Người thầm lặng đi tìm mộ đồng đội

GD&TĐ - Đã đến 220 nghĩa trang, viết hơn 40.000 lá thư báo tin cho hàng trăm gia đình liệt sỹ tìm được mộ phần người thân nhưng ông Đào Thiện Sính (sinh năm 1947 ở thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn luôn tự nhắc nhở phải ăn nhanh, ngủ ít, tiết kiệm từng phút để tiếp tục hành trình thầm lặng của mình.

Người thầm lặng đi tìm mộ đồng đội

Hình ảnh đồng đội luôn thôi thúc

Những ngày cuối cùng của tháng 7/2017, vừa trở về từ hành trình lặn lội qua các nghĩa trang ở Tây Ninh, Bình Dương… nhưng ông Sính không dám ngả lưng xuống giường.

Lật đật bê chậu nước lạnh đặt bên bàn làm việc của mình, ông bảo: “Lúc nào mắt có hiện tượng díu lại thì nhúng mặt vào nước cho tỉnh. Cả ba lô tài liệu ghi chép này không lọc ra và phân tích thì có ngủ cũng không ngon giấc được.

Ngủ nhiều cũng là có tội với đồng đội. Với lại 12 năm nay hầu như ngày nào cũng rong ruổi qua các vùng đất, các chiến trường xưa nên quen tranh thủ ngủ gật trên xe đò rồi”.

Đi nhiều nơi, trải qua bao biến cố, thăng trầm nhưng hình ảnh những đồng đội đã hy sinh vì đất nước hằn sâu trong ý nghĩ, mỗi lần nhắc đến cảm xúc lại như vỡ òa. Sinh ra ở tỉnh Hải Dương, năm 1967 ông Sính xung phong vào chiến trường miền Nam. Với nhiều sáng kiến xuất sắc về thông tin liên lạc, ông được biên chế vào Đoàn 4, Bộ Tư lệnh Thông tin, trực tiếp chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

Năm 1975, ông được tổ chức cho đi đào tạo bài bản về ngành thông tin nhưng năm 1979 ông lại tiếp tục xung phong vào mặt trận Tây Nam với một ước nguyện cháy bỏng là: Đã quen lội suối, băng rừng, đã quen cầm súng và luôn sẵn sàng đến nơi gian nguy nhất sát cánh cùng đồng đội. Năm 1983 ông xuất ngũ xung phong về huyện miền núi Khánh Vĩnh làm cán bộ bưu điện huyện.

Luôn thường trực ý nghĩ sự trở về của mình là điều kỳ diệu, may mắn nên sau những giờ làm việc mẫn cán ở bưu điện, đêm về ông Sính lại miệt mài lục lọi ký ức về từng địa điểm, khoảnh rừng nơi xưa kia có đồng đội của mình hy sinh, có người chỉ vừa kịp gặp mặt.

Liên tục trăn trở cho đến khi hình ảnh những người mẹ, người vợ… có chồng, con hy sinh mà chưa tìm được mộ ngày đêm trỗi dậy trong ý nghĩ thì ông Sính quyết định khoác ba lô lên đường tìm kiếm và kết nối.

Hàng ngàn ngôi mộ liệt sỹ trải dài từ Quảng Trị đến Mũi Cà Màu chưa tìm được thân nhân, ông Sính đến chụp hình, ghi chép cẩn thận để viết thư báo tin.

Vạch tấm lưng chi chít vết bầm, ông Sính thổ lộ: “Vắt với muỗi cắn đấy. Khi chưa nghỉ hưu thì mỗi năm đi tìm kiếm và kết nối trong các ngày cuối tuần. Còn 10 năm nay thì ít khi ở nhà lắm. Ngủ rừng mãi, vắt cắn riết thành quen. Cũng may vợ con gom tiền làm rẫy lại cho có cái làm lộ phí”.

Hạnh phúc giản dị

Hành trình giúp hàng trăm gia đình tìm kiếm được mộ phần người thân là liệt sỹ, ông Sính đã thuần thục cách giải mã nhiều dấu vết mờ trên bia mộ.

Dẫu vậy, có trường hợp mất 2 đêm giải mã nhưng ông Sính cũng phải viết đến 7.000 lá thư mới tìm được thân nhân của mộ phần liệt sỹ.

Tiêu biểu như trường hợp Liệt sỹ Nguyễn Văn Bảy hy sinh ở Đức Phổ (Quảng Ngãi). Ông Sính giải mã ký hiệu mờ trên bia thì là quê ở Thường Tín (Hà Tây cũ) nhưng lại nhập ngũ ở Lạng Sơn. Bởi vậy nên khi báo tin tìm kiếm phải gửi đi cả hai tỉnh.

Sau nhiều khâu sàng lọc, đối nối thông tin cuối cùng cháu ruột của Liệt sỹ Nguyễn Văn Bảy là ông Nguyễn Chiến Hạm cũng đã được ông Sính dẫn đến nhận mộ. Hàng loạt trường hợp khác cũng nhờ sự nhanh nhạy trong giải mã các dấu vết này mà ông Sính đã tìm được thân nhân cho các mộ phần.

Niềm hạnh phúc giản dị xóa tan bao nhọc nhằn của ông Sính trong những lúc ngủ thiếp dưới các tán rừng là điện thoại reo mà người gọi đến là thân nhân của các liệt sỹ báo đã tìm được mộ phần theo thư báo của ông Sính.

Cảm phục trước hành trình của ông Sính, thượng tá Hà Teng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Khánh Vĩnh khẳng định: “Địa phương chúng tôi luôn ghi nhận ông Sính là tấm gương sáng tạo và dốc cạn sức lực, tiền của vì đồng đội. Có lần cả năm ông ấy mới về nhà được vài chục ngày, lên cơn sốt hầm hập mà miệng vẫn u ớ đòi đưa bút với sổ để ghi chép các thông tin về đồng đội”.

Lôi cuốn sổ gối đầu giường, ông Sính bày tỏ khát vọng: “Theo ghi chép của tôi đến thời điểm này trong hơn 200 nghĩa trang liệt sỹ của cả nước còn khoảng 6.000 mộ phần liệt sỹ chưa có thân nhân đến nhận.

Các bia mộ này hầu hết chỉ có tên, không có quê. Các ký hiệu cũng mờ lắm. Chỉ mong còn sức để giải mã và viết thư báo tin cho các thân nhân đến tìm. Nếu một ngày không còn sức đi lại, viết thư báo tin được nữa tôi cũng mong được chia sẻ tất cả các thông tin, kinh nghiệm mình có được cho các cơ quan, tổ chức muốn tìm kiếm thân nhân cho những ngôi mộ vô danh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.