Những bí mật về người đàn bà hơn 40 năm vớt xác trên sông Hồng

Người đàn bà ấy năm nay ngoài 60 tuổi nhưng đã có tới hơn 40 năm làm nghề "vớt xác".

Những bí mật về người đàn bà hơn 40 năm vớt xác trên sông Hồng

Cả cuộc đời gắn bó với khúc sông Hồng chảy qua dốc Chèm, Thụy Phương (Từ Liêm, Hà Nội), phải chứng kiến biết bao cái chết bi thương nên bà không thể chỉ lặng yên mà nhìn. Chính vì không thể làm ngơ trước những thi thể xấu số nên cái nghiệp "vớt xác" nó mới gắn vào bà.

Cứu một mạng người thấy lòng thanh thản

Nhung bi mat ve nguoi dan ba hon 40 nam vot xac tren song Hong - Anh 1

Nụ cười thanh thản khi kể lại những trường hợp may mắn được bà cứu sống.

Tìm đến căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Bình vào một ngày mùa Đông, bà Bình mặc áo cộc, chân đi ủng tất bật trồng chuối. Thấy chúng tôi, bà Bình mau mắn hỏi: "Cô chú đến có việc gì thế? Có phải nhờ tìm xác người thân không?".

Khi giải thích lý do của cuộc viếng thăm, bà Bình cười to: "U xin lỗi nhé. Bệnh nghề nghiệp nó ăn sâu quá rồi. Vào trong nhà ngồi chờ u chút nhé".

Bà Bình thở dài: "Năm nào cũng thế, cứ vào mùa nước lên là lại xảy ra biết bao vụ chết đuối thương tâm lắm. Mặc dù làm cái nghề vớt xác này đã hơn 40 năm nhưng u vẫn chẳng thể quen được. Mỗi lần vớt một xác người là lòng lại đau thắt lại. Mình là người dưng đã đau thế thì không hiểu người thân của họ còn đau đến mức nào".

Sinh ra và lớn lên trên khúc sông Hồng chạy qua dốc Chèm thế nên chỗ nào nông, sâu, chỗ nào có xoáy nước bà Bình nắm như trong lòng bàn tay.

Cái nghiệp vớt xác cứu người gắn với người đàn bà chân chất này khi mới 17 tuổi. Năm đó thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ liên miên khiến nước dâng cao làm ngập úng nhiều nơi.

Khúc sông nơi gia đình bà sinh sống từ Dầy Kẻ (Đan Phượng) đến Xù Gạ (Tây Hồ) đều chìm trong biển nước. Lũ cuốn đi nhiều nóc nhà, cướp đi nhiều sinh mạng.

Chứng kiến cảnh thương tâm đó, cả gia đình bà đã lao vào dòng nước giành giật lại sự sống cho những con người đang chới với trước lưỡi hái tử thần. Và cái nghiệp vớt xác cứu người nó "bập" vào bà kể từ ngày đó.

Hơn 40 năm qua, bà Bình không thể nhớ nổi mình đã cứu bao nhiêu mạng người và vớt bao nhiêu thi thể của những người xấu số. Đến bây giờ, bà Bình vẫn còn lưu giữ cuốn sổ ghi chép danh tính những người may mắn đã được bà cứu vớt trên khúc sông tử thần. Cuốn sổ đã ngả màu vàng, nhiều chỗ hoen ố nhưng vẫn được bà Bình nâng niu.

"U giữ nó chả phải để ghi công mình đâu, mà để lấy đó làm động lực cứu giúp những người không may khác. Có những trường hợp u còn mất ngủ cả đêm khi cứ nằm tưởng tượng ra tâm trạng hạnh phúc của gia đình họ" - Bà Bình trải lòng.

Nhung bi mat ve nguoi dan ba hon 40 nam vot xac tren song Hong - Anh 2

Khu mộ vô danh của những người chết trôi trên sông Hồng.

Bà Bình kể, năm 1978, khi đang quăng lưới trên sông, nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh của một người phụ nữ. Nhìn từ xa bà thấy đôi tay người đó đang chới với, vùng vẫy trong dòng nước. Không một chút chần chừ, bà Bình lao phắt xuống sông rồi bơi ra nơi người phụ nữ đang sắp chìm nghỉm.

"Khi đưa được cô ấy lên bờ, cô ấy cứ chắp tay lạy sống u rồi bảo cảm ơn vì u đã cứu sống hai mẹ con cô ấy. Hỏi ra mới biết là người phụ nữ đó đang mang thai" - Bà Bình nhớ lại.

Hơn 7 năm trước, đang quăng lưới trên sông, bà Bình nghe được tiếng tri hô, tiếng khóc cầu cứu của một người mẹ đang đứng trên bờ. Lập tức bà lao xuống dòng nước, ngụp lặn vớt đứa bé bị đuối nước đưa được lên bờ.

Tuy nhiên, đứa trẻ toàn thân lạnh ngắt, cứng đơ. Nhiều người khi đó chứng kiến đều nghĩ không còn hy vọng. Nhưng dựa vào kinh nghiệm, bà Bình hô hấp, hút mồm, hút mũi rồi dùng chăn quấn vào người đứa bé để ủ ấm. Một lúc sau đứa bé đã tỉnh lại.

Đau đớn, bất lực khi không chống lại được Hà Bá

Nhung bi mat ve nguoi dan ba hon 40 nam vot xac tren song Hong - Anh 3

Bến Chèm - nơi bà Bình gắn bó cả đời mình.

Đã chuyển lên bờ sống hơn 20 năm nhưng nghiệp vớt xác thì vẫn đeo bám bà cho tới tận ngày hôm nay. Bản thân bà chưa bao giờ nghĩ đó là nghề để "kiếm cơm".

"Từng đó năm làm nghề này u chưa từng một lần đòi giá cả ai. Họ trả u thế nào thì u nhận thế. Có trường hợp gia đình người ta nghèo khổ lại bị mất con hay mất chồng, mất vợ thì u không đành lòng nhận tiền công của người ta. Tiền bạc thì có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, chứ biết thế nào là đủ" - Bà Bình tâm sự

Đã ngoài lục tuần, nhiều lúc bà Bình cũng muốn "rửa tay gác kiếm" nhưng cái nghiệp vẫn không sao dứt được. Hễ có người đến cậy nhờ là bà lại vứt hết công việc đang làm và "lên đường" ngay lập tức.

Khoảng một tháng trước, một người phụ nữ tìm đến nhà xin bà hãy tìm thi thể con gái đau khổ vì bị người yêu phản bội nên đã nhảy xuống sông tự tử.

"Nước sông khi đó lên cao lắm, chảy cuồn cuộn nên rất khó tìm. U bơi thuyền quăng lưới dọc một khúc sông dài mà không thấy. Thực sự lúc đó u cũng cảm thấy vô vọng lắm rồi. Thế mà khi người mẹ đó khóc ngất rồi cầu xin con sống khôn chết thiêng thì nổi lên để gia đình đưa thi thể về an táng, thì nó nổi lên thật" - Bà Bình kể lại.

Cả cuộc đời bà Bình là những chuyến đi dọc con sông Hồng. Đỉnh điểm có đến một tháng 5 lần bà đi dọc con sông với chiếc lưới cào móc. "Xoạch một cái có người đến sân gọi, u lấy đồ nghề và bắt tay vào công việc ngay không chần chừ" - Bà Bình tâm sự.

Không phải trường hợp đuối nước hoặc tự tử nào bà Bình cũng vớt được toàn thây người xấu số. Có những thi thể khi dùng móc quăng, mới chỉ động vào đã tan ra vì phân hủy. Trong những trường hợp như thế, bà Bình bảo "thôi thì vớt được bộ phận nào thì hay bộ phận đó".

Tay cầm chiếc lưới với những chiếc móc sắc cạnh, bà Bình khoe chiếc lưới này đã gắn bó với bà gần chục năm trời. Chiếc lưới ấy đã quăng xuống lòng sông Hồng này không biết bao lần. Và bà Bình cũng không nhớ nổi nó đã bao lần vớt được thi thể những người xấu số.

Nhung bi mat ve nguoi dan ba hon 40 nam vot xac tren song Hong - Anh 4

Bộ lưỡi câu này đã gắn bó với bà hơn chục năm trời.

Chỉ vào chiếc lưới, bà Bình nói: "Đây là dây câu vuông với rất nhiều lưỡi câu sắc nhọn thả hờ. Dụng cụ này sẽ được mắc vào hai bên thuyền giăng ngang quanh khu vực nghi ngờ có thi thể nạn nhân sau đó thả xuống nước và kéo đi kéo lại.

Nếu gặp thi thể, lưỡi câu này sẽ mắc vào quần áo hoặc da thịt của nạn nhân. Cứ thế dùng tay nhè nhẹ kéo thi thể vào gần thuyền rồi nhảy xuống buộc thi thể nạn nhân vào dây thừng rồi dần dần kéo vào bờ.

Hầu hết những người kiếm cơm bằng nghề sông nước đều rất kỵ chuyện vớt xác. Vì theo quan niệm của họ, đó chính là cướp mất "miếng ăn" của Hà Bá nên rất có thể họ sẽ phải chịu sự trừng phạt.

Nhưng bà Bình không nghĩ thế, trong thâm tâm của bà luôn tin rằng vớt thi thể người chết đuối chính là làm phúc, đã làm phúc thì chả Hà Bá nào nỡ… trừng phạt.

Theo CAND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ