Nhiều chính sách an sinh hỗ trợ hiệu quả cho người lao động

Nhiều chính sách an sinh hỗ trợ hiệu quả cho người lao động

Điểm tựa cho người lao động

Theo Cục Việc làm, tổng hợp báo cáo của các địa phương về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong nửa đầu tháng 5/2020, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) là 88.170 người, tăng 201% so với tháng 4/2020. Số quyết định hưởng TCTN: 45.994 người, tăng 60,3% so với tháng 4/2020. Tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm: 105.093 và số người được hỗ trợ học nghề là 941 người, tăng 321% so với tháng 4/2020,…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra, nhiều người lao động mất việc làm, rơi vào tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống thì BHTN đã thực sự phát huy vai trò, tính ưu việt của mình: Chỉ riêng tháng 3/2020 là tháng cao điểm do ảnh hưởng của đại dịch, cả nước đã có 59.276 người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng chi 3 tháng đầu năm từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho các chế độ BHTN là 2.744 tỷ đồng, trong đó riêng chi cho trợ cấp thất nghiệp là 2.590 tỷ đồng, mức hưởng TCTN bình quân là 3,7 triệu đồng/người/tháng.

Quá trình thực hiện chính sách đã cho thấy BHTN đã thực sự giúp người lao động đảm bảo, duy trì cuộc sống. Người sử dụng lao động tránh được áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động và giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

Hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách

Bên cạnh việc thực hiện các chính sách BHTN, Cục Việc làm đã đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống văn bản, tổ chức tuyên truyền trên báo chí, truyền hình các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, và Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tích cực hỗ trợ người lao động, ước 5 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho khoảng 420.000 lao động. Thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp; hướng dẫn người lao động thực hiện nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và thông báo về việc tìm kiếm việc làm qua đường bưu điện.

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết: Cục đã trực tiếp tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng, trong đó có Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN.

Hiện nay, Cục Việc làm đang tập trung hoàn thiện các văn bản như: Xây dựng hồ sơ đề xuất, sửa đổi Luật việc làm; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN; Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và BHTN;…

“Khối lượng công việc trong năm 2020 rất lớn, vì vậy cần tiếp tục phát huy tinh thần “đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”, tạo sự nhất trí, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới.” - Cục trưởng Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ngành đã đặc biệt khẩn trương xây dựng và vận hành ứng dụng điện thoại (App) về việc làm quốc gia để hình thành sàn giao dịch điện tử về việc làm, kết nối cung cầu lao động qua môi trường mạng cũng như thực hiện chính sách BHTN, khai trình sử dụng lao động, thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động. 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ