Sừng tê giác: Hậu quả của sự đồn thổi

GD&TĐ - Sừng tê giác được coi như món đồ xa xỉ của tầng lớp thượng lưu tại Việt Nam. Không chỉ là biểu tượng cho vị thế, sừng tê giác còn được dùng để thỏa mãn niềm tin mới (cho dù nó không có cơ sở khoa học) rằng nó có thể giải độc cơ thể, chữa đột quỵ, tăng sức mạnh đàn ông, thậm chí là ung thư. Đây là nguyên nhân chính thúc đẩy việc săn bắn trộm làm suy giảm số lượng tê giác trên thế giới.  

Sừng tê giác: Hậu quả của sự đồn thổi

Nhu cầu tăng cao

Trong những năm vừa qua, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia tiêu thụ và trung chuyển các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã (ĐTVHD) trong đó có sừng tê giác và ngà voi. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm ĐTVHD chính là nguyên nhân khiến cho các hoạt động săn bắn, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái phép ngày càng gia tăng.

Số liệu thống kê của Mạng lưới giám sát buôn bán ĐTVHD - TRAFFIC cũng cho thấy, Việt Nam, Trung Quốc và Nam Phi là những quốc gia có số vụ bắt giữ liên quan đến sừng tê giác lớn nhất. Theo bà Nguyễn Tuyết Trinh, cán bộ chương trình cấp cao, Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam, trên 5 tấn sừng tê giác buôn bán trái phép bị bắt giữ trong thời gian vừa qua. 65% số vụ bắt giữ được vận chuyển qua hàng không.

Qua khảo sát, Hà Nội và TPHCM là hai địa phương có nhu cầu sử dụng sừng tê giác lớn. Phần lớn người được hỏi thừa nhận có sử dụng hoặc có nhu cầu sử dụng trong thời gian tới là nam giới từ 35 - 55 tuổi. Đây là nhóm người biểu tượng cho sự thành đạt, có địa vị và thu nhập. Cũng theo bà Trinh, năm 2016, có 6% số người được hỏi tại Hà Nội và TPHCM cho biết họ sử dụng sừng tê giác để giải rượu. Sang năm 2017, qua khảo sát số người sử dụng sừng tê giác giảm xuống còn 5% ở Hà Nội nhưng lại tăng ở TPHCM lên 7%. Điều này cho thấy, việc sử dụng sừng tê giác nói riêng và ĐTVHD nói chung trong cộng đồng vẫn tương đối phổ biến. Riêng với sừng tê giác, qua các vụ bắt giữ cho thấy, vẫn diễn biến phức tạp.

Có tốt như đồn thổi

Lâu nay, sừng tê giác luôn được mọi người ví như thần dược bởi khả năng giải độc rượu, nâng cao sức mạnh sinh lý cho nam giới và hơn thế nữa có thể làm chậm, thậm chí chữa được một số bệnh ung thư. Đây là lý do mà việc sở hữu, sử dụng sừng tê giác được nhiều người lựa chọn cho dù chi phí không hề rẻ.

Tuy nhiên, bà Madelon Willemsen, Đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam, các nghiên cứu đã chứng minh loại sừng này không phải thần dược như lời đồn thổi. Cụ thể, hiện chỉ có một nghiên cứu được y học chấp nhận về việc sử dụng sừng tê giác để hạ sốt cho trẻ em do Tsai F.J tiến hành tại Đài Loan năm 1993. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng có nhiều phương thuốc hiệu quả và rẻ tiền hơn so với sừng tê giác có tác dụng hạ sốt như paracetamol. Bản thân nghiên cứu này cũng không khuyến khích sử dụng sừng tê giác. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng không đưa sừng tê giác vào cuốn dược điển chính thức.

Không giống như sừng của các loài động vật khác, sừng tê giác không có lõi xương mà được cấu tạo bởi keratin. Keratin được cấu tạo từ các phân tử tương tự như tóc người. Nhìn chung, các enzyme trong sừng tê giác không hòa tan được.

Còn theo chia sẻ của Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, sừng tê giác là một vị thuốc, có tính hàn, vị đắng khi dùng có tác dụng vào tim, gan, dạ dày. Do tính hàn nên sừng tê giác dùng để giải nhiệt, giải độc cho các bệnh sốt cao, co giật. Nói như vậy để thấy rằng, sừng tê giác không phải thần dược mà cũng như nhiều vị thuốc rẻ tiền khác (ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm). Đông y Việt Nam có hàng ngàn bài thuốc nhưng cũng chỉ có khoảng 20 bài coi sừng tê giác là một vị thuốc. Như vậy, nếu chỉ uống sừng tê giác không thì không tác có dụng chữa bệnh. Với bệnh ung thư, sừng tê giác lại càng không có tác dụng bởi Đông y coi đây là bệnh do hàn tích lại lâu ngày mà ra. Sừng tê giác cũng có tính hàn, khi bệnh uống vào không chữa được mà đôi khi bệnh thêm trầm trọng.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Công ty OIC, anh Lưu Hải Minh cho biết, người nhà đã từng dùng sừng tê giác trị bệnh tiểu đường nhưng kết quả bệnh không thuyên giảm và người thân của anh mất vì căn bệnh trên.

Theo ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Bộ NN&PTNT), tình trạng buôn bán sừng tê giác và ĐTVHD vẫn tồn tại do việc thực thi pháp luật thôi chưa đủ mà cần tuyên truyền để thay đổi hành vi, góp phần giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ trái phép ĐTVHD tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ