Những câu chuyện cảm động sau lũ

GD&TĐ - Ngay khi nước rút, người dân xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội  lại bắt tay vào dọn dẹp đường làng ngõ xóm để hạn chế tối đa dịch bệnh do môi trường bị ô nhiễm. Về thăm Bến Vôi điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là trận lũ lụt được đánh giá lớn nhất trong vòng 10 năm nhưng thiệt hại kinh tế thì lại không đáng kể. Những câu chuyện, những mất mát, những sẻ chia đùm bọc trong những ngày mưa lũ được bà con kể lại xúc động và khó quên.

Những câu chuyện cảm động sau lũ

Mang lợn lên nhà tôi

Đó là chị Nguyễn Thị Chính – người phụ nữ trung tuổi sống với mẹ già ở xóm Bến Vôi đã nhường phần sân cao ráo để tập kết lợn của một số hộ gia đình mang đến gửi do chuồng trại bị ngập nước. “Cũng ô nhiễm lắm nhưng không sao, sân nhà mình cao thì cho họ gửi tạm ít ngày, khó khăn giúp nhau là điều bình thường mà”.

Chị Nguyễn Thị Chính bên khoảng sân nhà mình nơi chị cho mọi người gửi lợn
Chị Nguyễn Thị Chính bên khoảng sân nhà mình nơi chị cho mọi người gửi lợn

Mở cửa đón mọi người

Đố diện nhà chị Chính là nhà anh Nguyễn Văn Luận. Trong những ngày ngập lụt nhà anh mở rộng cửa đón mọi người. Anh chia sẻ: “Ba, bốn gia đình chúng tôi ở với nhau. Người nấu cơm, người rửa bát, quét dọn nhà cửa…Bữa cơm dọn ra 3 mâm còn chật, nhà lúc nào cũng vui như có cỗ”.

Lối đi trong ngày lũ

Hai vợ chồng trẻ Bùi Văn Nguyên và Nguyễn Thị Thương mưu sinh bằng nghề bắt ốc. Khi trận lụt kéo đến nhà họ là một trong những nơi bị ngập sâu. Nước ngập đến đâu vợ chồng con cái chạy đối phó đến đó. Đi mua rau phải dùng ca nô ra tận nhà văn hóa Cấn Hạ để mua. Đường đằng trước ngập sâu nên vợ chồng tôi phải tháo chấn song cửa sổ để lấy lối sang nhà bà ở phía sau. Nhiều nhà ở đây cũng vậy, trèo tắt qua nhà nhau để đi vì phía đường dưới cổng các nhà nước ngập lút đầu.

Vợ chồng anh Nguyên phải tháo chấn song cửa sổ để làm lối đi
Vợ chồng anh Nguyên phải tháo chấn song cửa sổ để làm lối đi 

Rắn hổ mang ghé thăm

Đó là trường hợp nhà anh Ngọc. Nước trong nhà ngập đến đầu gối, vợ chồng anh phải kích giường lên cao để ngủ. Rắn theo vào nhà, may mà anh phát hiện kịp. Không riêng gì nhà anh Ngọc, nhiều nhà gần bụi tre cũng bị rắn “hỏi thăm” nhưng rất may đều không xảy ra trường hợp bị rắn cắn.

Gia đình thiệt hại nhất trong lũ

Vẻ mặt thất thần của anh Thường bên ao cá
Vẻ mặt thất thần của anh Thường bên ao cá 

Trưởng thôn Bùi Đào Hoàng cho biết, thiệt hại trong trận lũ lụt này thôn Cấn Hạ ước tính thiệt hại hơn một tỷ đồng, trong đó riêng nhà anh Thường thiệt hại khoảng 500 triệu đồng do đầm cá bị tràn. Đây là gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất.

Anh Thường buồn rầu chia sẻ: “Tôi thầu đầm này được 5 năm. Năm nào cũng mất nhưng năm nay mất to nhất. Bao nhiêu vốn liếng và vay thế chấp ngân hàng gần 2 tỷ để biến vùng đất hoang trước là lò gạch bỏ không thành ao thả cá kết hợp với mô hình câu giải trí. Tôi vừa thả 7 tấn cá toàn cá to hơn chục ký một con. Thả được hai hôm thì lũ lụt về. Trong vòng 4 giờ nước ngập cao 2 mét không thể đóng cọc chăng lưới để giữ cá được. Hai vợ chồng khóc không thành tiếng … Đến giờ vẫn chưa biết xoay xở ra sao trước thiệt hại này".

Đưa người mất lên đê phúng viếng

Xóm Vôi cuối tháng 7 trời mưa như trút, nước ngập sâu. Trong xóm có người mất. Bà con tập hợp mang xuồng đến giúp gia đình có người mất  lo hậu sự. Xuồng to nhất của xóm được huy động để đưa người mất lên bờ đê cao ráo cách nhà gần 1km để phúng viếng. Sau một ngày một đêm, bà con cũng với gia đình đã lo xong hậu sự và gửi đi hỏa táng hiện tro cốt  vẫn phải gửi đợi nước rút sẽ đưa về xây mộ.

Ở Bến Vôi hiện giờ nước đã rút, đường xá không còn bị chia cắt, học sinh đã bắt đầu tựu trường… song vẫn còn nhiều lắm nỗi lo và một ước nguyện thật chính đáng của người dân về con đường độc đạo 800m của xóm tỏa đi các nơi sẽ được các cấp chính quyền quan tâm, tu sửa, nâng cấp để mỗi mùa mưa lũ nước đến, Bến Vôi không thành ốc đảo bị chia cắt nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.