Sài Gòn ngập vì có 3 quy hoạch hệ thống thoát nước nhưng... không biết phải làm theo cái nào?

GD&TĐ -Tác động của biến đổi khí hậu đến nước ta nói chung và TP.HCM nói riêng đang đi theo chiều hướng cực đoan dẫn đến mưa nhiều hơn, triều cường ngày càng lên cao và ngập lụt ngày càng nghiêm trọng. Cho nên ngoài các biện pháp mang tính chiến lược lâu dài, thì việc nâng cao ý thức của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường cũng góp phần giúp TP hạn chế được tình trạng mỗi khu phố là một con sông khi triều cường lên hay mưa lớn bất chợt.  

Sài Gòn ngập vì có 3 quy hoạch hệ thống thoát nước nhưng... không biết phải làm theo cái nào?

Qua hoạch chống ngập của TPHCM đã “ lỗi thời”!

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM.

Theo đó, UBND TP.HCM đánh giá quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM được duyệt trước đây đã không còn phù hợp với thực tế, tình hình biến đổi khí hậu nước biển dâng và quy hoạch phát triển chung của TP.

Trong 3 năm gần đây, TP đã xuất hiện 21 đỉnh triều cường đạt và vượt mức báo động cấp III (1,5 m). Ngoài ra, trong năm 2018, do ảnh hưởng của bão số 9 gây ra mưa lớn, lượng mưa đo được tại Trạm Tân Sơn Hòa (gần sân bay Tân Sơn Nhất) là 401 mm làm ngập khoảng 102 tuyến đường, chiều sâu ngập 10 cm đến 70 cm.

Do đó, TP kiến nghị đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình kết nối với quy hoạch tổng thể tiêu thoát nước nhằm khép kín toàn bộ hệ thống, phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống ngập úng cho TP.HCM trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng hiện tại và trong tương lai.

Học sinh TPHCM vất vả đi bộ về nhà khi nước bủa vây khắp lối do triều cường (Ảnh: C.Chương)
 Học sinh TPHCM vất vả đi bộ về nhà khi nước bủa vây khắp lối do triều cường (Ảnh: C.Chương)

Thực tế, trải qua hơn chục năm tìm đủ phương án, đổ vài chục ngàn tỉ đồng vào hàng loạt dự án nhưng tình trạng ngập lụt tại TP.HCM không giảm mà ngày càng nghiêm trọng.

Là người lâu năm nghiên cứu về các giải pháp chống ngập, kỹ sư Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C, khẳng định nguyên nhân là công cuộc chống ngập của TP sai lầm ngay từ những bước cơ bản mà đầu tiên là về vấn đề quy hoạch.

Cụ thể, năm 2001, Chính phủ đã ban hành Quyết định 752 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020. Tuy nhiên đến năm 2008, quy hoạch thủy lợi 1547 chống ngập úng khu vực TP.HCM lại được phê duyệt với mục tiêu giải quyết tình trạng ngập lụt của TP trong phạm vi diện tích vùng trung tâm 209.500 ha và một số vùng phụ cận. Đến 2010, TP lại ban hành quy hoạch 24 về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà trong đó có chương quy hoạch thoát nước mưa và nước thải.

Như vậy hiện TP.HCM có 3 quy hoạch pháp lý còn hiệu lực, không biết phải làm theo cái nào. Chưa kể khi có các dự án quốc tế thì mỗi dự án lại có một tư vấn, thiết kế riêng khiến việc triển khai trở thành tùy tiện, bừa bãi.

Thứ hai, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cơ bản về thoát nước theo từng chuyên đề về mưa, triều, tỷ lệ mốc cao độ (cốt nền)... nên hầu hết các dự án triển khai đều không có tác dụng.

"Do đó, việc rà soát và lập một bản quy hoạch tổng thể, chi tiết để đề ra các giải pháp phù hợp với thực tế là việc hết sức cần thiết và quan trọng" - ông Công nhấn mạnh.

PGS.TS Tô Vân Thanh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thì hiện nay tình trạng ngập nước do triều cường ở TP.HCM diễn biến rất phức tạp, năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2017 đỉnh triều cường tại trạm Phú An là 1,72m, thì trong ngày 30/9 vừa qua đã lập một kỷ lục mới là 1,75m. Và tại trạm Nhà Bè là 1,8m khiến hàng trăm hộ dân ở Quận 8, Quận 7, Tân Bình, quận 2… phải sống trong cảnh ngập nước.

Lý giải về hiện tượng trên, PGS.TS Tô Vân Thanh cho rằng, do quá trình đô thị hóa đã làm giảm không gian chứa nước, giảm khả năng thoát nước, mặt đất nền đang bị lún dần và việc triển khai các công trình chống ngập còn quá chậm so với yêu cầu.

Song song đó, người dân còn chưa ý thức trong xả rác dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn các đầu cống thoát nước. Đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp và không thể kiểm soát đã làm cho tình trạng ngập lụt, triều cường ngày càng tăng cao.

Người dân quận 7- TPHCM, vất vả mưu sinh khi nước ngập do triều cường ( Ảnh: C.Chương)
Người dân quận 7- TPHCM,  vất vả mưu sinh khi nước ngập do triều cường ( Ảnh: C.Chương)

Giải pháp nào để thoát trình trạng ngập lụt phố "thành sông"?

Nhiều nhà khoa học cho rằng, TP.HCM cần có giải pháp căn cơ, tổng thể thì mới mong hạn chế được cảnh phố "thành sông" mỗi khi triều cường.

Theo PGS.TS Tô Vân Thanh, trong lúc chờ đợi các công trình chống ngập hoàn thành thì TP.HCM phải xây dựng được bản đồ ngập lụt và bản đồ quản lý rủi ro do ngập, từ đó để có biện pháp phòng tránh. Đồng thời với đó là tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân.

Giáo sư, TS Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, việc bê tông hóa ở TP.HCM đang khiến nước không thể thẩm thấu nên làm gia tăng hiện tượng ngập lụt. Bên cạnh đó, các hồ trữ nước tự nhiên đã bị thu hẹp dần không đủ sức chứa.

Theo Giáo sư, TS Trần Đình Hòa, TP.HCM phải có một nghiên cứu tổng thể về vấn đề này: “Chúng ta phải có các giải pháp làm sao khi mưa xuống là phải thẩm thấu được xuống mặt đất và phải có không gian để trữ nước đó là vấn đề chống ngập đối với các thành phố nói chung còn riêng về TP.HCM phải có một nghiên cứu tổng thể chứ không thể nghiên cứu rời rạc được”.

Theo ông Đinh Công Sản - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), các giải pháp như chuyển nước và làm hồ điều hòa chỉ mang tính tức thời. Biện pháp mang tính căn cơ là xây dựng hệ thống kè ngăn triều cường xâm nhập vào TP; còn nếu làm hồ điều hòa thì phải nằm ở khu vực hạ du mới giảm được ngập lụt.

Về các giải pháp công trình, chúng tôi nghiên cứu rất nhiều giải pháp nhưng thấy không hiệu quả và chỉ có giải pháp sau cùng mà chúng tôi muốn đề xuất là dùng kè IPT tức là kè làm giảm xâm nhập triều vào từ phía biển vào hoặc là làm hồ điều hòa ở phía hạ du để giảm tình trạng ngập lụt cho TP, ông Sản nói .

Sài Gòn có thể “ biến mất” trong nước biển vào năm 2050

Miền Nam Việt Nam, trong đó có TP.HCM, với dân số 20 triệu người có thể bị ngập trong nước biển vào 2050, theo nghiên cứu của Climate Central.

Climate Central, tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, Mỹ, hôm 29/10 công bố nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Communications, cho thấy số người chịu ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050 so với các dự báo trước đó, đe dọa xóa sổ gần như toàn bộ một số thành phố ven biển lớn trên thế giới.

Các tác giả của nghiên cứu đã phát triển cách tính toán độ nâng lên của mặt đất dựa trên dữ liệu vệ tinh, một cách ước tính tiêu chuẩn về tác động của mực nước biển dâng. Kết quả cho thấy nước biển sẽ dâng cao hơn ở những khu vực lớn và cho rằng các dự báo trước đó đã quá lạc quan. Theo nghiên cứu mới, vào giữa thế kỷ này, khoảng 150 triệu người sẽ sống trong vùng bị ngập dưới nước biển khi triều cường. Đặc biệt, miền Nam Việt Nam có thể gần như biến mất.

Bản đồ cho thấy các dự đoán trước đó về vùng đất bị ngập ở miền Nam vào năm 2050. Tuy nhiên, bản đồ thứ hai dựa trên nghiên cứu mới chỉ ra rằng phần dưới cùng của đất nước sẽ bị chìm dưới nước biển khi triều cường. Hơn 20 triệu người Việt Nam, gần 1/4 dân số, sẽ sống trong vùng bị ngập.

Phần lớn TP.HCM, trung tâm kinh tế của đất nước, theo đó sẽ biến mất. Dự báo không tính đến sự gia tăng dân số trong tương lai hoặc đất bị mất do xói mòn bờ biển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ