Nhu cầu lao động tăng cao vào cuối năm

GD&TĐ - Theo ông Vũ Quang Thành, PGĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lao động và tỷ lệ tham gia thị trường lao động Hà Nội sẽ có xu hướng tăng tỉ lệ thuận theo tình hình khôi phục của nền kinh tế.

Theo chuyên gia, thị trường lao động Hà Nội sẽ tăng mạnh vào cuối năm tùy theo khả năng phục hồi sản xuất.
Theo chuyên gia, thị trường lao động Hà Nội sẽ tăng mạnh vào cuối năm tùy theo khả năng phục hồi sản xuất.

Nhu cầu thị trường lao động tăng dịp cuối năm

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong quý III/2021, số người tham gia lao động của cả nước là 43,2 triệu người. Con số này giảm 1,9 triệu người so với quý II, giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến không ít địa phương, ngành, nghề thiếu hụt lao động sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.

Hơn nữa, tại một số địa phương lớn là thị trường việc làm trọng điểm, hàng triệu người lao động trở về quê. Điều này khiến nguồn cung lao động khan hiếm, thậm chí đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết: “Trong thời gian giãn cách xã hội, trung tâm đã tạm dừng hoạt động tổ chức phiên giao dịch việc làm chuyển sang hình thức cung cấp thông tin thị trường lao động. Trung tâm chủ động xây dựng các phương án hỗ trợ đăng ký tuyển dụng cho các doanh nghiệp và đăng ký tìm việc làm cho người lao động.

Theo ông Vũ Quang Thành, tối thiểu đã có 5 nhóm lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 gồm Thương mại hàng hóa (xuất nhập khẩu, thương mại nội địa…); Thương mại dịch vụ; Du lịch, khách sạn; Nông nghiệp và Bất động sản. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ chịu tác động mạnh do nhu cầu giảm. Ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất là ngành du lịch gồm dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và lữ hành…

“Tuy nhiên, Hà Nội đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tình hình kiểm soát dịch bệnh và kế hoạch nới lỏng giãn cách trên địa bàn thành phố. Đây là tín hiệu khả quan cho thị trường lao động Hà Nội. Dự báo sẽ có tốc độ hồi phục nhanh trong thời gian từ nay đến cuối năm. Đặc biệt là để chuẩn bị dịp lễ Noel và Tết Nguyên đán, nhu cầu hàng hóa sẽ trở nên ngày càng cấp bách khiến cho áp lực khôi phục sản xuất kinh doanh tăng cao. Nhu cầu tuyển dụng lao động và tỷ lệ tham gia thị trường lao động do đó sẽ có xu hướng tăng tỉ lệ thuận theo tình hình khôi phục của nền kinh tế. Người lao động có thể đi làm trở lại và tham gia vào chuỗi sản xuất thay vì bị ngừng việc hoặc phải làm việc tại nhà, làm việc từ xa” - ông Thành nói.

Nhiều ngành nghề “hút” lao động

Theo kết quả thu thập thông tin việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng sẽ có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm. Đặc biệt là ngành công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, công nghệ thông tin... Trong đó, các vị trí sẽ được chú trọng nhất là nhân viên văn phòng, nhóm các lao động đã qua đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Ngành dịch vụ dự kiến sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng cao. Đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và bán lẻ điện tử, điện lạnh, viễn thông.

Nhu cầu nhân lực trong ngành công nghệ thông tin dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Các vị trị tuyển dụng tập trung nhiều ở một số nhóm nghề như kỹ sư, lập trình viên, tester, BA... Mức lương doanh nghiệp sẵn sàng trả cho người lao động trong lĩnh vực này chủ yếu từ 7 -10 triệu đồng/tháng và từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, ở các mức lương này đòi hỏi người lao động đã qua đào tạo, có kinh nghiệm và kỹ năng làm việc thành thạo.

Hiện, nhân lực của ngành công nghệ thông tin luôn ở mức thiếu trong xã hội cả về số lượng và nguồn nhân lực chất lượng cao. “Không chỉ các doanh nghiệp về công nghệ mới cần đội ngũ chuyên viên về công nghệ thông tin. Ở mọi doanh nghiệp, muốn cạnh tranh được trên thị trường hiện nay cũng cần bổ sung đáng kể về nhân lực ngành này” – ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành, nhóm ngành tự động hóa, điện – điện tử, cơ điện tử là 3 ngành tâm điểm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nó có vai trò quan trọng gắn liền với robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Nguồn nhân lực của những ngành nghề này cần rất nhiều. Đặc biệt là những ngành chế tạo, ngành công nghệ cao. Ba ngành học này trong tương lai là những ngành học “hot” và được săn đón bởi nhiều bạn trẻ.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, trong 9 tháng năm 2021, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 116 nghìn lao động, đạt 72,5% kế hoạch giao trong năm. Trong đó, thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền 1,5 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 32,9 nghìn lao động.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, tỷ lệ giải quyết việc làm 9 tháng năm nay đạt thấp do công tác giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Trong tháng 8 và tháng 9 chỉ có hơn 4 nghìn người được tạo việc làm, chủ yếu là qua hình thức vay vốn và tư vấn, kết nối trực tuyến.

Cũng trong 9 tháng năm nay, thành phố đã tiếp nhận, xét duyệt và ra quyết định hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 55 nghìn người với số tiền 1,3 nghìn tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ học nghề cho hơn 1,2 nghìn người với số tiền 3,8 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Tiếp tục thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về thị trường lao động, làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho phù hợp với tình hình mới.

Còn về công tác đào tạo nghề tập trung, Bộ LĐ-TB&XH ưu tiên những người bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đào tạo lại. Đây là giải pháp nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động tại các doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận, nắm bắt cơ hội việc làm bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.