Nhiều trường đại học ở TP HCM “tuyên chiến” với rác thải nhựa

Nhiều trường đại học tại TP HCM đã triển khai hàng loạt chương trình nhằm thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của sinh viên và cán bộ, giảng viên.

Nhiều trường đại học ở TP HCM “tuyên chiến” với rác thải nhựa

Đến thời điểm hiện tại, Đại học Mở TP HCM là trường đầu tiên tại TP HCM gửi đi thông báo yêu cầu cán bộ, giảng viên, công nhân viên ngưng sử dụng nước uống đóng chai nhựa và ống hút nhựa.

nhieu truong dai hoc o tp hcm "tuyen chien" voi rac thai nhua hinh 1
Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo quy định, từ ngày 5/5 tới, Trường Đại học Mở TP HCM sẽ không sử dụng nước uống đóng chai nhựa, ống hút nhựa, các vật dụng như ly, dĩa, muỗng sử dụng một lần bằng nhựa trong tất cả các cuộc họp.

Tiếp đó, từ ngày 15/5, tất cả phòng học sẽ ngưng phục vụ nước uống đóng chai nhựa cho giảng viên. Giảng viên chuyển sang dùng bình nước cá nhân hoặc bình do trường cấp để lấy nước uống tại phòng giáo viên hoặc phòng trực giảng đường. Nhà trường đã lên kế hoạch tặng bình nước cho tất cả cán bộ, viên chức, giảng viên như một động lực thay đổi thói quen.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hữu Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM, nếu giảng viên, cán bộ làm gương tốt thì chắc chắn sinh viên sẽ thực hiện phong trào này hiệu quả.

 “Chai nhựa quá thuận tiện nhưng tác hại quá lớn. Mình cần bỏ tâm lý thuận thiện đó. Chúng ta chấp nhận là đôi khi cực hơn một chút vì đi đâu mình cũng mang theo chai nước của mình nhưng dần dần sẽ trở thành một thói quen trong cộng đồng và nó tác động đến nhiều bên chứ không riêng gì người sử dụng. Ngay cả những nhà cung cấp họ cũng sẵn lòng cung cấp những hình thức không thuộc vật liệu đó”, PGS.TS Hữu Đức cho hay.

Trường Đại học Mở TP HCM cũng có nhiều hoạt động khuyến khích sinh viên giảm thiểu rác thải nhựa. Nhà trường đã lắp thêm nhiều hệ thống lấy nước có kèm ly để phục vụ người học. Mới đầu hơi bất tiện, nhưng sau vài ngày thay đổi, Nguyễn Văn Nghĩa, sinh viên nhà trường đã thoải mái hơn. Nam sinh viên này cho biết sẽ lan tỏa chương trình đến người thân, bạn bè để mọi người giảm gánh nặng cho môi trường vốn đang quá tải chất thải nhựa như hiện nay.

“Ban đầu em cũng thấy chương trình hơi lạ vì đồ nhựa đã quá quen thuộc với mọi người rồi giờ đột nhiên hạn chế lại. Thế nhưng sau một thời gian em thấy chương trình khá phù hợp. Nếu như chúng ta dần chuyển qua sử dụng các sản phẩm dùng được nhiều lần sẽ vừa tiện lợi cho bản thân vừa giúp trường ít rác. Theo em đó là việc tốt cần làm”, sinh viên Nghĩa nói.

Việc yêu cầu cán bộ thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa tiện lợi cũng vừa được Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM triển khai.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm này cho biết các cán bộ, nhân viên đã nhận được “lệnh cấm” với ly, chai và ống hút nhựa sử dụng một lần. Bên cạnh đó, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm còn tổ chức nhiều cuộc thi “Sống xanh” để giúp sinh viên, học sinh nắm rõ tác hại của chất thải rắn nhằm tự giác thay đổi tư duy.

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn thời gian tới sẽ có thêm nhiều hoạt động khác ấn tượng hơn nhằm kêu gọi sinh viên tham gia: “Nhà trường luôn tăng cường công tác tuyên truyền để các em sinh viên, học sinh cũng như cán bộ, giảng viên nhận diện được tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. Dần dần, chúng tôi sẽ hướng tới việc sẽ không sử dụng những vật dụng như chai, ly, ống hút nhựa trong khuôn viên trường”.

Trong khi đó, 380 sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM vừa tiến hành công bố các đề tài của môn học Thiết kế dự án với chủ đề “Môi trường”.

Hơn 40 đề tài của các bạn sinh viên đã góp thêm tiếng nói cho chiến dịch giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường sống, đặc biệt là rác thải nhựa.

“Thay thói quen sử dụng ống hút nhựa bằng ống hút cỏ, ống hút gạo hoặc ống hút inox”; “Tuyên truyền tác hại, giới thiệu, cung cấp thay thế túi nilong bằng túi vải hoặc túi bột ngô cho các bà nội trợ tại chợ Thị Nghè” là 2 trong số rất nhiều đề tài hiến kế bảo vệ môi trường của các bạn sinh viên.

Từ những tiết học thực tế như vậy, nhiều sinh viên đã chủ động thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa như tự đem bình nước uống hay hộp cơm ăn khi đến trường. Vào tháng 6 tới, trung tâm kết nối cộng đồng của nhà trường sẽ triển khai dự án mang tên “Nâng cao nhận thức của giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM về rác thải không phân hủy”.

Tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Chánh văn phòng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM nói: “Mục đích cuối cùng của các hoạt động này vẫn là cho mọi người thấy được sự ảnh hưởng cũng như tác hại của rác thải nhựa để hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm này. Việc này giúp tiết kiệm được tiền ngân sách trong tái chế, xử lý rác thải, đồng thời giúp sức khỏe của con người ngày càng tốt hơn và góp phần hạn chế những ảnh hưởng tới môi trường sống”.

Bằng những hành động cụ thể và quyết liệt, nhiều trường đại học tại TP HCM đang nỗ lực thay đổi thói quen của đông đảo sinh viên, cán bộ, giảng viên nhằm chung tay cải thiện môi trường. Nếu sớm được lan tỏa, các phong trào thiết thực này sẽ tạo nên sự tác động tích cực giúp cộng đồng hình thành lối “sống xanh”, điều rất cần trong thời hiện đại.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ