Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cam kết phục vụ đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa

GD&TĐ - Trước thông tin về việc thiếu sách giáo khoa, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Nhà xuất bản cam kết phục vụ đầy đủ, kịp thời SGK cho học sinh trong năm học mới 2018 – 2019. Ông Tùng khẳng định, giá sách vẫn bình được bình ổn như những năm trước.

Nhà xuất bản cam kết phục vụ đầy đủ, kịp thời SGK cho học sinh trong năm học mới 2018 – 2019. Ảnh minh họa/internet
Nhà xuất bản cam kết phục vụ đầy đủ, kịp thời SGK cho học sinh trong năm học mới 2018 – 2019. Ảnh minh họa/internet

Điểm danh những nguyên nhân thiếu sách giáo khoa

* Để phục vụ sách giáo khoa cho năm học mới 2018 2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã in ấn phát hành sách giáo khoa như thế nào? Nhà xuất bản có lường trước được yêu cầu với sách giáo khoa sẽ tăng do sĩ số học sinh năm nay tăng hay không?

Từ nay đến năm học mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cam kết và chắc chắn sẽ phục vụ đầy đủ đồng bộ kịp thời nhu cầu về sách giáo khoa của các em học sinh trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Tùng 

- Để phục vụ tốt nhu cầu sách giáo khoa năm 2018 – 2019, từ tháng 10 năm trước, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thực hiện kế hoạch in và phát hành sách giáo khoa căn cứ trên một số cơ sở sau đây:

Một là dựa vào sản lượng phát hành của năm học trước. Thứ hai là dựa vào kế hoạch đặt hàng của các công ty Sách Thiết bị và trường học. Thứ ba là dự trù biến động về học sinh ở các lớp đầu cấp.

Tháng 12 của năm trước, chúng tôi tổ chức in và sau đó nhập kho vận chuyển về địa phương. Ngày 15/3, sách giáo khoa đã về đến địa phương để bắt đầu phát hành. Năm 2018 dự trù những biến động về phát hành có thể do sắp thay sách giáo khoa mới, nên chúng tôi đã đưa sách về địa phương từ 15/3 sớm hơn mọi năm là 15 ngày. Tức là ngày 1/4 thì sách mới về đến địa phương.

Tính đến ngày 24/8/2018 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành được 110,9 triệu bản sách giáo khoa, đạt 106,7% kế hoạch vượt 5% so với cùng kỳ của năm 2017. Đến thời điểm này, về cơ bản việc phục vụ sách giáo khoa cho học sinh sinh cả nước đón năm học mới 2018 2019 đã tương đối đầy đủ, đồng bộ và kịp thời.

Về câu hỏi Nhà xuất bản có dự trù sách giáo khoa do tăng đột biến về sĩ số học sinh hay không. Chúng tôi xin trả lời là có. Như chúng tôi nói ở trên, khi xây dựng kế hoạch in phát hành, chúng tôi có tính đến hai yếu tố là: dự trù biến động học sinh đầu cấp trong đó có lớp 1 và thứ hai là đẩy sớm việc phát hành lên đến 15 ngày do tính toán đến yếu tố tâm lý sắp xây sách giáo khoa lớp 1.

* Vậy thì tại sao trong 1 tuần qua lại diễn ra tình trạng thiếu sách ở các địa phương. Theo ông có còn những nguyên nhân nào?

Trước năm học mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thiết lập hệ thống đường dây nóng tại 4 miền, trong đó có Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Các số điện thoại đường dây nóng, chúng tôi đã công bố trên website của Nhà xuất bản và trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Phụ huynh, học sinh và nhân dân cả nước khi chúng ta có nhu cầu, chúng ta có thể tìm kiếm và có thể liên lạc về vấn đề bình ổn giá sách giáo khoa.
Ông Nguyễn Văn Tùng

- Chúng tôi đã khảo sát và thấy có 5 nguyên nhân sau đây: Thứ nhất, năm nay có sự đột biến về số lượng học sinh ở các lớp đầu cấp, nhất là trong các thành phố lớn. Đặc biệt là ở lớp 1, dẫn đến hiện tượng thiếu sách tạm thời ở một vài điểm.

Việc thiếu sách giáo khoa phần lớn là thiếu một vài quyển sách trong bộ sách giáo khoa. Những cửa hàng siêu thị thiếu sách giáo khoa, phần lớn rơi vào những cửa hàng nhỏ và không thuộc hệ thống cửa hàng siêu thị nhà sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Thứ hai, một nguyên nhân rất cơ bản đó là: do thông tin sắp thay sách giáo khoa mới, một vài Công ty Sách Thiết bị trường học địa phương đã đặt kế hoạch thấp hơn để tránh tồn kho nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn phát hành của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Thứ ba, hiện nay nhiều gia đình ở thành phố, những gia đình có điều kiện mua đến hai bộ sách giáo khoa cho một con em của mình theo hướng: một bộ ở lớp và một bộ ở nhà.

Thứ tư, năm nay như chúng ta đều biết, thiên tai, lũ lụt ở một số nơi, sách giáo khoa của học sinh ở các vùng lũ lụt bị cuốn trôi rất nhiều; Nhà xuất bản Giáo dục đã phải điều tiết một số lượng rất đáng kể để phục vụ cho giáo viên và học sinh của những địa phương đó.

Thứ năm, do nhiều bậc phụ huynh và học sinh chưa phân biệt được đâu là sách giáo khoa và đâu là sách tham khảo. Thực tế rất nhiều phụ huynh và học sinh gần đây đang đi tìm một số tài liệu tham khảo do các nhà xuất bản khác không do Bộ GD&ĐT quản lý in ấn và phát hành. Khi phản ánh với báo chí truyền thông, dư luận lại hiểu nhầm đó là sách giáo khoa.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
 Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam 

Giữ nguyên giá bán SGK như nhiều năm học trước

* Vậy thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có những giải pháp như thế nào để đáp ứng và khắc phục ngay tình trạng thiếu sách như năm nay. Ngoài ra, Nhà Xuất bản sẽ có những kế hoạch ra sao để bình ổn giá sách giáo khoa trong cả nước?

Trước năm học mới, từ nhiều ngày nay, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo hệ thống phát hành sách, thường xuyên ứng trực hệ thống cửa hàng, siêu thị Nhà sách, tích cực làm việc phục vụ nhu cầu học sinh, phụ huynh về sách giáo khoa, không chỉ ban ngày, buổi tối, ngày nghỉ mà cả ngày nghỉ lễ, nhằm nhanh chóng tiếp nhận thông tin, để kịp thời cung ứng sách giáo khoa cho học sinh.
Ông Nguyễn Văn Tùng

- Trong khoảng một tuần nay, nhằm khẩn trương giải quyết nhanh chóng tình trạng thiếu sách cục bộ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp.

Thứ nhất, chúng tôi nhanh chóng chủ động bổ sung những đầu sách giáo khoa còn thiếu, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 1, lớp 6, và lớp 10. Để phục vụ nhu cầu của học sinh và giáo viên, hiện tại các đầu sách thiếu này đã có đầy đủ tại cửa hàng, hệ thống các siêu thị nhà sách của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hà Nội và một số địa phương.

Thứ hai, chúng tôi dự trữ một lượng sách giáo khoa đáng kể tại các đơn vị thành viên của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Để sẵn sàng phục vụ nhu cầu phát sinh về sách giáo khoa, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lập một nguồn sách giáo khoa dự phòng để có thể kịp thời vụ học sinh ở một số địa phương trong trường hợp xảy ra thiên tai, lũ lụt.

Thứ ba, chúng tôi tăng cường thêm nhiều đoàn giám sát đi về các địa phương trong cả nước để đảm bảo không có hiện tượng sốt sách và thiếu sách, nhanh chóng nắm bắt những khu vực thiếu sách cục bộ, tạm thời để nhanh chóng bổ sung.

Thứ tư, nhà xuất bản đã chuẩn bị các phương án triển khai in gấp, vận chuyển nhanh về các đại lý nhà sách khi cần thiết. Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, tức là vận động học sinh sử dụng sách giáo khoa cũ.

Theo đó, chúng tôi tổ chức quyên góp sách giáo khoa cũ tặng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi tặng sách cho thư viện trường học, cho tủ sách giáo khoa dùng chung.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn nỗ lực để bình ổn giá sách giáo khoa. Năm nay trong khi giá giấy và tự nhiên tăng lên khoảng 30% nhưng nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn giữ nguyên giá bán sách giáo khoa như nhiều năm học trước.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam một mặt bảo đảm kinh doanh có hiệu quả, mặt khác đã ổn định giữ nguyên giá sách giáo khoa trong khoảng 10 năm nay mà chưa phải trình lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính về việc xin điều chỉnh giá sách giáo khoa.

Xin cảm ơn ông!

"Hiện nay, sách giáo khoa chúng ta đang dùng là sách giáo khoa của chương trình cũ và đã được ổn định từ 2003 đến nay. Tới đây, chúng ta thực hiện cải cách chương trình mới và bắt đầu từ lớp 1. Vì vậy sách giáo khoa hiện nay đang dùng có thể sử dụng lại của những năm trước. Chúng tôi cũng khuyến khích các nhà trường, các em lớp trên quyên góp tặng lại sách cho các bạn ở lớp dưới để có thể sử dụng lại" - ông Nguyễn Văn Tùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ