Tăng cường hợp tác quốc tế để phòng chống thiên tai hiệu quả hơn

GD&TĐ - Phát biểu tại Hội nghị về quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và tăng cường khả năng chống chịu trong nông nghiệp với BĐKH ở Việt Nam sáng 13/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh vai trò của việc hợp tác với các đối tác phát triển, các cơ quan của LHQ, các quốc gia trên thế giới nhằm phòng, chống thiên tại hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ NNPT&NT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Về phía các đối tác phát triển, có Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam, đại diện các nhà tài trợ phát triển, tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao tại Việt Nam.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) và thiên tai đã trở thành vấn đề toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng tỷ người trên Trái đất. Ở Việt Nam ngay tại thời điểm này, trận mưa lũ lớn nhất trong hàng chục năm qua đang gây ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung và miền núi phía bắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề nhất của thiên tai và BĐKH, đặc biệt là bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Theo thống kê, những năm gần đây trung bình mỗi năm, thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP (tương đương 1,3 tỷ USD). Thực tế này đòi hỏi hàng chục triệu người dân Việt Nam phải sống chung, thích nghi với thiên tai.

Cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã chủ động và quyết tâm triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai, nhất là hoàn thiện, bổ sung hệ thống luật pháp, chính sách về phòng, chống thiên tai; tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, ứng phó có hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Phó Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Tổng cục Phòng, chống thiên tai trực thuộc Bộ NN&PTNT nhằm tạo bộ máy chỉ đạo-quản lý phòng chống thiên tai có năng lực, thống nhất từ Trung ương tới địa phương.

Từ năm 1989, Đại hội đồng LHQ đã có Nghị quyết về việc tổ chức Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai hằng năm (13/10). Đây là dịp để cùng nhìn lại những nỗ lực về nhận thức, hành động của cộng đồng về biện pháp cần thiết phải áp dụng để giảm thiểu các nguy cơ có thể gặp phải trong trường hợp xảy ra thiên tai cũng như khuyến khích mọi công dân và chính phủ tham gia xây dựng cộng đồng và đất nước có khả năng chống chọi thiên tai tốt hơn.

Trong 3 năm trở lại đây, Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai có chủ đề lần lượt là “Thích ứng vì cuộc sống” (2014); “Kiến thức cho cuộc sống” (2015); “Sống chia sẻ” (2016). Đây đều là những chủ đề rất cụ thể, hướng đến những ưu tiên cốt lõi nhằm ứng phó có hiệu quả với thiên tai.

Năm 2017, với nhận thức BĐKH tiếp tục là một thách thức, thiên tai bất thường, xuất hiện ngày càng nhiều, cực đoan cả về cường độ, không gian, thời gian và trái với quy luật, chủ đề được lựa chọn của năm nay là “Nhà nhà an toàn: Giảm rủi ro và giảm sơ tán khi có thiên tai”.

Hợp tác tăng cường nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ ấn tượng với chủ đề mà Ngày Quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai hướng đến. Đây là những chủ đề hết sức thiết thực ở quy mô toàn cầu, nhưng đồng thời cũng rất sát với thực tiễn công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai tại Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, khi thiên tai xảy ra, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân, tiếp đó là các yêu cầu về bảo vệ tài sản, công trình.

“Đây là vấn đề được Việt Nam đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm giúp đỡ người dân chủ động phòng tránh, ứng phó, khắc phục kịp thời trước tác động bất lợi của thiên tai”, Phó Thủ tướng nói.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã từng bước ứng phó có hiệu quả trước các tác động của thiên tai và BĐKH thông qua nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo thiên tai, tăng cường đầu tư các công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân. Những chương trình hỗ trợ nhà tránh bão lũ miền Trung, nhà ở ngập lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển cơ sở hạ tầng – đặc biệt là hạ tầng giao thông, chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH… đã góp phần đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ người dân chống chịu với thiên tai.

Đồng thời, Việt Nam cũng đã tham gia sâu, rộng, có hiệu quả vào nhiều hoạt động, diễn đàn quốc tế và khu vực trong phòng, chống thiên tai.

Phó Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh từ kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra là phát huy tốt vai trò và sự tham gia của người dân, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

“Tuy nhiên, để thích ứng hiệu quả với thiên tai, phải kết hợp đồng thời nhiều giải pháp, trong đó tính tới các giải pháp khoa học, lâu dài như công tác quy hoạch, phân bố dân cư, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với tác động của BĐKH, đầu tư phát triển hạ tầng…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã nêu những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài mà Việt Nam ưu tiên triển khai thực hiện trên cơ sở chia sẻ và vận dụng nhiều kinh nghiệm của quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có đặc điểm tương đồng.

Trước hết, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thiên tai. Cùng với đó, phải rà soát, hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản xuất, phân bố dân cư… làm cơ sở để các ngành, địa phương cụ thể hóa việc tổ chức thực thi.

Việt Nam cũng sẽ ưu tiên nguồn lực để đầu tư, nâng cao ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, đánh giá, dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý các cấp và sự chủ động ứng phó của người dân.

Một nhiệm vụ quan trọng cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đó là tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực tìm kiếm, cứu nạn; kịp thời hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu tham dự đã quyên góp chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà đồng bào tại các tỉnh đang bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu tham dự đã quyên góp chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà đồng bào tại các tỉnh đang bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ảnh: VGP

Cùng với đó, cần thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo, nâng cao nhận thức, xây dựng các kế hoạch cụ thể tại cộng đồng để ứng phó với thiên tai; khuyến khích sự tham gia và huy động nguồn lực của doanh nghiệp và cộng đồng, kết hợp với nguồn lực của Nhà nước trong hoạt động phòng và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

“Đặc biệt, sự hợp tác giữa các vùng, các khu vực, các quốc gia và các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới và các tổ chức, cơ quan của LHQ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực cho ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai”, Phó Thủ tướng nói.

Nhân Ngày Quốc tế về giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước nghèo đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, trong đó ưu tiên hỗ trợ việc nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, đánh giá rủi ro thiên tai cũng như năng lực thể chế về quản lý-điều hành phòng chống thiên tai.

“Tôi cam kết Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các hoạt động phòng, chống thiên tai được triển khai một cách hiệu quả và thuận lợi với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng của người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản, có các giải pháp để Việt Nam có thể ứng phó có hiệu quả trước các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã quyên góp chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà đồng bào tại các tỉnh đang bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ảnh: VGP
Các đại biểu tham dự hội nghị đã quyên góp chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà đồng bào tại các tỉnh đang bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ảnh: VGP

Ngay tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng tất cả các đại biểu tham dự đã quyên góp chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà đồng bào tại các tỉnh đang bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. 

Theo Ban Tổ chức Hội nghị, số tiền quyên góp được sẽ được chuyển tận tay những hộ dân bị thiệt hại nặng nề nhất.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.