Những cựu chiến binh hiến đất xây trường

GD&TĐ -“Mình không giàu có gì nhưng đất đai ở miền vườn này lại sẵn, trong khi tụi nhỏ không có trường để học, lên huyện học thì xa quá. Thôi thì mình hiến đất để xây trường tại chỗ để tụi nhỏ có điều kiện học hành, cha mẹ cũng yên tâm mà làm ăn. Mình từng là người lính, xương máu còn không tiếc, tiếc gì chỗ đất ấy, trong khi lại góp phần xây dựng tương lai cho con trẻ” - ông Nguyễn Văn Thông, 55 tuổi ngụ ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) khảng khái nói với chúng tôi như thế.

Khu phòng học được xây khang trang sạch đẹp trên phần đất ông Thạch Ua hiến tặng
Khu phòng học được xây khang trang sạch đẹp trên phần đất ông Thạch Ua hiến tặng

2 lần hiến đất xây trường

Nhiều người dân tại đây vẫn nhớ như in hồi phải bơi xuồng đưa con em đến lớp, tại điểm lẻ Trường Tiểu học Mỹ Hương B (ấp Tân Mỹ). Điểm trường không có lối đi bộ vào đã đành, lại cũng chỉ là một căn lều mái tranh ọp ẹp, không che nổi nắng mưa, nói gì giông bão.

Điểm lẻ cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập của HS lớp 1 và lớp 2; từ lớp 3 là các em phải vào điểm trường chính để học, cách ấp rất xa. Thấy vậy năm 2004, ông Thông đã bàn với gia đình tự nguyện hiến 120 mét vuông đất cạnh nhà để xây dựng 1 phòng học khang trang, giúp các em có được nơi học tươm tất, an toàn và nhất là gần nhà.

Bà Lê Thị Loan, ngụ ấp Tân Mỹ, nhớ lại: “Hồi đó nghe anh Thông hiến đất xây phòng học, bà con mừng lắm, nhất là mấy đứa nhỏ hết nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa giông, gió lớn. Gia đình anh Thông cũng có dư dả gì đâu, vậy mà sẵn sàng hiến cả mảnh đất lớn, tính ra cũng trên 100 triệu đồng; với quê nghèo này, thế là to lắm đấy”.

Chưa dừng lại ở đó, trước nhu cầu phát triển trường lớp để HS từ lớp 3 đến lớp 5 không phải vượt trên 4 km đường sông hay đường sình trơn trượt đến trường tại Trung tâm xã Mỹ Hương, năm 2010, ông Thông đã bàn bạc với vợ con và quyết định hiến đất lần 2 với diện tích 740 mét vuông đất còn lại của gia đình, để trường xây dựng tiếp 3 phòng học khác (liền kề cạnh phòng học đã hiến lần trước); giúp hàng trăm HS vùng quê sâu có những phòng học khang trang, không phải mất nhiều thời gian đi xa như trước lại luôn đảm bảo an toàn trên đường đến lớp.

Anh Trần Minh Hùng bên ngôi Trường Mầm non và Tiểu học Nguyễn Trung Trực, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang

Anh Trần Minh Hùng bên ngôi Trường Mầm non và Tiểu học Nguyễn Trung Trực, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang

Chia sẻ về câu chuyện này, Trưởng điểm B Trường Tiểu học Mỹ Hương, nhà giáo Lê Thanh Tâm, xúc động nói: “Nếu không có trên 860 mét vuông đất của vợ chồng chú Thông, cô Mận hiến tặng để xây dựng 4 lớp học, thì HS tại đây sẽ rất vất vả, dẫn đến tình trạng bỏ học giữa chừng.

Chưa kể hiện nay cô chú còn tự nguyện làm công việc bảo vệ các lớp học, sửa chữa nhỏ bàn ghế, cửa chính, cửa sổ, cổng rào mỗi khi có hư hỏng. Đó là những việc làm rất đáng trân trọng”.

Tấm lòng của người cựu chiến binh Khmer

Năm 1990, thấy trẻ em xung quanh không có trường học phải lội ruộng, bơi xuồng gần 4 cây số mới đến điểm học tại xã, cựu chiến binh Thạch Ua (năm nay 62 tuổi), người Khmer, ngụ ấp 4, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đã hiến 400 mét vuông đất của gia đình để xây 3 phòng học.

Cũng như ông Thông, ngoài việc hiến đất xây trường, ông Ua còn thường xuyên theo dõi việc học hành của các cháu, kịp thời giúp đỡ quần áo, dụng cụ học tập cho những trường hợp khó khăn, luôn động viên các cháu chăm ngoan, học tốt.

Khi đã có được 3 phòng học khối tiểu học, một khó khăn khác tiếp tục diễn ra là có nhiều hộ khác có con nhỏ do không có điểm giữ trẻ nên ảnh hưởng rất lớn đến việc lao động mưu sinh hàng ngày. Biết chuyện, năm 2012, ông Thạch Ua tiếp tục hiến 200 mét vuông đất nhà để xây dựng điểm trường mầm non (điểm Thơm Rơm, ấp 4). Không chỉ vậy khi địa phương làm đường giao thông liên ấp, gia đình ông đã hiến gần 100 mét vuông đất cho con đường chạy qua nhà, tạo sự đi lại thuận tiện cho người dân địa phương.

“Sắp tới đây nếu Nhà nước cần, gia đình tôi sẽ hiến đất tiếp, miễn sao mang lại lợi ích chung cho bà con, nhất là cho lớp trẻ tại địa phương, chứ mình cứ giữ mãi cho riêng mình làm gì”, ông Ua nói.

“Người lính là thế”

Phải nhiều lần tìm kiếm và liên hệ qua điện thoại, chúng tôi mới gặp được anh Trần Minh Hùng - cán bộ mặt trận ấp 3 B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A (Hậu Giang). Một phần là vì anh quá bận với nhiều công việc, phần nữa là anh “né” kể lại chuyện hiến đất xây trường.

Anh Trần Minh Hùng giãi bày: “Hiến đất để các em có điều kiện học tập tốt hơn là chuyện rất bình thường, không có gì đáng kể đâu. Nhiều người còn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục to lớn hơn nhiều. Bản thân mình là cựu chiến binh nên phải gương mẫu thôi. Người lính là thế mà”.

Năm 2014, điểm lẻ Trường Mầm non và Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực gần nhà anh Hùng xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập của các em. Cạnh đó, khi địa phương triển khai phương án mở rộng tuyến giao thông trước điểm trường thì các em không còn có sân chơi như trước; chưa kể nguy cơ tai nạn giao thông sẽ xảy ra bất cứ lúc nào trong giờ chơi, giờ đưa, rước các em.

Chứng kiến hàng ngày hình ảnh đó, anh Hùng đã bàn bạc cùng gia đình hiến tặng 1.200 mét vuông đất “mặt tiền” của nhà mình để địa phương xây dựng điểm trường mới rất khang trang, sạch đẹp, an toàn.

Vợ chồng ông Thông, bà Mận trước Trường Tiểu học Mỹ Hương B, ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng)

Vợ chồng ông Thông, bà Mận trước Trường Tiểu học Mỹ Hương B, ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng)

Có một chi tiết mà anh Hùng không kể, nhưng may mắn chúng tôi tìm hiểu qua lời kể của người bạn đời của anh, chị Ngô Ngọc Giàu : “Đất gia đình tôi hiến tặng dù giá trị không cao lắm, nhưng là đất hương hỏa của các cụ để lại. Hồi đầu nghe anh ấy tâm sự ý định, tôi cũng khuyên nên bàn với họ tộc để được đồng thuận, may làm sao, ý tưởng vừa được đưa ra, cả họ đồng ý ngay, bởi vậy mọi cái sau đó rất thuận lợi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.