Nhức nhối hàng giả, hàng nhái

GD&TĐ - Thời gian này, không chỉ mỹ phẩm giả, nhái các thương hiệu uy tín được bày bán tràn lan, rất nhiều hàng hoá của hàng loạt doanh nghiệp (DN) mỹ phẩm có uy tín sẵn sàng trà trộn bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc để kiếm lời bất chính. 

Nhức nhối hàng giả, hàng nhái

Không chỉ có mỹ phẩm, mà hiện trên thị trường hàng giả tràn lan ngày một tăng, từ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đến thời trang, giày dép cao cấp...

La liệt mỹ phẩm giả

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT), vấn nạn hàng mỹ phẩm giả, nhái đã lên tới mức báo động, cứ kiểm tra là có vi phạm.

Ngoài việc ngang nhiên bán mỹ phẩm giả của các tiểu thương, hiện nay kênh bán hàng online trở nên phổ biến với nhiều mặt hàng từ kem dưỡng da, kem tẩy trắng, kem chống nắng, phấn các loại, nước hoa hồng, son đến các loại kem ủ tóc, thuốc nhuộm tóc... của nhiều thương hiệu nổi tiếng đến từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Canada... được quảng cáo là “hàng xách tay” mà không có cơ quan chức năng kiểm duyệt. Chính điều đó cũng khiến cho thị trường mỹ phẩm giả càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Nói về tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, mặt hàng mỹ phẩm trên thị trường hiện nay vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng có nhãn mác lập lờ, không rõ ràng đang lưu thông, bày bán ở các chợ, cửa hàng mỹ phẩm rất nhiều.

Việc kiểm tra, xử lý, ngăn chặn những loại hàng này của các cơ quan chức năng nhìn chung có tác động nhất định, nhưng chưa thật sự ngăn chặn một cách có hiệu quả.

Các hoạt động vi phạm chỉ tạm lắng và giảm xuống trước mắt trong khoảng thời gian bị kiểm tra xử lý, sau đó đối tượng thay đổi địa điểm, phương thức buôn bán, tàng trữ hàng vi phạm để tiếp tục kinh doanh...

Theo số liệu thống kê năm 2017, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, QLTT đã thu giữ hàng chục vụ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điển hình như vụ 13.000 lọ mỹ phẩm Venus Spa không rõ nguồn gốc được bán trên trang mạng xã hội đã bị thu giữ. Hay, cơ quan liên ngành Hà Nội đã phát hiện 4 tấn hoá mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ chuẩn bị được đưa vào các spa trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận...

Sự kiện gây chấn động gần đây nhất đó là cơ quan chức năng đã bắt giữ 1 lô hàng mỹ phẩm với 14.000 sản phẩm, trị giá 11 tỷ đồng, không rõ nguồn gốc, do một công ty thành viên của Tập đoàn TS Group sản xuất.

Điều đáng nói, đây là tập đoàn sở hữu kênh phân phối online chuyên nghiệp và lớn nhất tại Việt Nam. Công ty này hiện đang sở hữu độc quyền 12 thương hiệu với hơn 50 nhãn hàng uy tín, được người tiêu dùng (NTD) và đặc biệt giới “sao” Việt yêu thích và tin dùng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Cũng giống như thương hiệu nổi tiếng Khaisilk, thì Công ty mỹ phẩm TS Group bấy lâu cũng được NTD tin tưởng về chất lượng không chỉ vì nền tảng thương hiệu lâu đời, về những triết lý, châm ngôn ấn tượng, sự trung thực vì NTD… mà những chủ DN này xây dựng trên các mạng xã hội. Mà niềm tin đó còn được đánh bóng bởi hàng loạt gương mặt tên tuổi, đình đám khác trong giới giải trí đứng ra “bảo lãnh” thương hiệu.

Khi những sự dối trá, thậm chí vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng được đưa ra ánh sáng, NTD đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu, khi chúng ta có hệ thống pháp luật, hệ thống quản lý, kiểm soát về kinh doanh chặt chẽ, từ cảnh sát kinh tế, QLTT, hệ thống cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, thậm chí là cả Hội Bảo vệ NTD... Ấy vậy mà không hiểu sao vẫn để “lọt lưới” những vụ buôn bán bất hợp pháp lớn đến như vậy.

Nếu như vụ khăn lụa Khaisilk chỉ có thể ảnh hưởng đến niềm tin của NTD, thì vụ Công ty mỹ phẩm TS Group còn khiến NTD hoang mang, lo lắng hơn đến sự an toàn cho sức khỏe bản thân và nhiều người khác khi đã dùng các sản phẩm của họ. Bởi đây là hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được hấp thụ vào bên trong cơ thể con người, nếu có yếu tố độc hại thì hậu quả sẽ nguy hại khôn lường...

Các chuyên gia cho rằng, lợi dụng “kẽ hở” là cá nhân tự công bố sản phẩm, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm do cơ sở của mình sản xuất, dẫn đến những cá nhân, cơ sở không làm ăn chân chính đã ồ ạt ra đời. Đặc biệt, việc bùng nổ bán hàng online cần phải sớm có chế tài quản lý... Vì vậy, cần rà soát, xem xét hệ thống nói trên, và phải điều chỉnh ngay những kẽ hở pháp lý, xử lý cán bộ chức năng dung túng, bao che cho DN sai phạm (nếu có), từ kỷ luật, cho ra khỏi ngành hoặc truy tố trước pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.