Nhiều bệnh viện triển khai các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa y tế

Ông Nguyễn Thanh Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế phát biểu.
Ông Nguyễn Thanh Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế phát biểu.

Nan giải chất thải nhựa

Ông Nguyễn Thanh Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) mới đây tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về y tế năm 2019 của Bộ Y tế đã cho biết, báo cáo năm 2017 của Sở Y tế và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế (chưa tính đơn vị thuộc hệ dự phòng và các Bộ ngành khác), khối lượng chất thải y tế nguy hại là 21.374 tấn năm, lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý là 21.185 tấn/năm (chiếm 99,1%). Tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh 116.058 tấn/năm, lượng chất thải sinh hoạt được xử lý là 114.219 tấn/năm (chiếm 98,4%).

Theo báo cáo nhanh của 1 số bệnh viện, lượng chất thải nhựa chiếm khoảng 5% tổng lượng chất thải phát sinh. Do đặc thù trong ngành y tế, việc lưu trú, sinh hoạt của nhân viên y tế, bệnh nhân và người bệnh nhân tại cơ sở y tế làm phát sinh lượng chất thải nhựa dùng một lần trong sinh hoạt khá lớn.

Việc thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc phát sinh chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng là một quá trình, tuy nhiên cũng mới chỉ bước đầu được thực hiện tại bệnh viện, cơ sở y tế cũng như tại cộng đồng.

Về sản phẩm thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa cũng là một khó khăn không nhỏ trong giai đoạn hiện nay. Việc tiếp cận những sản phẩm thân thiện môi trường về chủng loại, mặt hàng, số lượng, giá thành, khả năng cung ứng tại các địa phương cũng rất khác nhau, và hầu hết là chưa đảm bảo cho việc sớm thay thế, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Triển khai giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa y tế tại một số đơn vị, địa phương

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động và Chỉ thị số 08/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa y tế, tại một số địa phương, Sở Y tế và các cơ sở y tế cũng đã sớm tổ chức các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ sở, nhiều đơn vị đã có các hoạt động hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" của cơ sở y tế trên cả nước.

Ngành Y tế sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay chai nhựa dùng một lần tại các cuộc họp.
Ngành Y tế sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay chai nhựa dùng một lần tại các cuộc họp.

Trong đó, nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái được thực hiện.

Một số bệnh viện như Bệnh viện Trung ương Huế đã ban hành và tổ chức thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị như thực hiện nghiêm túc các chính sách giảm thiểu chất thải quy định tại các văn bản liên quan đến quản lý chất thải, quản lý chất thải y tế; giảm thiểu phát sinh chất thải bằng các biện pháp: giảm phát sinh từ đầu nguồn như ưu tiên chọn sản phẩm ít phát sinh chất thải, hạn chế các hoạt động phát thải không cần thiết, đồng thời đưa ra các khẩu hiệu hành động: “Hạn chế phát sinh – phân loại đúng – thu gom đủ - tái sử dụng hợp lý – xử lý an toàn” và tuân thủ nguyên tắc (3R = Reduce – Reuse – Recycle: Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế).

Chia sẻ với báo GD&TĐ, TS. Bác sĩ Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, hiện tại việc tổ chức thu gom, phân loại rác do Công ty Urenco thực hiện. Tuy nhiên, hàng ngày các cán bộ, y bác sĩ bệnh viện vẫn phải chủ động phân loại rác thải bệnh viện, rác thải sắc nhọn theo quy định của Bộ Y tế…

“Bệnh viện đang có chủ trương tiến tới bỏ túi ni lông nhựa đựng rác, sử dụng các túi đựng rác bằng túi thân thiện môi trường. Bệnh viện vừa đề xuất 1 dự án đến năm 2025 bệnh viện mua túi rác có thể phân hủy được thay túi ni lông.

Hiện tại, bệnh viện không dùng cốc nhựa trong các buổi họp, hội nghị… mà thay thế bằng cốc thủy tinh…” - BS. Võ Tường Kha chia sẻ. 

Trong khi đó, tại Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai chuỗi phong trào “Chống rác thải nhựa” cho nhân viên y tế, bệnh nhân và thân nhân người bệnh tại Bệnh viện. Chuỗi phong trào bắt đầu với “Ngày hội chống rác thải nhựa và phát động tuần triển lãm cuộc chiến chống rác thải nhựa trên toàn thế giới và tại Việt Nam”.

Tiếp đến là chương trình tập huấn về các phương pháp giảm thiểu rác thải nhựa cho nhân viên y tế để ứng dụng trong Bệnh viện và trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, bệnh viện còn truyền thông hướng dẫn “Chống rác thải nhựa” thông qua các kênh truyền thông của Bệnh viện cho người bệnh và người nhà của bệnh nhân, thông qua các bảng truyền thông, tờ rơi, bảng quy định, sinh hoạt với người bệnh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vận dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

Đồng thời, để phát động thực hiện Chỉ thị sâu rộng trong toàn ngành Y tế, ngày 16/8/2019 vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế” tại đầu cầu Trung ương và 63 đầu cầu tại Hội trường giao ban trực tuyến của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, tổ chức ký cam kết giữa Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Sở Y tế với các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa y tế.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ