Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thua lỗ khoảng 40 tỷ đồng mảng kinh doanh SGK mỗi năm

GD&TĐ - Thông tin về mảng kinh doanh SGK, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: mỗi năm đơn vị này phải bù lỗ cho hoạt động xuất bản, phát hành SGK trên dưới 40 tỷ đồng.

Kinh doanh SGK, mỗi năm NXBGDVN thua lỗ trên dưới 40 tỷ đồng
Kinh doanh SGK, mỗi năm NXBGDVN thua lỗ trên dưới 40 tỷ đồng

Chiều ngày 21/9, NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đã thông tin với báo chí về một số vấn đề liên quan đến biên soạn, xuất bản, kinh doanh, phát hành SGK mà dư luận đang quan tâm.

Kinh doanh SGK lỗ lũy kế nhiều năm

Lý giải điều này, ông Hoàng Lê Bách – Tổng Giám đốc NXBGDVN – phân tích: Do chi phí đầu vào của SGK tăng cao, trong khi giá bán không thay đổi nên dù NXBGDVN đã tìm và thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhưng doanh thu phát hành SGK vẫn không thể đủ bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản phát hành SGK luôn bị lỗ.

Điều này đã được các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra của Tổng cục Thuế… kiểm tra, xác nhận và kiến nghị NXBGDVN có giải pháp khắc phục, hạn chế việc bù đắp lỗ cho hoạt động xuất bản phát hành SGK.

Cụ thể: Tại “Báo cáo Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại NXBGDVN” ngày 26/01/2018 của Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận: Doanh thu SGK năm 2015 là 656,6 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh mảng SGK lỗ 43,8 tỷ đồng.

Doanh thu SGK năm 2016 là 735,2 tỷ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK: lỗ 43,3 tỷ đồng.

Tại báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán độc lập kiểm toán số liệu: doanh thu SGK: 703,9 tỷ đồng, lỗ 38,14 tỷ đồng.

Không có chuyện thay đổi nội dung SGK hàng năm

Sách giáo khoa Tiếng Việt 2 tập Hai - Vở bài tập Tiếng Việt 2 tập Một
Sách giáo khoa Tiếng Việt 2 tập Hai - Vở bài tập Tiếng Việt 2 tập Một

NXB Giáo dục Việt Nam cũng đã cung cấp thông tin về nhiều vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến SGK. Có ý kiến cho rằng SGK thay đổi liên tục hàng năm. Ông Hoàng Lê Bách khẳng định: Từ lần xuất bản đầu tiên (năm 2002) đến nay, SGK hoàn toàn không có sự thay đổi nội dung sau 16 năm.

Trừ một số cuốn có những nội dung có sự thay đổi về mặt địa lý, khoa học có sự chỉnh sửa trong SGK. Tuy nhiên NXBGDVN khi chỉnh sửa phải thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia và sự cho phép của Bộ GD&ĐT mới được tiếp tục xuất bản.

Quy trình biên soạn, biên tập, thẩm định, phê duyệt xuất bản, in và phát hành SGK như sau: (1) Biên soạn: Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn SGK 

(2) Biên tập: NXBGDVN tổ chức biên tập qua nhiều vòng (Biên tập, minh họa, thiết kế, chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo) 

(3) Dạy thí điểm: Hoàn thiện bản thảo mẫu, thông qua Hội đồng quốc gia thẩm định, lãnh đạo Bộ phê duyệt -> In sách giáo khoa thí điểm -> Tổ chức dạy thí điểm ở một số trường/vùng/miền (trong 2 năm) -> Tổ chức lấy góp ý của các trường dạy thí điểm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hoàn thiện sách giáo khoa thí điểm sau dạy thí điểm.

(4) Thẩm định: Hội đồng quốc gia thẩm định SGK (2 đến 3 vòng)  -> Các tác giả phối hợp với biên tập viên, hoạ sĩ chỉnh sửa, hoàn thiện sau thẩm định -> In thử SGK để tập huấn giáo viên và gửi đọc góp ý của các Sở GD&ĐT, các Viện nghiên cứu, nhà khoa học... -> Hoàn thiện trình Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thông qua và trình Bộ trưởng phê duyệt.

(5) Phê duyệt: Lãnh đạo Bộ phê duyệt, kí ban hành chính thức SGK

(6) In – Phát hành: Giao NXBGDVN thực hiện in, phát hành.

Theo quy trình này, sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua và Bộ trưởng kí ban hành, SGK không được chỉnh sửa nội dung nếu không được Bộ GĐ&ĐT phê duyệt. Bất kì chỉnh sửa nội dung nào đều phải thông qua Hội đồng quốc gia thẩm định SGK xem xét và Bộ trưởng phê duyệt. Vì vậy, nội dung sách được giữ ổn định từ khi biên soạn bộ sách (2002-2008) đến nay.

SGK được soạn thảo theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh
 SGK được soạn thảo theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh

Trong trường hợp có những thay đổi lớn về quản lí Nhà nước hoặc những phát hiện mới trong khoa học có ảnh hưởng sâu rộng cần phải điều chỉnh liên quan đến kiến thức trong SGK một số môn học, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo chỉnh sửa, cập nhật nội dung.

Ví dụ: tháng 8 năm 2008, Chính phủ đã điều chỉnh mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội bao gồm cả tỉnh Hà Tây nên phải viết lại bài Thủ đô Hà Nội trong sách Địa lý;

Hay năm 2006, các nhà khoa học trên thế giới xác định Diêm Vương tinh không được xem là một hành tinh, nên SGK Vật lí phải điều chỉnh kiến thức này. Tất cả các điều chỉnh trong SGK đều được Hội đồng quốc gia thẩm định xem xét và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt.

Nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được viết vào SGK

Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau theo xu thế chung của SGK ở các nước phát triển.

Do đó ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)…

Ông Hoàng Lê Bách cho biết: Để tránh việc học sinh điền trực tiếp vào SGK, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo trong các văn bản hướng dẫn giảng dạy. Tại văn bản số 7590/GDTH, ngày 27/8/2004 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn giảng dạy các môn học ở lớp 3 cho các vùng, miền.

Hướng dẫn này đã ghi rõ: “GV căn cứ văn bản phân phối chương trình môn Tiếng Việt để thực hiện các bài dạy trong SGK Tiếng Việt 3, hướng dẫn HS sử dụng SGK một cách có hiệu quả (tận dụng cả kênh chữ và kênh hình) nhằm đạt được những yêu cầu cơ bản về kiến thức và kĩ năng của môn học. Cần nhắc nhở HS có ý thức giữ gìn (không được viết, vẽ...) để sử dụng SGK được lâu bền.”

Ông Lê Hoàng Hải nêu nhiều dẫn chứng về những phương án nội dung bài tập được trình bày trong SGK hiện hành phù hợp với lịch sử biên soạn SGK của Giáo dục Việt Nam và xu thế SGK của các nước trong khu vực và trên thế giới
 Ông Lê Hoàng Hải nêu nhiều dẫn chứng về những phương án nội dung bài tập được trình bày trong SGK hiện hành phù hợp với lịch sử biên soạn SGK của Giáo dục Việt Nam và xu thế SGK của các nước trong khu vực và trên thế giới 

Ông Bách cũng lưu ý phần này: Cần phân biệt rõ SGK và sách tham khảo. SGK là do Bộ GD&ĐT ban hành sử dụng thống nhất trong toàn quốc, thông thường bao gồm sách học sinh và sách giáo viên.

Sách tham khảo là mảng sách giúp học sinh thực hành, luyện tập thêm về kiến thức, kĩ năng. Sách tham khảo được học sinh chọn mua theo nhu cầu luyện tập và mở rộng kiến thức trên tinh thần tự nguyện. Đây là mảng sách ngoài NXBGDVN thì còn được nhiều NXB khác xuất bản.

Nội dung SGK được trình bày đa dạng, phong phú để tạo hứng thú học tập cho học sinh

Minh họa thêm về những phương án để học sinh hứng thú học tập, giải bài tập, ông Lê Hoàng Hải - Phó Tổng Giám đốc – cho biết đây là xu thế chung SGK của các nước trên thế giới và trong khu vực.

Những phương án điền trống, điền khuyết, nối, vẽ, khoanh, nối… trong SGK hiện hành đều là những phương án phổ biến trong SGK của các nước trên thế giới chứ không riêng ở Việt Nam mới có.

Cụ thể, ông Hải nêu dẫn chứng: Sách Toán lớp 1 Hàn Quốc, mọi yếu tố về điền, nối, viết, vẽ, khoanh hoàn toàn giống như SGK lớp 1 của Việt Nam, đều có chung những hoạt động giống nhau này.

Đó là sách Toán, còn SGK dạy tiếng Hàn cho học sinh lớp 1, 2 cấp Tiểu học của Hàn Quốc, ngoài những hoạt động như vẽ, viết, tô còn có cả những phần cho học sinh bóc, dán hay thậm chí có những phần gợi ý cho học sinh những kỹ năng gấp hộp ngay trên SGK.

SGK Toán 1 của Singapo cũng có các hoạt động: điền, viết, nối, khoanh… như các hoạt động có trong SGK Việt Nam. Tương tự, SGK của Úc cũng có nhiều hoạt động giáo dục học sinh trong giờ học trên lớp.

Theo ông Lê Hoàng Hải: “Những minh họa trên đây cho thấy, những phương án được các nhóm tác giả soạn thảo nội dung SGK để tổ chức hoạt động cho học sinh, giải bài tập đều được các nước áp dụng, chứ không riêng ở SGK của Việt Nam mới có”.

Ông Lê Hoàng Hải
 Ông Lê Hoàng Hải

Tiếp đó, ông Hải dẫn chứng thêm: “Không chỉ bây giờ phương pháp này mới được áp dụng, đưa vào SGK hiện hành mà đã được áp dụng từ những ngày đầu cải cách giáo dục. Bản lưu SGK Toán 1 Phổ thông xuất bản năm 1976 cho thấy tất cả những hoạt động khoanh, nối, điền, vẽ đã được nhóm tác giả soạn thảo đưa vào nội dung SGK.

Cụ thể: trang 70 có bài điền các con số còn thiếu vào những ô trống và đọc lại từ 1 đến 8, đọc lại từ 8 đến 1.

Ví dụ khác được trình bày trong SGK này là: 5 + 2 = ?, sách đã đưa ra phương án điền vào chỗ trống để học sinh thực hành phép cộng.

Tương tự như vậy SGK Toán 2 của NXBGD xuất bản năm 1989, các hoạt động như trên cũng đã được áp dụng. Như: điền dấu, ô vuông, điền số, khoanh…

Không chỉ riêng SGK Toán, SGK Tiếng Việt của NXBGD xuất bản năm 1988 cũng có hoạt động điền từ vào chỗ trống. (Ví dụ: Điền vào chỗ trống Vượt hay Vược; “ …. qua sông”, “con cá …. ”

Tất cả những hoạt động trong SGK hiện hành đều đã được SGK các lần thay SGK trước đây áp dụng và đây là những phương án phổ biến của SGK các nước.

Ông Lê Hoàng Hải cho biết: Các tác giả cũng như Bộ GD&ĐT cũng đã nhìn trước được nguy cơ học sinh điền ngay vào SGK hoặc học sinh không giữ gìn, bảo quản SGK nên đã có những khuyến cáo, nhắc nhở học sinh không được viết vào SGK.

Trong SGK Ngữ văn 7, trang 15 (hoặc Ngữ văn 9, 11), lần đầu tiên xuất hiện “lệnh” Điền/Viết vào chỗ trống, tác giả đã lưu ý chú thích cuối trang là “Học sinh chép lại và làm vào vở bài tập”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?