Nợ đọng bảo hiểm tăng mạnh

GD&TĐ - Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, đến nay tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là khoảng 12.960 tỷ đồng. 

Nợ đọng bảo hiểm tăng mạnh

Trong tổng số nợ trên, BHXH nợ khoảng 10.000 tỷ đồng, BHYT nợ khoảng 2.000 tỷ đồng, BHTN nợ khoảng 960 tỷ đồng. Trong khi tính đến cuối năm 2017, số tiền nợ các loại bảo hiểm chỉ là khoảng 5.737 tỷ đồng, điều đó cho thấy hiện tình trạng nợ bảo hiểm đang ngày một gia tăng.

Nan giải thu hồi

BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết quý I/2018 cơ quan này đã thực hiện chi BHXH, BHYT, BHTN là 68.279 tỷ đồng, trong đó chi BHXH từ nguồn ngân sách 11.073 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 34.472 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 1.732 tỷ đồng và ước chi khám chữa bệnh BHYT 21.002 tỷ đồng.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 2.000 tỷ đồng của khoảng 8.000 doanh nghiệp gần như không thể đòi được vì “mất tích”. BHXH Việt Nam đánh giá số nợ này rất khó đòi, thậm chí không có khả năng thu hồi.

Trong đó, đến hết năm 2017 cả nước đã ghi nhận hơn 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn.

Một trong những hậu quả của việc này là khoản nợ BHXH, BHYT và lương lên tới hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của hàng nghìn người lao động.

Nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai công tác thanh tra, xử phạt nghiêm, đồng thời định kỳ thông báo tới những đơn vị nợ yêu cầu trong vòng 15 ngày phải trả nợ. BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung mọi nguồn lực để đôn đốc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Khi cơ quan BHXH quyết định thanh tra doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp đã trả nợ ngay hoặc trả nợ một phần.

Tuy nhiên, cơ quan BHXH đang gặp nhiều khó khăn đối với những trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc các doanh nghiệp giải thể, phá sản, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động nhưng sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH.

Bởi đầu tư về vốn của các doanh nghiệp FDI không lớn, nên khi thanh lý thì những tài sản này vẫn chưa trả đủ phần vốn vay của các ngân hàng, nên nợ BHXH không được giải quyết. Hoặc trong một số trường hợp tài sản vốn liếng của doanh nghiệp lớn thì nợ BHXH cũng không được ưu tiên trước...

Lúng túng trong xử lý

Chuyên gia cho rằng, hiện vẫn còn tồn tại tình trạng người sử dụng lao động lách luật để không đóng hoặc đóng bảo hiểm, hoặc không ký hợp đồng với người lao động, ký loại hợp đồng không làm phát sinh nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc... hay mức lương thể hiện trong hợp đồng thấp hơn mức người lao động thực nhận. Do đó, những hành vi vi phạm vẫn chưa thể xử lý triệt để, kịp thời.

Được biết, từ 1/1/2018, những chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động sẽ bị xử lý hình sự, điều này đã giúp làm tăng trách nhiệm, là cơ sở ràng buộc để chủ doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp chưa có xu hướng khắc phục việc nợ BHXH cũng như các chế độ khác của người lao động trong khi thời gian chây ỳ đóng BHXH từ hai đến ba năm, thậm chí có đơn vị nợ hàng chục năm đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động.

Nói về việc xử lý và thu hồi nợ BHXH đối với các doanh nghiệp chây ỳ, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, hiện BHXH chưa thể triển khai nội dung này được nhiều, bởi không phải cứ nợ là đưa ra khởi tố ngay.

Cơ quan BHXH cũng đặt vấn đề là trước hết đôn đốc, tiến hành thanh tra xử phạt mà các đơn vị vẫn cố tình chây ỳ thì mới tiến hành làm thủ tục hồ sơ khởi kiện. Ngoài ra, người lao động cũng cần lên tiếng, yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN...

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, nợ tiền đóng BHXH. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi một số pháp luật có liên quan theo hướng khi thanh lý tài sản của các doanh nghiệp giải thể, phá sản thì tiền đóng BHXH được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ