Nhiều lựa chọn học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS

GD&TĐ - Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của hơn 100 trường THPT công lập. Năm nay, Hà Nội có hơn 76.000 thí sinh thi vào lớp 10, trong đó các trường công lập tuyển gần 51.000 chỉ tiêu học sinh. 

Nhiều lựa chọn học nghề  cho học sinh tốt nghiệp THCS

Với 25.000 thí sinh còn lại, mặc dù không thể tiếp tục học lên vào các trường THPT công lập, nhưng các em cũng vẫn sẽ còn những lựa chọn khả thi cho tương lai của mình.

6.200 chỉ tiêu vào lớp 10

Hiện nay, hầu hết các phụ huynh học sinh vẫn cho rằng phải học xong hết bậc THPT thì mới nghĩ đến chuyện chọn nghề. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sau khi tốt nghiệp bậc THCS, các em học sinh đã hoàn toàn có thể lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Với những thay đổi căn bản và toàn diện trong những năm trở lại đây, các chính sách giáo dục - đào tạo đã từng bước tạo điều kiện, ngày càng thuận lợi hơn cho các em học sinh tốt nghiệp THCS hướng nghiệp theo đúng nguyện vọng và năng lực của bản thân.

Đối với học sinh tốt nghiệp THCS, đây chính là thời điểm quan trọng để các em học sinh lựa chọn hướng đi trong tương lai của mình. Việc lựa chọn vào lớp 10 THPT công lập không phải là hướng đi duy nhất. Các em học sinh lớp 9 nếu không đạt nguyện vọng vào trường THPT đều có thể tiếp tục chọn học giáo dục thường xuyên hoặc đi học trung cấp nghề.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có 29 trung tâm giáo dục thường xuyên kết hợp với dạy nghề. Nhiều trung tâm trong số này đang được học sinh lựa chọn, đặc biệt là các huyện ngoại thành do mô hình hoạt động dạy và học ở đây phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của học sinh và phụ huynh cũng như nhu cầu thị trường lao động. Học sinh cũng học 3 năm nhưng chỉ học 7 môn văn hóa thay vì 11 môn như ở trường THPT, đồng thời các trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ kết hợp việc dạy nghề cho học sinh với các trường trung cấp chuyên nghiệp, kết thúc 3 năm học, học sinh thi tốt nghiệp để lấy bằng tốt nghiệp THPT như theo học chương trình phổ thông bình thường và có thêm bằng kép học nghề.

Năm 2017, tổng chi tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của 29 trung tâm giáo dục thường xuyên là 6.200 chỉ tiêu. Toàn bộ học sinh đã tốt nghiệp THCS, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại Hà Nội đều có thể đăng ký dự tuyển.

Học trung cấp nghề

Vào học trung cấp nghề cũng là một xu hướng được khá nhiều học sinh lựa chọn và được Nhà nước khuyến khích. Ngay khi Bộ GD&ĐT cho phép học sinh lớp 9 được rẽ nhánh đi học trung cấp nghề, điều này đã tạo nhiều cơ hội hơn cho các em.

Những năm gần đây, phương thức chuyển tiếp từ bậc THCS lên trung cấp nghề đang trở nên thịnh hành và được nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn. Ưu điểm của hình thức đào tạo này là rút ngắn được thời gian đào tạo, tiết kiệm được chi phí, khi tốt nghiệp các em học sinh sẽ có hai văn bằng tốt nghiệp là bằng THPT và bằng nghề.

Mặc dù lợi ích của việc chuyển hướng học nghề đối với các em học sinh lớp 9 là khá rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế để thuyết phục phụ huynh ở các thành phố lớn như Hà Nội hướng cho con em mình theo hệ học nghề thay vì phải học hết THPT vẫn là điều không hề đơn giản.

Thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho rằng, bản thân các trường nghề cần thay đổi tích cực hơn nữa về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là vấn đề tạo việc làm cho các em sau khi ra trường. Đây mới là yếu tố quyết định để thu hút được học sinh.

Tại các nước phát triển trên thế giới, các em học sinh được định hướng nghề nghiệp từ rất sớm và được lồng ghép vào các bài học, thực hành các nghề nghiệp mình thích. Bước vào bậc THPT, học sinh hoàn toàn có thể theo học nghề song song với học văn hóa hoặc thậm chí chỉ cần học nghề. Việc chọn nghề sớm đem lại cho các em rất nhiều lợi ích như: Rút ngắn thời gian học tập, tiết kiệm chi phí, có định hướng học tập, rèn luyện, phấn đấu để sớm có nghề nghiệp ổn định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ