Nước mắt lăn theo cơn lũ dữ

GD&TĐ - Mưa lũ những ngày qua ở Quảng Nam không chỉ gây thiệt hại về vật chất, mà còn là những nỗi đau vô tận. Đã có những gia đình mãi mãi mất đi người thân trong cơn lũ dữ.

Đám tang của em Công và em Vy tại thôn Triều Châu, xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Đám tang của em Công và em Vy tại thôn Triều Châu, xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Lũ gây chập điện, hai mẹ con tử vong

Ngày 13/10, theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trước đó, bà Tôn Nữ Thị Minh Hiếu (SN 1964) và người con trai là anh Nguyễn Văn Tâm (SN 1993) bị tử vong do điện giật trong lúc mưa lũ.

Tại đây, người thân cùng người dân trong xóm đang tất bật lo đám tang cho 2 mẹ con xấu số. Vừa về đến đầu thôn đã cảm nhận được không khí đau thương, tang tóc qua tiếng trống, tiếng chiêng nghe não lòng, ai oán.

Trong căn nhà hương khói nghi ngút, 2 chiếc quan tài lạnh lẽo chiếm gần hết diện tích. Cạnh bên linh cữu bà Hiếu và anh Tâm, người thân liên tục bật khóc thê lương, còn người đến viếng cũng rưng rưng nước mắt vì thương xót.

Lau những giọt nước mắt, ông Bảo Sáu (SN 1969, em ruột bà Hiếu) cho biết: “Cách đây 3 tháng, ngôi nhà chị Hiếu bỗng bị chập điện và bốc cháy dữ dội. Lúc đó ngôi nhà cháy trơ trụi không còn lại gì.

Cuộc sống khó khăn, anh chị em và hàng xóm cùng chính quyền gom góp hỗ trợ được 35 triệu để chị Hiếu dựng ngôi nhà tạm bằng sắt và tôn để 2 mẹ con chị ấy ở tạm để buôn bán kiếm sống qua ngày”, ông Sáu nói.

Theo lời ông Sáu, những ngày qua, do mưa lớn kéo dài nước sông dâng cao đã tràn vào các nhà dân sinh sống quanh đây. Nhà bà Hiếu cũng bị ngập gần 30cm.

“Khoảng 4 giờ sáng 12/10, lúc này trời mưa to, điện trong nhà chị Hiếu bị rò rỉ nên chạm vào tôn và sắt trong nhà, nhưng không ai biết. Khi cháu Tâm dậy mở cửa thì bất ngờ bị điện giật ngã xuống nền nhà. Lúc này chị Hiếu đang nằm ngủ gần đó thấy con trai ngã nên ngồi dậy đỡ. Nhưng khi chị Hiếu bước xuống giường thì cũng bị giật điện và ngã luôn xuống nền nhà”, ông Sáu nhớ lại.

Bà Trần Thị Lẽ cùng các con của mình bật khóc bên linh cữu của đứa con trai xấu số.
Bà Trần Thị Lẽ cùng các con của mình bật khóc bên linh cữu của đứa con trai xấu số.   

Ông Sáu cho hay, khi bà Hiếu và anh Tâm bị điện giật ngã xuống nền nhà, lúc này trong nhà có một người bạn của anh Tâm đến chơi ở lại nên đã phát hiện và kêu gọi hàng xóm ra trụ điện để ngắt điện. Sau đó, mở cửa đưa bà Hiếu cùng anh Tâm đến bệnh viện cấp cứu.

“Do nước lớn nên người dân và chúng tôi phải đặt chị Hiếu và cháu Tâm lên ghe rồi đẩy ra đường lớn để đưa đi cấp cứu. Thế nhưng, khi đến nơi thì bác sĩ nói chị Hiếu và cháu Tâm không qua khỏi. Đau xót lắm mấy chú ơi...”, ông Sáu bật khóc.

Ông Sáu cho biết, bà Hiếu có 2 người con, đứa con trai đầu đã có vợ và sinh sống làm việc tại Đà Nẵng. Anh Tâm là con trai thứ 2 hiện đang làm nghề lái taxi và ở cùng bà Hiếu. Hằng ngày phụ mẹ mình bán hàng tạp hóa ở nhà và đi chạy xe taxi.

Cuộc sống khốn khó, với sự giúp đỡ của bà con hàng xóm cùng người thân gia đình, 2 mẹ con bà Hiếu và anh Tâm vượt qua mọi khó khăn, lo làm lụng và nương tựa nhau sống qua ngày. Ấy thế mà, trong những ngày mưa lũ ở miền Trung khốc liệt, một tai nạn bất ngờ ập xuống một gia đình nhỏ, khiến 2 mẹ con trong một gia đình vĩnh viễn ra đi.

Bà Nguyễn Thị Vân (hàng xóm bà Hiếu) cho biết, bà Hiếu và anh Tâm rất hòa đồng và vui vẻ với hàng xóm. “Trước đó 1 ngày, chị Hiếu khoe với tôi vừa bán hết lô áo mưa vừa nhập về, kiếm được ít tiền lời, gom góp để vài bữa sửa lại căn nhà để 2 mẹ con ở, nào ngờ số phận nghiệt ngã. Chị Hiếu cùng cháu Tâm ra vĩnh viễn, dang dở ước mơ ấp ủ bấy lâu nay. Tôi nghe tin mà vẫn không tin đó là sự thật. Thật là xót xa”, bà Vân thở dài.

Ước mơ dang dở của em học sinh lớp 10

Cùng ngày, chúng tôi men theo tuyến đường Quốc lộ 14H để đến thôn Triều Châu, xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), để đến nơi có 2 em học sinh là em Hứa Đại Công (SN 2005) và em Hứa Thị Kiều Vy (SN 2007), đã tử vong do nước lũ cuốn trôi.

Trên con đường vào thôn Triều Châu như đã nhuộm màu tang thương. Chỉ trong đường ngắn chỉ vài chục mét nhưng đã có 2 đám tang đối diện nhau. Hai học sinh đã vĩnh viễn ra đi sau trận lũ dữ vào ngày 12/10.

Ông Trần Văn Lắm (cậu ruột em Hứa Đại Công) cho biết, Vy và Công là 2 anh em họ, nhà đối diện nhau. Sáng 12/10, cháu Hứa Thị Kiều Vy và Công khi đi qua tuyến đường Quốc lộ 14H, do không phân biệt được mép nước nên cháu Vy bước hụt chân, chới với và bị nước cuốn trôi. Cháu Công thấy vậy ra ứng cứu cháu Vy nên kiệt sức, cả hai bị dòng nước lũ nhấn chìm.

“Nước lũ chảy xiết, ngập hơn 1m. Ở dưới ruộng, nơi hai cháu ngã xuống thì nước ngập quá đầu. Nghe tin cả nhà liền lội nước chạy ra, nhưng hai cháu đã đi mãi mãi” – ông Lắm chia sẻ.

Đứng bên linh cữu con trai, ông Hứa Đại Toàn (cha cháu Công) như người mất hồn. Ông Toàn cho biết, ông làm nghề phụ hồ, nhưng thời gian gần đây bị mất việc vì dịch Covid-19. Ông định hết lụt sẽ cùng Công sửa lại khoảng vườn bên nhà để trồng thêm rau, nuôi gà kiếm thêm thu nhập.

“Công nó là đứa hiền lành, mỗi sáng đều chạy xe giúp mẹ đi giao rau củ ở ngoài chợ. Cháu nó mới lên lớp 10 được 3 tháng. Tôi đâu ngờ phải dùng ảnh thẻ lớp 10 của cháu để làm ảnh thờ”, ông Toàn nghẹn ngào nói.

Ông Bảo Sáu – em ruột bà Hiếu bật khóc khi nhớ lại sự việc.
Ông Bảo Sáu – em ruột bà Hiếu bật khóc khi nhớ lại sự việc.

Nhìn thấy bà Trần Thị Lẽ (SN 1977, mẹ cháu Hứa Đại Công) vật vã bên quan tài của đứa con trai xấu số, ai cũng không kìm được dòng nước mắt. Bà Lẽ có 4 người con, Công là con thứ 2 trong nhà, trước Công là 1 chị gái, còn sau Công là 2 đứa em nhỏ.

Bà Lẽ cho biết, đêm trước khi Công mất, bà Lẽ ôm con vào lòng, động viên con gắng học, không cần quá lo lắng về gánh nặng kinh tế gia đình.

Công là học sinh tiên tiến. Nói với mẹ, Công cho biết mình mơ ước được trở thành Công an. Sau đó cố gắng làm việc kiếm tiền để xây nhà cho ba mẹ đỡ vất vả khi đến mùa mưa lũ.

“Sáng 12/10, cháu sau khi phụ tôi chở rau củ ra chợ thì cả hai trở về nhà. Công ăn bát mỳ tôm rồi bảo đi ra đường có việc một chút. Chỉ ít phút sau, tôi nghe tin hàng xóm báo Công bị đuối nước ngoài đường. Khi được bà con tìm thấy, cháu nó chỉ mang độc một cái quần đùi. Cháu nó mất mà không có được mảnh áo lành lặn. Đau xót quá con ơi!”, bà Lẽ khóc ngất.

Tại Quảng Nam trời đã ngớt mưa, nước lũ bắt đầu rút hết, nhiều người dân trong xóm ở các gia đình có người tử vong vội lặn lội đến nhà chia buồn cùng với gia đình nạn nhân.

Đối với người thân trong gia đình nạn nhân, họ vẫn chưa thể tin rằng, người mẹ, người em, người anh, người chị trong gia đình của họ đã vĩnh viễn ra đi chỉ sau một trận lũ dữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...