Người nông dân tự xoay xở đến bao giờ?

GD&TĐ - Những năm gần đây, dư luận luôn được nghe điệp khúc “giải cứu” cho đủ loại nông sản từ dưa hấu, chuối, hành tím, ổi, hành tây đến thanh long, cà chua… Nay lại đến lượt giá thịt lợn liên tục rớt giá và câu chuyện “giải cứu” thịt lợn một lần nữa lại cất lên trông đợi vào nỗ lực giải cứu của người dân cùng các ban, ngành, đoàn thể.

Người nông dân  tự xoay xở đến bao giờ?

Để giúp nông dân tiêu thụ nông sản, những ngày qua, phong trào “giải cứu” thịt lợn cho người chăn nuôi được nhiều người hưởng ứng, lan tỏa khắp xã hội. Khác với phần lớn các cuộc “giải cứu” nông sản gần đây, lần này cả Chính phủ cũng phải vào cuộc với những chỉ đạo khẩn cấp và cụ thể, cho thấy tính chất quan trọng của sự việc.

Có thể nói đây chỉ là cách làm mang tính nhất thời và cực chẳng đã, nhưng những phong trào thiện nguyện “giải cứu”, nhằm giúp người nông dân giảm bớt khó khăn do bế tắc trong tiêu thụ nông sản dư thừa là đáng quý. Trong một số thời điểm, cũng có lúc nó đạt được hiệu quả nhất định. Không chỉ là giúp người dân tiêu thụ được một phần đáng kể lượng hàng tồn đọng mà cũng khiến các bộ, ngành chịu sức ép nhiều hơn trong việc tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tác động đến các doanh nghiệp đầu mối trong nước: Các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp lớn... để hỗ trợ, mở rộng các kênh tiêu thụ nông sản trong nước.

Thế nhưng, đã đến lúc không thể trông chờ mãi vào sự “giải cứu”. Nhất là khi các mặt hàng nông sản cứ lặp đi, lặp lại hết năm này đến năm khác, thậm chí đã trở thành “căn bệnh” nan y tái diễn ở nhiều vùng trên cả nước.

Nền nông nghiệp của nước ta đang sản xuất không theo nhu cầu thị trường. Mặc dù cách đây hơn chục năm các địa phương cũng đã từng trăn trở với câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì”, thế nhưng thực tế, bấy lâu nông dân thấy sản phẩm nào có giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng mà ít quan tâm đến nhu cầu thị trường ra sao, làm ra sẽ bán cho ai và bán đi đâu. Đa số nông dân ở nước ta nhiễm thói quen làm theo lối “ăn xổi”, dẫn đến chuyện “được mùa mất giá”, sản phẩm ứ đọng không tiêu thụ được liên tục diễn ra hết năm này đến năm khác, hết cây con này đến cây con khác. Kết cục là người nông dân luôn là những kẻ thua thiệt, trắng tay sau bao tháng ngày vất vả với ruộng vườn.

Câu chuyện “giải cứu” nông sản ế không phải là vấn đề giúp người nông dân bán hành, bán dưa, bán chuối, bán ớt… một cách cấp thời, tùy hứng như cách mà chúng ta đang làm. Cần phải thấy rằng tiêu thụ nông sản không chỉ là chuyện của người nông dân, của từng doanh nghiệp hay một ngành hàng đơn lẻ mà câu chuyện của một nền kinh tế. Vì vậy, nếu không có giải pháp tổ chức sản xuất nông nghiệp mới, không giải quyết được bài toán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tùy tiện… thì khó có thể tổ chức tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định, bền vững.

Vấn đề đặt ra là phải có một hệ thống giải pháp mang tính tổng thể, từ việc thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp, từ khâu dự báo thị trường, từ quy hoạch đến sản xuất… Đó mới là những giải pháp mang tính căn cơ để hạn chế tình trạng dư thừa nông sản một cách vô tội vạ, nằm ngoài tầm kiểm soát như lâu nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.