Phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nền kinh tế chuyển biến tích cực

GD&TĐ - Ngày 15/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành Phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành Phiên họp

Các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành KT-XH, các thành viên UBTVQH cho rằng, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng năm 2019 tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều khía cạnh KT-XH. Cụ thể, đây là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra.

Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3% và bội chi ngân sách đạt 3,4% GDP trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, chưa được dự báo đầy đủ từ trước. Trong 12 chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019, có 7 chỉ tiêu ước đạt và 5 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch đề ra. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt theo quy luật của thị trường nhưng có trọng tâm.

Các thành viên UBTVQH đánh giá, các báo cáo cơ bản đã đáp ứng yêu cầu để trình ra Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Tám; đồng thời, đề nghị Chính phủ cần rà soát, làm rõ hơn nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH.

Các thành viên UBTVQH nhấn mạnh, 2020 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020, có ý nghĩa rất quan trọng. 2020 cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương các cấp vào năm 2021.

Do đó, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục là trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành chính sách kinh tế để tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế ổn định và đẩy nhanh cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế thị trường hiện đại.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá khách quan tình hình thế giới và khu vực có tác động tới tình hình nước ta. Trong đó, cần đánh giá, phân tích kỹ tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc; tình hình an ninh - quốc phòng trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là tình hình biển Đông.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tình hình biển Đông tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, sẽ có ảnh hưởng lớn tới tình hình phát triển KT-XH, an ninh trật tự trong nước cũng như lĩnh vực ngoại giao. Do đó, cần có đánh giá kỹ lượng, chính xác nhằm có những phương án đối phó hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chính phủ cần bổ sung kế hoạch, phương hướng thực hiện nhiệm vụ từ nay đến cuối năm.

Trong đó, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế: Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho bà con và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; khắc phục ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người dân…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần lưu ý thêm một số vấn đề, trong đó có việc tổ chức thực hiện pháp luật trên một số lĩnh vực còn chưa tốt. Cụ thể, một số nội dung văn bản luật hầu như không được triển khai tại một số địa phương hoặc được triển khai nhưng còn chậm.

Điều đó cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra tình hình triển khai pháp luật chưa nghiêm. Đơn cử, qua giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận thấy, một số nội dung của Luật Phòng cháy, chữa cháy chưa được triển khai, như thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đối với các dự án, công trình.

Theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy, các địa phương phải ban hành Nghị quyết xử lý các công trình không bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy trước ngày Luật này có hiệu lực. Tuy nhiên, đến nay mới có 4/63 tỉnh, thành làm Nghị quyết này. 

Báo động tình trạng xâm hại trẻ em 
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, bên cạnh những vấn đề tích cực của nền kinh tế thì vấn đề xã hội đang nổi lên một số vấn đề rất đáng quan tâm. Đó là đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp và có một số mảng xuống cấp khá nghiêm trọng, tội phạm ma túy nghiêm trọng gia tăng...  
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, trong quá trình giám sát ở cơ sở cho thấy tình hình xâm hại trẻ em hiện nay chiếm khoảng 70%, trong đó chủ yếu là xâm hại tình dục trẻ em. Đau xót hơn là trong số các vụ xâm hại tình dục trẻ em có cả người quen, người thân ruột thịt… “Hầu như ở các địa phương đều có các vụ xâm hại trẻ em, có những vụ rất nghiêm trọng. Tôi đề nghị công tác phòng ngừa phải đặt ra nhiều giải pháp nhằm góp phần giảm số vụ xâm hại trẻ em, xử rất nghiêm và đề cao công tác phòng ngừa”, bà Lê Thị Nga nêu ý kiến.
Điều đáng suy nghĩ nữa là vấn đề loạn luân trong gia đình giữa bố đẻ, bố dượng, người thân trong gia đình xâm hại trẻ em. Ngoài tình trạng xâm hại trẻ em, thời gian qua còn nổi lên tình trạng giết người; đặc biệt là giết người thân trong gia đình do những mâu thuẫn, tranh chấp đất đai… gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Bên cạnh đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải, ô nhiễm không khí… Theo bà Lê Thị Nga, cần minh bạch thông tin để người dân biết và cần phải có biện pháp phòng ngừa tránh tình trạng doanh nghiệp vi phạm rồi các ngành chức năng mới lên tiếng xử lý. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ