Quảng Bình: Trong thiên tai có tình người “Kẻ biển”

GD&TĐ - Trong đêm tối, những người con “Kẻ biển” cùng nhau tìm cách đưa thuyền cá của mình đến khu vực ngập lụt có người dân cần cứu giúp…

Thuyền của ngư dân Hải Ninh đón vận chuyển hàng cứu trợ cho bà con vùng lụt Quảng Ninh.
Thuyền của ngư dân Hải Ninh đón vận chuyển hàng cứu trợ cho bà con vùng lụt Quảng Ninh.

Họ bất chấp nguy hiểm bản thân để cứu đồng bào trong lũ. Nhiều người được cứu trong đêm tối đã chẳng thể nhìn thấy mặt ân nhân, nói lời cảm ơn. 

Những người hùng “không có mặt”

Hiện dấu tích đỉnh lũ lịch sử vừa qua vẫn in hằn trên bờ tường, mái ngói… và lơ lửng trên những ngọn tre bên sông. Thiệt hại mà đợt lũ để lại không thể cân đo đong đếm được. Đâu đó trong làng có những gia đình gần như trắng tay. Bao giọt mồ hôi đã bị dòng lũ cuốn đi không thương tiếc.

Ngồi chuyện với chúng tôi, người dân đã không ngớt nhắc đến những người anh hùng “Kẻ biển” trong lũ. Chính họ đã ứng cứu kịp thời trong đêm tối. Đội thuyền của ngư dân miền biển họ không quản ngại gian khó để giúp mọi người qua cơn hoạn nạn. Một người dân kể rằng, đến bây giờ những “người anh hùng” đó chị cũng chưa kịp nhìn rõ mặt, biết tên để nói lời cảm ơn chân thành.

Chị Trần Thị Hương, ở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh kể lại: “Gia đình chúng tôi bước qua được đợt lũ lịch sử này cũng là sự may mắn. Đây là khu vực trũng. Nước lũ đổ về nhanh, nhấn chìm đồ đạc. Mình nhìn thấy xót của lắm nhưng còn lo thoát thân. Bên trong thì nước lên, bên ngoài thì mưa gió quần thảo, chúng tôi cứ nghĩ dại rằng, kiểu ni chắc khó thoát được…

Đang chới với thì một chiếc thuyền nan đi qua. Họ nghe tiếng vợ chồng tôi kêu cứu. Họ đã cố gắng tiếp cận gia đình tôi. Mở được mái ngói, cả gia đình chui ra. Ở ngoài có 4 - 5 người gì đó ứng cứu giúp đỡ cả gia đình thoát khỏi căn nhà đang ngập lũ. Giúp đỡ gia đình tôi xong, chiếc thuyền này cũng tiếp cận 1 gia đình khác để ứng cứu. Nhưng nước lũ chảy xiết, người lái thuyền không quen lắm địa hình đành quay lại đưa chúng tôi đến trường học để trú ẩn…”.

Không chỉ gia đình chị Hương, rất nhiều gia đình khác ở vùng ngập lụt sâu như Lệ Thuỷ, Quảng Ninh đã được những ngư dân ứng cứu kịp thời… Sau cứu người, họ còn là những “con thoi” mang mì tôm, nước uống, bánh chưng, lương khô… rồi cơm hộp tới cho bà con. Nhờ tình người Kẻ biển, nhiều bà con vùng lũ đã cầm cự qua những ngày thiên tai lịch sử vừa qua…

Sau mưa lũ lặng lẽ về với biển

Ông Hoàng Xuân Tân, Bí thư Huyện ủy huyện Quảng Ninh cho biết, trong trận lũ lịch sử vừa qua, người dân các vùng bãi ngang ở Ngư Thủy, Hải Ninh đã thuê xe tải chở thuyền nan chuyên dùng đi biển vào cứu giúp bà con. Họ cứu người, vận chuyển đồ ăn, thức uống tiếp tế cho các vùng bị lũ ngập sâu. Gần 150 thuyền nan của miền biển đã được vận chuyển vào miền giữa để cứu giúp đồng bào gặp nạn. Đó là nghĩa cử cao đẹp của những người dân xã biển Hải Ninh.

Những câu chuyện cảm động sau đó được lan truyền khắp trên mạng xã hội về tinh thần nghĩa hiệp của người miền biển. Đàn ông chở các đoàn cứu trợ đi về an toàn. Phụ nữ ở nhà nấu cơm, rang cá khô, rang lạc để chồng con mang đi cứu hộ đồng bào. Có nhiều đoàn sau khi được bà con chở đi cứu trợ muốn hỗ trợ bà con ít tiền dầu, bồi dưỡng nhưng họ đều cương quyết không nhận. Có những thuyền bị thủng, họ nhanh chóng sửa chữa cả đêm để sáng hôm sau kịp vận chuyển tiếp tế… “Chúng tôi trân quý tình cảm của người dân miền biển giúp đỡ mọi người trong lúc khó khăn, hoạn nạn”, ông Tân cho hay.

Những người “Kẻ biển” làm nhiệm vụ cho đến khi nước rút. Họ lặng lẽ rút về với biển không màng đến tuyên dương, trả nghĩa. Hôm gặp chúng tôi, họ hào sảng: “Tụi tui làm không phải để được trả công…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.