Tăng cường quản lý nhằm hạn chế sách lậu

GD&TĐ - Với mức lợi nhuận khủng cùng khung chế tài xử phạt chưa đủ nặng đã khiến tình trạng buôn bán sách lậu vẫn thường xuyên diễn ra. Việc đẩy lùi nạn sách lậu không chỉ giúp các nhà xuất bản bảo vệ nguồn thu, mà còn thực hiện luật bản quyền tác giả một cách nghiêm túc.

Tăng cường quản lý nhằm hạn chế sách lậu

Lợi nhuận cao gấp nhiều lần

Đại diện Nhà xuất bản (NXB) chia sẻ, thông thường một cuốn sách có bản quyền để đến được tay độc giả, sẽ phải gánh rất nhiều chi phí: Bản thảo (bao gồm chi phí cho việc dịch - hiệu đính - biên tập - chế bản ruột - thiết kế bìa) 20%, in ấn 35%, bản quyền 18%, phí quản lý nội bộ của đơn vị làm sách 23%, cuối cùng là giấy phép xuất bản và PR-Marketing 4%. Bởi vậy giá sách thật đội lên nhiều lần so với sách giả là điều ai cũng dễ dàng thấy.

Đơn cử một cuốn sách có bản quyền dày khoảng 300 trang, giá bìa 100.000 đồng, trung bình thường được in ra 2.000 bản một lần ngoài những chi phí nêu trên cộng khoản chiết khấu hoa hồng cho các nhà sách thì mức lãi thu về cũng chỉ 6 - 7% tức là khoảng 11 - 12 triệu đồng. Ngược lại cũng in cuốn sách như thế nhưng không mất các quy trình và chi phí như trên (tức là in lậu) thì các cơ sở in chỉ mất khoảng 10.000 đồng tiền mực có nghĩa là chỉ bằng 1/10 giá bìa. Điều này lý giải nguyên nhân tại sao việc in lậu sách là trái với những quy định trong luật xuất bản, tuy nhiên, các chủ cơ sở in ấn vẫn cố tình vi phạm.

Như vậy, một cuốn sách khi bán các cơ sở in ấn và kinh doanh phi pháp đã thu về một khoản lợi khá lớn. Nếu một cuốn sách in lậu dày 300 trang (như trên) với giá bìa là 100.000 đồng nếu giảm đến 50% giá bìa thì mỗi cuốn vẫn thu lời đến 30.000 - 40.000 đồng. Với công nghệ in hiện đại thì chất lượng sách lậu cũng không kém sách thật là mấy, vì vậy, người mua dễ dàng chọn lựa sản phẩm chất lượng ngang nhau mà giá thành rẻ hơn.

Không được buông lỏng quản lý

Hiện nay, việc xử phạt các hành vi tổ chức sản xuất sách lậu của cơ quan chức năng còn quá nhẹ là nguyên nhân khiến sách lậu không được ngăn chặn triệt để. Nếu nạn sách lậu không được đẩy lùi chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguy cơ các đối tác nước ngoài sẽ hủy bỏ hợp đồng hợp tác làm sách với chúng ta do vấn đề bản quyền tác phẩm không được bảo vệ.

Để đẩy lùi nạn sách lậu trên thị trường, theo ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam thì việc tịch thu tang vật và rút giấy phép, cấm kinh doanh có thời hạn hoặc lâu dài đối với cơ sở in sách lậu thì mới làm họ sợ mà dừng lại việc làm sai trái phải được thực hiện ráo riết. Chúng ta cần có cách xử lý nghiêm hơn với các cơ sở in sách lậu, còn nếu chỉ phạt tối đa vài chục triệu đồng sẽ thiếu hiệu quả.

Để giảm thiểu thiệt hại cho bản thân mình, các NXB, nhà sách bản quyền lâu nay họ vẫn dùng cách đưa tên cơ sở in sách lậu lên các phương tiện truyền thông nhằm giúp công chúng biết để tránh mua phải sách giả. Hoặc nhiều đơn vị làm sách đã tự tìm phương pháp chống làm sách giả với việc làm bìa cứng, bìa nổi; dán tem chống hàng giả, in tem chìm…

Trao đổi về vấn đề phòng chống sách lậu năm 2016 và những năm tiếp theo, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định: Thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác trinh sát địa bàn, nắm tình hình, diễn biến của các cơ sở in, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; Lập hòm thư điện tử, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân và các đơn vị trong ngành về tổ chức, cá nhân có dấu hiệu thực hiện hành vi in lậu, in giả, kinh doanh xuất bản phẩm trái phép, vi phạm bản quyền...

Hy vọng cùng với sự tăng cường trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng, kết hợp với sự góp sức chung tay của cộng đồng, môi trường xuất bản sẽ trong sạch hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ