Phát triển trường lớp mầm non đảm bảo quyền lợi lao động nữ tại KCN

GD&TĐ - Thực trạng hệ thống trường mầm non tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm. 

Phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp đòi hỏi sự chung tay của các bộ, ngành và các tổ chức xã hội
Phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp đòi hỏi sự chung tay của các bộ, ngành và các tổ chức xã hội

Trước thực trạng này, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT xem xét giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động nói chung và nữ công nhân lao động tại các KCN nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề cần sự chung tay của các cấp, các ngành.

Tăng nhanh nhưng chưa đủ

Số lượng các trường mầm non đã tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Nếu từ năm 2010, mới chỉ có hơn 12.000 trường, thì đến nay theo báo cáo tổng kết năm học 2014 - 2015, cả nước có 14.324 trường, với 174.583 nhóm lớp, trong đó có 12.412 trường mầm non công lập, 1.858 trường mầm non tư thục và 54 trường mầm non dân lập. Giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển nhanh, nhất là tại các thành phố, thị xã, khu đông dân cư, KCN.

Ở các KCN tập trung nhiều công nhân, đặc biệt là nữ công nhân trẻ nên nhu cầu gửi con là rất lớn. Trong khi quy mô trường, lớp mầm non chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu gửi con của phụ huynh là công nhân lao động thuộc các KCN, KCX. 

Theo thống kê khảo sát, tỷ lệ công nhân có con trong độ tuổi mầm non chiếm gần 60% với 58,6% độ tuổi dưới 3 tuổi. Công nhân tại các KCN phần lớn là người nhập cư (47,1%). 

Do các doanh nghiệp không đầu tư xây nhà ở cho công nhân nên họ phải ở nhà trọ, có hơn 70% công nhân tại các KCN phải thuê trọ và ít có điều kiện chăm sóc trẻ tại gia đình.

Trao đổi về những khó khăn trong việc phát triển nhà trẻ mẫu giáo tại các KCN, KCX, nơi có nhiều lao động nữ, bà Nguyễn Thị Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) - cho biết: 

KCN, KCX là nơi tập trung đông lao động nữ và thường xuyên có biến động về mặt nhân khẩu, do công nhân ít cố định nơi làm việc mà di cư tự do dẫn đến những khó khăn cho công tác khảo sát, dự báo quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp mầm non trên địa bàn các KCN. 

Bên cạnh đó, do điều kiện thu nhập thấp, lao động nữ khó có điều kiện gửi con tại trường tư thục chất lượng cao, họ thường phải gửi con tại các lớp tư thục độc lập trên địa bàn KCN, đây cũng chính là một trong những nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ.

Giải pháp đồng bộ

Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều chính sách, triển khai các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề trường mầm non trong các KCN. Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với các cơ quan như Tổng Liên đoàn Lao động, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… tiến hành khảo sát tại các tỉnh, các KCN, nhà máy có đông lao động nữ, trên cơ sở khảo sát tiến hành hội thảo đề xuất báo cáo với Chính phủ thực trạng và giải pháp…

Trên cơ sở những khảo sát này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg vào tháng 5/2015 vừa qua, trong đó giao rõ trách nhiệm cho tất cả các bộ, ngành cũng như các UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường lớp mầm non ở các KCN, KCX. 

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã chỉnh sửa và ban hành các văn bản về điều lệ, quy chế, tổ chức hoạt động của trường mầm non tư thục. Hoàn thành chương trình bồi dưỡng khung dành cho trường lớp, nhóm lớp tư thục độc lập; Phối hợp với Trung ương Hội Phụ nữ triển khai Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đề án “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX đến năm 2020”.

Liên quan đến triển khai Nghị định 85/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, bà Nguyễn Thị Hiếu cho biết: Trong điều 10 và 12 giao Bộ GD&ĐT triển khai quy hoạch tiếp tục phát triển các trường mầm non công lập. 

Song song với đó, Bộ cũng đang rà soát các chính sách xã hội hóa giáo dục, để các cơ sở giáo dục mầm non có thêm cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ như vay vốn, ưu đãi về thuế, đất đai... Khi điều chỉnh các chính sách này, hy vọng các tổ chức, cá nhân đầu tư sẽ có thêm điều kiện củng cố và nâng cao chất lượng các lớp tư thục trên địa bàn các KCN.

Theo bà Nguyễn Thị Hiếu, về quan điểm, Bộ GD&ĐT mong muốn cơ sở giáo dục mầm non cần phải được phát triển ở quy mô trường thì mới đảm bảo được chất lượng cũng như đảm bảo chặt chẽ về công tác quản lý.                                                                                                                                                                                                      Tuy nhiên do những điều kiện thực tế, các nhóm lớp mầm non trên địa bàn các KCN tăng quá nhanh, vì vậy rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các ban ngành, địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ