Sức sống mới làng gốm Phù Lãng

GD&TĐ - Làng gốm Phù Lãng nằm ven bờ sông Cầu, thuộc địa phận xã Phù Lãng, huyện Quế Võ (Bắc Ninh), vốn là một trong ba trung tâm gốm cổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ, cùng với gốm Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) và gốm Thổ Hà (Việt Yên - Bắc Giang).

Các xưởng gốm mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm và thu nhập tốt cho người dân địa phương
Các xưởng gốm mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm và thu nhập tốt cho người dân địa phương

Trải qua sự đổi thay của thời gian và nhu cầu sử dụng của người dân, đã có lúc gốm Phù Lãng tưởng như sẽ lụi tàn. Thế nhưng nhờ có hướng đi mới, vài năm trở lại đây, làng gốm Phù Lãng đã vực dậy trở lại, xứng danh làng gốm truyền thống hàng trăm năm nhờ đẩy mạnh sản xuất mặt hàng gốm mỹ nghệ.

Thăng trầm Phù Lãng...

Từ thế kỉ 13, làng Phù Lãng đã là một làng nghề truyền thống về gốm. Cùng với Bát Tràng, Thổ Hà, làng gốm Phù Lãng chuyên cung cấp gốm gia dụng như vại, ấm, nồi, chum... khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, gốm của Phù Lãng vẫn nổi tiếng với màu đặc trưng “vàng óng da lươn”, mang đậm chất quê riêng mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Người Phù Lãng vẫn rất tự hào về thứ gốm đặc trưng của làng. Nó mang sự mộc mạc, không cầu kỳ và đậm màu men thô của đất.

Nhưng cũng giống như những làng nghề gốm truyền thống khác, gốm Phù Lãng gặp không ít khó khăn khi các chất liệu khác được dùng làm đồ gia dụng. Nghề gốm vất vả, thu nhập lại không cao, trong khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng những vật dụng làm từ nhựa hay kim loại cao cấp vừa bền vừa đẹp, khiến làng nghề cứ thế teo tóp dần. Đặc biệt, những năm đầu thế kỷ 21, người làm gốm giảm đi rất nhiều; trong làng chỉ còn lại dăm bảy gia đình cố bám nghề. Hàng nghìn thợ thủ công phải bỏ nghề xoay sang kế mưu sinh khác, hoặc tìm sang Bát Tràng làm thuê…

Những nghệ nhân lành nghề, yêu nghề khi ấy đã tuyệt vọng dự đoán về nghề trao truyền của cha ông. Thời huy hoàng của làng gốm Phù Lãng với những lò nung luôn tấp nập thợ làm, bến thuyền trên dòng sông Cầu ven làng không bao giờ vắng thuyền buôn đánh hàng đi khắp nơi..., tất cả chỉ còn là hoài niệm cho kí ức của những người nghệ nhân lớn tuổi.

Bà Phạm Thị Bắc (thôn Trung, làng Phù Lãng) nhớ lại: “Hồi ấy sôi động lắm, làm ngày làm đêm chỉ sợ không kịp đủ hàng để giao cho mối lái. Tôi theo học nghề của gia đình từ tấm bé, lớn lên một chút đã thạo nghề. Ngày xưa, đồ gốm của làng hầu hết được làm thủ công. Đồ gia dụng như chum gạo, chum nước, tiểu sành được người ta đến mua buôn nhiều lắm. Thế rồi đột ngột tất cả các khách hàng đi đâu hết, các lò gốm lụi dần; bản thân tôi có đến mười mấy năm gần như mất nghề…”.

Vực dậy làng nghề

Trải qua hàng loạt khó khăn, những thế hệ nghệ nhân ở đây luôn trăn trở, tìm cách để sống bằng nghề truyền thống. Nhưng thị trường dường như đã quên đi tên gọi gốm Phù Lãng năm nào, sản phẩm làm ra không còn được thu mua. Nhưng một vài năm gần đây, người làng Phù Lãng đã tìm ra được hướng đi mới cho sản phẩm của mình. Thay bằng việc sản xuất đồ gia dụng mà khó tìm được đầu ra, họ tập trung sản xuất mặt hàng đồ gốm mỹ nghệ và đã một lần nữa, làm sống lại cái tên làng gốm Phù Lãng. Ngày nay, người ta biết đến Phù Lãng với các mặt hàng mỹ nghệ như tranh đất, bình trồng cây cảnh mang nhiều họa tiết nổi bật.

Anh Nguyễn Thành, Hội phó Hội gốm Phù Lãng chia sẻ: “Hiện nay, việc làm gốm đã có sự hỗ trợ của máy móc rất nhiều chứ không còn làm hoàn toàn thủ công nữa. Năng suất tăng gấp ba bốn lần so với làm thủ công. Chúng tôi cũng không cần vất vả tìm nguồn tiêu thụ mà đã có nhiều người tự tìm đến làng để mua sản phẩm. Số hộ gia đình làm gốm cũng tăng lên, năm 2011 - 2012 là 400 hộ, hiện nay có khoảng 600 hộ đang tham gia sản xuất gốm”.

Anh Thành cho biết thêm, hiện xưởng sản xuất của anh có tới 15 công nhân, mỗi ngày sản xuất được khoảng hơn 200 sản phẩm. Mỗi tháng, gia đình anh có thu nhập hàng chục triệu đồng. Còn tính trung bình mỗi xưởng thu nhập chừng 50 triệu đồng/tháng.

Nhiều thanh niên trẻ đã đi học tại các trường mỹ thuật, sau đó về sáng tạo họa tiết lên các sản phẩm của làng. Hàng loạt các mặt hàng được sáng tạo về hình khối, hoa văn như tranh gốm, lọ hoa, ấm chén, gốm ốp tường... đã được đông đảo người dùng ưa chuộng.

Anh Nguyễn Đăng Khu, sinh năm 1992, người chuyên vẽ họa tiết trên gốm, cho biết: “Mỗi ngày tôi vẽ được hơn 100 bình hoa, với những mẫu vẽ do tôi tự sáng tạo. Tôi vẽ thuê cho các xưởng gốm, mỗi ngày thu nhập được hơn 500.000 đồng. Những thanh niên học điêu khắc, hội họa như tôi về hoặc đi vẽ thuê, có vốn thì mở xưởng. Tôi cũng đang tích góp để mở xưởng riêng cho mình”.

Với những thay đổi tích cực như vậy, người làm gốm Phù Lãng đã không còn bế tắc nữa. Mặt hàng của họ được đón nhận, thu nhập tăng cao, quy mô sản xuất cũng lớn và tập trung hơn. Các đại lý gốm mỹ nghệ Phù Lãng có mặt ở khắp nơi và tất nhiên khá đắt khách trên thị trường. Mặt hàng gốm mỹ nghệ đã giúp làng Phù Lãng mở ra một trang mới, khép lại những tháng ngày thăng trầm dài dằng dặc tưởng như không lối thoát.

Xu hướng làm gốm nghệ thuật đã đánh dấu một bước tiến mới cho làng Phù Lãng. Số hộ gia đình quay trở lại làm gốm gia tăng nhanh trong nhiều năm qua. Đặc biệt, làng gốm không chỉ sống lại nhờ những nghệ nhân già, giàu kinh nghiệm, mà còn nhờ đông đảo giới trẻ của làng quyết tâm vực dậy nghề của ông cha.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.