Ngày càng nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi: Cần chế tài đủ mạnh “cân chỉnh” hành vi lệch lạc

GD&TĐ - Gần đây, liên tiếp các vụ bỏ rơi trẻ sơ sinh gây xôn xao dư luận. Vì đâu việc này gia tăng? Pháp luật xử lý thế nào đối với hành vi này. Khi phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, cách sơ cứu tốt nhất để níu giữ sự sống là gì?

Ảnh minh họa: IT
Ảnh minh họa: IT

Phát hiện bé sơ sinh còn nguyên dây rốn bên lề đường

Sáng 12/10, công an xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận đi tuần tra thì phát hiện một túi nilong đựng bé sơ sinh trong tình trạng còn nguyên dây rốn bỏ lề đường ở thôn 3. Bé sơ sinh này là trai và nhanh chóng được đưa đến trạm xá chăm sóc.

Các bác sĩ cho biết, bé mới chào đời chưa lâu, trong tình trạng bị nhiễm trùng và chưa được bú mớm. Trước mắt, chính quyền xã Hàm Liêm đã nhờ một người dân tại địa phương tạm thời nhận chăm sóc bé sơ sinh trên trong lúc chờ các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. 

Dư luận lại được phen dậy sóng về hành vi này. Thêm một lần nữa, những đứa trẻ vô tội vừa ra đời đã bị đấng sinh thành chối bỏ, không thương tiếc. Nó thể hiện sự lệch lạc về nhận thức và hành vi đạo đức. 

Theo nhà văn – nhà báo Lữ Mai: “Phía sau mỗi hành vi vi phạm về pháp luật, đạo đức đều có nguyên do. Kể cả khi đưa ra lý giải về bi kịch của chủ thể thì phía sau bi kịch ấy cũng bao gồm căn nguyên, cội rễ. Chúng ta không nên và không thể thỏa hiệp rằng, vì con người có bi kịch riêng mà nảy sinh hành động vô nhân tính. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đó vẫn luôn là sự vượt ngưỡng, phi đạo đức và cần bị trừng phạt”.

Trên thực tế cũng như trong các tác phẩm văn chương, điện ảnh, ngay đến cả những tên tội phạm khét tiếng, gây ra hàng loạt tội ác nhưng chúng có thể dừng lại khi gặp một ánh mắt trẻ thơ, một sinh linh bé nhỏ. Đó là phản xạ rất bản năng bởi hình ảnh đó là ký ức mà mỗi người đều trải qua, là cảm giác cần được cả thế giới này yêu thương, che chở. 

“Tôi cho rằng, trong các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi đối với trẻ em là nguy hiểm bậc nhất. Tuy nhiên, một xã hội văn minh, phát triển tốt thì không thể có nhiều nhà tù, gia tăng nhiều hình phạt... mà sự thiện lương, tử tế phải được gieo cấy, nuôi nấng và phát triển trong mỗi con người. Muốn thế, chúng ta cần quan tâm ngay từ khi con người là những đứa trẻ với đầy đủ giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội. 

Theo quan sát của tôi, hầu hết các loại tội phạm đều xuất thân trong môi trường gia đình đổ vỡ, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ hoặc họ gặp phải những biến động lớn mà nhà trường, xã hội tác động đến. Nói đến giải pháp, tôi thường suy ngẫm tới vấn đề gốc rễ, gần gũi nhất với con người mà yếu tố đầu tiên đó là gia đình”, nhà văn – nhà báo Lữ Mai chia sẻ.

Có thể bị phạt tù đến 2 năm

Luật sư Phạm Quang Xá - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của con người nói chung và của trẻ em nói riêng đều đáng lên án và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin cơ bản mà báo chí đăng tải, nguyên nhân bỏ con của các bà mẹ trẻ thường là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc… Hành vi của những người mẹ này đã đủ yếu tố cấu thành tội: Vứt bỏ con mới đẻ theo Khoản 2 Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. 

Theo đó: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. 

Ngoài ra, các trường hợp này còn bị xử lý bằng biện pháp hành chính theo theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi “Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh”.

Theo quy định này của pháp luật thì hành vi vứt bỏ con mới đẻ thể hiện sau khi đẻ ra người mẹ đã bỏ con mình ở một nơi nào đó như ngoài chợ, cổng bệnh viện, cổng trường học, nhà chùa… Đây là trường hợp người mẹ có thái độ tuy không muốn đứa trẻ chết nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.

Còn có rất nhiều trường hợp bỏ mặc đứa bé vừa mới sinh ở một nơi nguy hiểm cho trẻ như bãi rác, ghế đá công viên hay nơi ít người qua lại. 

“Những hành vi này cần phải bị lên án mạnh mẽ và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thậm chí cần xây dựng thêm những chế tài mạnh mẽ hơn để đủ sức răn đe và hạn chế những hành vi mất nhân tính này xảy ra”, luật sư Phạm Quang Xá nhấn mạnh.

Sơ cứu đúng cách để hồi sinh cho trẻ

Có rất nhiều đứa trẻ đã bị cha mẹ chúng bỏ rơi ngay khi vừa mới chào đời, thậm chí “ép chết” bằng cách nạo phá thai. Tuy nhiên, rất ít trẻ trong số đó may mắn được người dân phát hiện, cấp cứu kịp thời và trao – giữ sự sống. 

PGS.TS. BS Tôn Nữ Vân Anh (Trung tâm Nhi – Bệnh viện Trung ương Huế) chia sẻ: “Cá nhân tôi luôn có thái độ phẫn nộ và lên án mạnh mẽ đối với hành vi bỏ rơi con, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Bởi sự sống của chúng hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người lớn. Đây là hành vi vô đạo đức và phi nhân tính, cần phải nghiêm trị và loại bỏ”. 

Để giành được tối đa cơ hội sống cho những trẻ sơ sinh vô tội bị bỏ rơi, PGS.TS. BS Tôn Nữ Vân Anh lưu ý, ngay khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi, trong bất kỳ điều kiện nào, việc đầu tiên chúng ta cần làm là ủ ấm cho trẻ và lau qua các vết thương, vết bẩn.

Nếu trẻ có biểu hiện suy hô hấp, thở yếu cần ngay lập tức làm động tác ấn ngực bé để hồi sức cấp cứu cho tim, búng vào dưới lòng bàn chân để cho bé khóc, thông đường thở.

Cho trẻ uống sữa bình hoặc nhờ cho bú. Đồng thời, cần báo ngay cho cơ quan chức năng và phối hợp đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để có đủ các thiết bị chăm sóc hỗ trợ.

“Những sự việc này là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn trở thành mẹ. Đó cũng là sự “giật mình” của cả xã hội khi các vấn đề đạo đức bị xem nhẹ.

Chúng ta cần chú trọng ngay từ giáo dục trong gia đình để giới trẻ nhận thức được giá trị và hậu quả của mỗi hành vi. Khi một đứa trẻ được sống trong môi trường mà đạo đức và các giá trị truyền thống được coi trọng thì sẽ sản sinh ra những người trưởng thành có nhân cách và hành vi khiến xã hội tốt đẹp hơn”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ