Quốc hội kết thúc 3 ngày chất vấn nghiêm túc, trách nhiệm

GD&TĐ - Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến, ngày 1/11, Quốc hội đã hoàn thành phiên họp chất vấn, trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Lâm Hiển

Triển khai hiệu quả giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá trong phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Qua phiên chất vấn cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội, tạo sự chuyển biến góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững.

Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội giao, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện đạt hoặc vượt yêu cầu. Kết quả đó được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số nội dung chậm được triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả, cần phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế có cả khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân từ thể chế, từ tổ chức thực hiện, từ việc thiếu nguồn lực, nhưng cũng có nguyên nhân xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ.

3 ngày chất vấn, tổng cộng đã có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, có 77 lượt đại biểu tranh luận. Nội dung chất vấn có phạm vi rộng, nhiều chất vấn của đại biểu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở hầu hết các lĩnh vực của cả khối hành pháp, tư pháp. Phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi.

 

Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đồng thời tập trung vào những nội dung: Về cải cách hành chính, công chức, công vụ; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vệ sinh an toàn thực phẩm; lĩnh vực tài nguyên và môi trường; lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; lĩnh vực GD-ĐT; lĩnh vực công thương; lĩnh vực y tế; lĩnh vực tài chính, kế hoạch và đầu tư; lĩnh vực thông tin và truyền thông; đối với ngân hàng Nhà nước; đối với lĩnh vực tư pháp và một số lĩnh vực khác.

Riêng với lĩnh vực GD-ĐT, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nâng cao chất lượng đào tạo; triển khai đổi mới chương trình, SGK phổ thông; tiếp tục chấn chỉnh công tác thi và tuyển sinh để bảo đảm chất lượng hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

Rà soát để bảo đảm chặt chẽ, khả thi trong việc tích hợp các môn học; làm tốt công tác lấy ý kiến đối với người học, trong đó có trẻ em liên quan đến các nội dung đổi mới trong hoạt động giáo dục bảo đảm việc đổi mới phải xuất phát từ nguyện vọng của người học và xã hội. Rà soát quy định về kinh phí chi cho các cơ sở giáo dục trên cơ sở xác định vị trí việc làm, nguồn lực của ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội, cử tri về việc xử lý ngay những bất cập trong công tác xây dựng và ban hành văn bản, quản lý, xuất bản sách giáo khoa, triển khai các chương trình thực nghiệm...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ mà nghị quyết Quốc hội đã đề ra, tạo đà cho đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều ngày 1/11. Ảnh: Lâm Hiển
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều ngày 1/11. Ảnh: Lâm Hiển

 Để mọi người dân đều có cơ hội tiến lên

Trong phiên làm việc của Quốc hội chiều 1/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu về một số nội dung mà đại biểu và đồng bào cử tri cả nước quan tâm. Thủ tướng nhấn mạnh: So với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi đổi mới rất ấn tượng.

Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986 - 2017 đạt 6,63%/năm. 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7% và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.

“Chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, đồng thời nhấn mạnh: Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ giai đoạn khó khăn hay thuận lợi nào, tinh thần dân tộc phải là sức mạnh hạt nhân của thể chế và toàn bộ hệ thống chính trị, là yếu tố quyết định ý Đảng, lòng dân, là chất keo làm nên tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng.

Theo Thủ tướng, để bảo vệ các thành quả đã có và đạt được trọn vẹn những mục tiêu phát triển là cả một chặng đường đầy khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới, cải cách, luôn kiên định với lý tưởng, phải nỗ lực, quyết tâm trong nhiều giai đoạn, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp. Chắc chắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, chúng ta sẽ tận dụng tốt các cơ hội, luôn chung sức, đồng lòng, kiên định niềm tin vào lý tưởng và mục tiêu về một nước Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Chúng ta cần tạo mọi điều kiện thúc đẩy sự phát triển cả về lượng lẫn về chất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông thôn, miền núi, các mô hình sinh kế mới của đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa...

Một trong những mục tiêu kiến tạo - phát triển của Chính phủ chính là thúc đẩy sự kết nối tự nhiên giữa các thành phần và khu vực trong toàn bộ nền kinh tế, cùng nhau hướng tới sự cân bằng và thống nhất trong đa dạng. Chính phủ xem đây là một trong những chìa khóa giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước mọi biến động, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế tự cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Thủ tướng cho biết, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, điều này cho thấy các hộ gia đình vẫn đang leo cao hơn trên nấc thang kinh tế sau khi thoát nghèo. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải bị bỏ lại phía sau.

Còn hơn một năm nữa sẽ bước sang một thập niên mới. Tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của chúng ta ngày hôm nay. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy Nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Nhắc lại lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lễ nhậm chức: “Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, tất cả chúng ta hãy cùng nhau tập trung sức lực, làm thật tốt những nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2018 cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ này.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ