Nóng từ nghị trường đến xã hội

GD&TĐ - Tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những quy định quan trọng đối với đa số người lao động. Bởi thế, mỗi lần cơ quan chức năng có những động thái điều chỉnh lại... khiến dư luận  dậy sóng  với luồng ý kiến trái chiều.

Lao động khu vực sản xuất trực tiếp kiến nghị không tăng tuổi nghỉ hưu bởi rủi ro khi chủ doanh nghiệp không tiếp nhận lao động lớn tuổi.	 Ảnh: ILO
Lao động khu vực sản xuất trực tiếp kiến nghị không tăng tuổi nghỉ hưu bởi rủi ro khi chủ doanh nghiệp không tiếp nhận lao động lớn tuổi. Ảnh: ILO

Hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu

Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021.

Theo phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Với phương án 2, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định tuổi nghỉ hưu trong một số trường hợp đặc biệt. Đó là người lao động được nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi do bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Đồng thời, người lao động cũng được nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi nếu có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Ban soạn thảo cho rằng chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam ngày càng tăng. Tuổi thọ bình quân của nam hiện là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi; và cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới là 72 tuổi. Hơn nữa, lực lượng lao động tham gia thị trường lao động của Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng chậm cả về số lượng và tỷ lệ.

Cũng theo lý giải của Bộ LĐ-TB&XH, việc nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi, nữ 60 tuổi là cần thiết, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai. Đồng thời, hầu hết các quốc gia khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều có một lộ trình để thu hẹp dần khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.

Còn những băn khoăn

Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Đối với quy định về tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đề xuất tăng lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ nhưng chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, các biện pháp đặc biệt tạm thời theo tinh thần Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), trong khi khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau và liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác.

Cũng theo bà Thúy Anh, để có đủ thông tin trình Quốc hội xem xét, thảo luận, đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: Tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội; các yếu tố ảnh hưởng khác; đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực khi ghi nhận “có quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”. Bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan; Lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu, có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán; Rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.

Trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đã được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi của người lao động. Theo đó, nhiều tổ chức đại diện cho người lao động tiếp tục kiến nghị không nên tăng tuổi nghỉ hưu. Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Dự thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của tổ chức công đoàn. Tuy nhiên trong dự thảo còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục thảo luận và lắng nghe một cách kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện thì mới tránh được những ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người lao động, vì họ vẫn là đối tượng yếu thế hơn trong quan hệ lao động.

Người lao động trong khu vực sản xuất trực tiếp vẫn có mong muốn được về hưu sớm hơn, tình trạng về hưu sớm đối với khu vực này hiện nay không giảm. Qua theo dõi, hầu hết người lao động, nhất là lao động trực tiếp sản xuất hầu như về hưu khi chưa đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. “Đây là một vấn đề cần được cân nhắc, xem xét kỹ càng, để có đề xuất phù hợp đối với khu vực lao động này”, ông Lê Đình Quảng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.