Nguồn nước tại Việt Nam ngày càng trở nên khan hiếm

GD&TĐ - Nguồn nước tại Việt Nam có thể trở thành nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm do quá trình đô thị hóa và cạnh tranh gia tăng giữa các mục đích sử dụng khác nhau của các thành phần kinh tế, là thông tin được đưa ra tại hội thảo tập huấn “Sử dụng/tái sử dụng nước bền vững trong môi trường đô thị” vừa diễn ra tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

GS Harry Futselaar đến từ ĐH Khoa học ứng dụng Saxion, Hà Lan (bìa trái) trao đổi tại hội thảo
GS Harry Futselaar đến từ ĐH Khoa học ứng dụng Saxion, Hà Lan (bìa trái) trao đổi tại hội thảo

Hội thảo do Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) và ĐH Khoa học ứng dụng Saxion (Hà Lan) phối hợp tổ chức diễn ra trong hai ngày 4-5/11.

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động hợp tác cho mục tiêu kết nối các mạng lưới toàn cầu, nhằm đề xuất các giải pháp bền vững trong quản lý nguồn nước, xử lý chất thải, phát triển đô thị, năng lượng và nông nghiệp. Đây cũng là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà làm chính sách quản lý tài nguyên nước có cơ hội trao đổi, thảo luận, nhận thức toàn diện và hiệu quả hơn về các vấn đề quản lý tài nguyên nước và công nghệ xử lý nước cho vùng đô thị.

GS Harry Futselaar giới thiệu một công nghệ xử lý nước thông minh của Hà Lan dưới sự chứng kiến của ông Carel Richter - Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TPHCM (bìa phải)
GS Harry Futselaar  giới thiệu một công nghệ xử lý nước thông minh của Hà Lan dưới sự chứng kiến của ông Carel Richter - Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TPHCM (bìa phải)

Theo GS Harry Futselaar đến từ ĐH Khoa học ứng dụng Saxion (Hà Lan), biến đổi khí hậu sẽ gây áp lực lớn hơn cho các thành phố bằng cách tăng nguy cơ lũ lụt, hạn hán. Những thách thức này đòi hỏi một cách tiếp cận có hệ thống và chuyển đổi trong quy hoạch và quản lý nước đô thị. Đồng thời, ông cho rằng, nguồn nước tại Việt Nam có thể trở thành nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm do quá trình đô thị hóa và cạnh tranh gia tăng giữa các mục đích sử dụng khác nhau của các thành phần kinh tế.

GS Harry Futselaar đưa ra ví dụ, đồng thời cho rằng để làm ra 1 tờ giấy trắng khổ A4 cần 10 lít nước, 1 trái táo cần 70 lít nước, 1 tách cà phê cần 140 lít nước và 1kg bơ tốn 5.000 lít nước..., nguồn nước của một người sử dụng nhiều qua các vật dụng, thực phẩm, chứ không phải nước uống hay nước sinh hoạt trực tiếp. Từ đó, ông cho rằng mỗi người Việt Nam sử dụng khoảng 3.000 lít nước/ngày.

Hội thảo đưa ra và tập trung trao đổi vào nhiều chủ đề: Biến đổi khí hậu và sử dụng nước bền vững; Công nghệ xử lý nước tiên tiến; Cung cấp nguồn nước uống phi hóa chất từ các vùng khan hiếm; Các khía cạnh pháp lý và kinh tế có liên quan; Giáo dục, quản lý nguồn nhân lực và các khía cạnh xã hội...

Các nội dung được đề cập tại hội thảo giúp các đại biểu tham gia có cơ hội được thực hiện các kế hoạch chiến lược cho quản lý nước vùng đô thị, quy hoạch không gian đô thị thích ứng và thông minh; trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong cách tổ chức quy trình làm việc với các viện nghiên cứu, trường đại học, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp có liên quan...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ