ của các địa phương gửi đến. 62 giáo viên đại diện cho 62 huyện nghèo sẽ được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Kỷ niệm chương của chương trình và 1 sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.