Nghề báo: Khó nhọc và hiểm nguy

GD&TĐ - Nghề báo được xem là một lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù, đòi hỏi người làm nghề phải luôn năng động, sáng tạo và cần sự trải nghiệm không ngừng trong công việc. Để trở thành một nhà báo thực thụ, đòi hỏi người theo nghề phải có phông kiến thức nền sâu rộng, lòng đam mệ, sự năng động, óc tư duy liên tục, sự bền bỉ và sự dấn thân với nghề...

Nghề báo:  Khó nhọc và hiểm nguy

Nghề báo nghề khó nhọc

Thái Hòa, cựu sinh viên lớp Báo in - Học viện Báo chí và Tuyên truyền (ra trường được 1 năm, hiện đang làm biên tập viên cho một trang Web) chia sẻ: Em rất yêu nghề báo, bởi nghề báo có rất nhiều điều thú vị. Nghề báo cho em được đi nhiều, được khám phá và trải nghiệm.

Nghề báo không những giúp em ngộ ra được nhiều điều trong cuộc sống mà nó còn giúp em hiểu biết nhiều về các lĩnh vực khác nhau. Song em nhận thấy, nghề báo vừa dễ lại vừa khó. Dễ là bởi bất cứ một người nào cho dù là học sinh tiểu học, sinh viên thậm chí một bác nông dân cũng có thể viết được một bài báo đơn giản. Tuy nhiên để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, hiện đại và có tên tuổi thì lại rất khó.

Muốn trở thành một nhà báo thực thụ, trước hết phải có lòng đam mê nghề nghiệp, phải lăn lộn với nghề. Sau đó phải học được cách làm nghề; rồi biết phát hiện đề tài hay, nóng hổi của cuộc sống. Sau khi có tài, nhà báo phải biết cách khai thác và xử lý các tình huống.

Cuối cùng là hình thành một bài báo hay và mang ý nghĩa tích cực cho xã hội. Ngoài ra, một nhà báo hiện đại cũng phải cần trang bị cho mình rất nhiều thứ ngay khi ngồi trên ghế nhà trường: Am hiểu nhiều lĩnh vực, vốn ngoại ngữ, trình độ vi tính; cách khai thác và cập nhật các kênh thông tin, phương tiện thông tin truyền thông…

Không thể phủ nhận nghề báo luôn hấp dẫn giới trẻ. Nhiều bạn học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường có niềm yêu thích nghề báo cũng đã từng đến hỏi em về nghề báo và có ý định chọn nghề báo để học,  vì các bạn ấy nghĩ đơn giản rằng, theo nghề báo sau này sẽ được đi nhiều nơi, biết nhiều thứ. Nhưng theo em, để theo được nghề báo rất vất vả và khó nhọc chứ không phải như các bạn ấy nghĩ.

Theo PGS.TS. GVCC Nguyễn Văn Dững – Trưởng khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền giải thích: Tại sao người ta lại nói nghề báo là nghề khó nhọc? Trước hết nghề báo là nghề không dập khuôn theo một khuôn mẫu nào hết. Nghề báo đòi hỏi người theo nghề phải luôn luôn sáng tạo và phải có phong cách riêng biệt.

Vậy muốn sáng tạo, muốn có phong cách riêng biệt thì buộc người làm nghề báo phải có kiến thức, phải đam mê, phải sáng tạo. Tất cả những cái đó làm cho người làm báo vất vả hơn, khó nhọc hơn chứ không phải là vất vả do anh phải đi rừng sâu, núi xa, anh phải lặn lội lên thượng nguồn, xuống hạ lưu; anh phải đi hải đảo xa xôi, phải đi ăn bụi, nằm bờ… thì đó không phải. Đó chỉ là hiểu theo nghĩa thực.

Một khi đã theo nghề, yêu nghề, nhà báo có nhiều trăn trở, suy nghĩ, đau đáu về nghề ghê lắm. Nhiều khi các bài báo nó làm cho anh mất ăn, mất ngủ… Khi chưa làm được, chưa giải quyết được vấn đề còn đang dang dở, còn đang đau đáu thì còn khó nhọc… Vất vả của nghề báo là ở chỗ đó. Nó đòi hỏi sự sáng tạo, đòi hỏi sự bứt phá, đòi hỏi sự cống hiến, đam mê.

Nếu ai đó chỉ hiểu đơn thuần rằng nghề Báo vất vả, gian nan do hay đi nhiều là không đúng. Đó chỉ là hiểu theo nghĩa thực, còn cái khó khăn vất vả ở đây là do người làm báo đam mê, yêu nghề mà phải lăn lộn, phải vất vả thậm chí là khổ sở với nghề.

Nghề nguy hiểm

Ngoài sự vất vả, khó nhoc, nghề báo còn được coi là nghề nguy hiểm. Nghề báo được xếp vào tốp thứ 10 trong những nghề nghiệp nguy hiểm nhất. Vì đặc thù công việc luôn bảo vệ sự công bằng, đạo lý tốt đẹp nên lắm lúc các nhà báo gặp không ít tình huống cam go. Với tính chất nghề nghiệp của mình, nhà báo ở bất kỳ đâu đôi khi cũng bị đe dọa đến mạng sống.

Các nhà báo phải đối mặt với những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Không cung cấp thông tin, mua chuộc, thu giữ phương tiện tác nghiệp, cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp, giữ người, quấy rối tình dục, vu khống, tấn công, gây thương tích, trả thù… và vô số những việc làm khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả tinh thần và thể xác của các nhà báo.

Nói như thế để thấy được, công việc của nhà báo làm hàng ngày để ra được những sản phẩm là những bài báo, tờ báo mà độc giả khắp thế giới cầm trên tay, đôi khi có cả máu và nước mắt. Ở những nơi vinh quang nhất hay những nơi khốc liệt nhất họ đều có mặt. Bất chấp mọi hiểm nguy phải đối mặt, nhiều nhà báo vẫn can đảm xông pha để theo đuổi sự nghiệp được mệnh danh là "chim báo bão thời đại".

Nhà báo cũng được xã hội dành cho một sự coi trọng nhất định, nhưng vì tính chất công việc có những đặc thù riêng mà đôi khi trong công việc có sự hiểu lầm. Vì tính đặc thù này mà nghề báo không những chỉ mạo hiểm và còn rất nguy hiểm. Sự nguy hiểm đó có khi là do các nhà báo chủ quan song nhiều lúc cũng do khách quan đem lại. Nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa họ chính là những “chiến sĩ văn hóa tiên phong” trên nhiều mặt trận bảo vệ tổ quốc đầy cam go, hiểm nguy.

Một thử thách khác không kém hiểm nguy mà các nhà báo phải đối mặt, đó là sự cám dỗ. Trên con đường tác nghiệp nhà báo có thể gặp nhiều cạm bẫy bởi xã hội càng hiện đại, quyền lực của thông tin ngày càng mạnh thì những cám dỗ với nhà báo ngày càng nhiều. Nếu không có bản lĩnh nghề nghiệp thì không thể vượt qua được thử thách và nhà báo rất dễ bị cám dỗ…

Đảng và nhà nước ta cũng đã có nhiều chế tài, quy định để nâng cao trách nhiệm cũng như hỗ trợ, bảo vệ nhà báo khỏi mọi sự xâm hại. Đó là nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Trong đó quy định, những hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/2/2011.

Phải nói rằng, nghề báo là một nghề dễ thấy vinh quang nhưng cũng gặp không ít khó nhọc thậm chí là rủi ro. Nếu không thực sự có khả năng, tố chất, không có lòng yêu nghề, say nghề và bản lĩnh nghề nghiệp thì tốt nhất không nên chọn nghề báo. Việc học và việc trở thành nhà báo được xã hội công nhận là cả một quá trình phấn đấu với rất nhiều gian nan, thử thách và áp lực.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho biết năm 2014 có 61 nhà báo; 11 nhân viên hỗ trợ cho hoạt động báo chí, như lái xe, biên dịch viên… đã thiệt mạng vì công việc của họ; 19 nhà báo khác đã bị sát hại vì những lý do chưa được xác nhận. Đây là con số cao thứ hai kể từ khi tổ chức này bắt đầu tiến hành thống kê số liệu này vào năm 1990. Trang chuyên tin về việc làm nổi tiếng thế giới Career Cast công bố danh sách những công việc tồi tệ nhất năm 2015, trong đó nghề phóng viên tin tức đứng vị trí số 1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?