Ngành Giáo dục phải được quản lý biên chế

GD&TĐ - Ngành GD phải được quản lý biên chế ngành để thuận lợi trong việc điều chỉnh biên chế giữa các cấp học và các địa phương, đây là một trong những đề xuất của lãnh đạo Sở GD&ĐT Tuyên Quang gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tại buổi làm việc, xin ý kiến Sở GD&ĐT cùng các trường học trên địa bàn về Dự thảo Luật GD sửa đổi.

Đại diện các nhà trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tại buổi làm việc
Đại diện các nhà trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tại buổi làm việc

Bước tiến tích cực trong tư duy

Chủ trì buổi làm việc có bà Ma Thị Thúy - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Tuyên Quang, ông Ma Quang Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang.

TS Nguyễn Minh Anh Tuấn - Trưởng phòng GD trung học (Sở GD&ĐT Tuyên Quang) - nhận định: Dự thảo đã quy định “tôn trọng sự khác biệt” tại Điều 25 là một bước tiến rất tích cực trong tư duy về nguyên tắc, triết lý GD trong bối cảnh hội nhập hiện nay và cả trong tương lai. Tuy nhiên, không thấy nguyên tắc này được thể hiện đối với GD phổ thông mà chỉ thể hiện ở GD mầm non. Cần bổ sung nguyên tắc này đối với GD phổ thông (vào Điều 31) bởi ở các lứa tuổi của GD phổ thông, sự phát triển của từng HS càng bộc lộ rõ năng lực, cá tính và khả năng tư duy đa dạng khác nhau; thêm nữa, các em đang có nhu cầu tự khẳng định mình nhiều hơn... nên càng đòi hỏi phải có tôn trọng sự khác biệt. GD thành công tôn trọng sự khác biệt là gốc để chống phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt đối xử...

Điều 27 cần diễn đạt lại ở cả các khoản 1, 2, 3 bởi ví dụ tại khoản 1 quy định “Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi” là chưa rõ ràng và gây khó cho các nhà trẻ, nhóm trẻ. Ví dụ trẻ sinh tháng 2, đến tháng 3 trẻ sang tuổi thứ 4 liệu có còn được học tại nhà trẻ nữa không? Đặc biệt là trong trường hợp không mong muốn như có tai nạn xảy ra với trẻ trong thời điểm sau tháng 4, với quy định như vậy thì nhà trẻ này vi phạm luật vì nhận trẻ quá 3 tuổi. Hoặc nếu nhà trẻ máy móc, sợ trách nhiệm không nhận các cháu quá 3 tuổi thì các cháu phải chuyển sang trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập khi năm học chưa kết thúc. Đề xuất viết lại “Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi tính theo năm”.

Phân cấp lại công tác quản lý biên chế

Bên cạnh đề xuất thay đổi từ, cụm từ tại một số nội dung khoản, điều, TS Anh Tuấn đề nghị Chính phủ có sự phân cấp lại trong công tác quản lý biên chế cho ngành GD. Ngành GD phải được quản lý biên chế ngành để thuận lợi trong việc điều chỉnh biên chế giữa các cấp học và các địa phương.

Hiện nay, số lượng HS các cấp ở các địa phương tăng nhưng biên chế GV bị cắt giảm nhiều nên dẫn đến tình trạng thiếu GV và khó khăn cho thực hiện chương trình mới. Đề nghị Chính phủ có giải pháp. Cùng đó, có thêm các điều luật về an ninh, an toàn trường học.

Thi tuyển lãnh đạo các trường phổ thông

Góp ý kiến vào Dự thảo Luật, đại diện các nhà trường tập trung vào một số vấn đề: Cần cụ thể nội dung về Quy chế quản lý dạy và học thêm ở cấp tiểu học cần rõ ràng; hoàn thiện quy định về công tác hướng nghiệp và phân luồng nhằm bảo đảm hiệu quả GD; nâng cao chất lượng GDTX, GD nghề nghiệp đáp ứng quy định về hệ thống GD quốc dân; trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo đối với GV tiểu học hơi cao so với thực tế hiện nay và bất cập so với một số thông tư của Bộ GD&ĐT; về triết lý GD; hoàn thiện hệ thống GD quốc dân theo hướng mở, liên thông; các loại cơ sở GD; chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông và thi tốt nghiệp THPT...

Đại diện các nhà trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nêu ý kiến ngành GD cần có thi tuyển đối với lãnh đạo các trường phổ thông, nên hạn chế việc luân chuyển GV nhất là cán bộ, quản lý các trường học; nên xét tuyển HS vào trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh; khắc phục một số bất cập trong hoạt động của tổ chức công đoàn của ngành GD; thống nhất việc phân cấp quản lý hệ thống GD; xét tuyển viên chức đối với GV mầm non đã làm việc hợp đồng lâu năm; còn thiếu các sân vui chơi cho thanh, thiếu nhi…

Tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Sở GD&ĐT và các trường học, bà Ma Thị Thúy cho biết, các ý kiến, đề xuất sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.