Mua sắm sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phải đặc biệt chú ý chất lượng và giá cả

GD&TĐ - Vì xét nghiệm là khâu then chốt, cần được thực hiện nhanh, đảm bảo kết quả chính xác, nên các sinh phẩm xét nghiệm phải có chất lượng tốt nhất.

Mua sắm sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phải đặc biệt chú ý chất lượng và giá cả

Các đợt giãn cách xã hội vừa qua trên nhiều tỉnh thành đã bắt đầu phát huy tác dụng, giúp các địa phương có dịch COVID-19 từng bước kiểm soát được tình hình.

Một số địa phương đã bắt đầu nới lỏng biện pháp và phạm vi giãn cách, thực hiện lộ trình từng bước mở cửa lại nền kinh tế.

Một trong những nhân tố chính góp phần làm nên thành công bước đầu này là các chiến dịch xét nghiệm tầm soát quy mô lớn, thần tốc, có trọng tâm trọng điểm, giúp các ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương nắm bắt rõ tình hình, thực trạng, từ đó kịp thời xây dựng các đối sách quan trọng để làm chủ tình hình.

Chính phủ và Bộ Y tế cũng đã rất rõ ràng, quyết liệt trong các chỉ đạo của mình, khẳng định thần tốc xét nghiệm, khoanh vùng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng chính là khâu then chốt để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, tạo tiền đề cho chiến lược chung sống an toàn với COVID-19.

Tuy nhiên, như báo chí đã nhiều lần phản ánh, có nơi, có lúc vẫn xảy ra tình trạng thiếu hụt hoá chất, sinh phẩm xét nghiệm, khiến một số địa phương không ít lần rơi vào tình trạng lúng túng, bị động trong quá trình triển khai các hoạt động tầm soát cộng đồng.

Lí do chính là vì một số địa phương vẫn còn tâm lí trông chờ vào sự cấp phát của Bộ Y tế hoặc tài trợ của các doanh nghiệp.

Xét nghiệm covid - 19 cần lượng lớn sinh phẩm.
Xét nghiệm covid - 19 cần lượng lớn sinh phẩm.

Trong thời gian qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đã tài trợ hàng triệu hoá chất, sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR và hàng chục triệu kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Các sinh phẩm này đã được chuyển thẳng cho các địa phương hoặc tặng Bộ Y tế để phân phối cho các địa phương.

Tuy nhiên, dù đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt nhưng số lượng đó là chưa đủ so với đòi hỏi của thực tiễn, cần thiết phải có một lượng lớn sinh phẩm để không những sử dụng trong đợt cao điểm tầm soát hiện nay mà còn phục vụ cho mục đích dự phòng phát sinh trong các tình huống bất ngờ.

Để thực sự làm chủ được tình hình, rõ ràng các địa phương không thể thụ động, chỉ trông chờ vào nguồn tài trợ của doanh nghiệp.

Thay vì thế, mỗi địa phương cần tính toán nhu cầu, số lượng sinh phẩm xét nghiệm từ nay đến hết 2021 và chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm, phục vụ nhu cầu trước mắt và dự trữ cho các tình huống phát sinh trong dài hạn.

Tín hiệu đáng mừng là sau những chỉ đạo rốt ráo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các công điện khẩn của Bộ Y tế, một số địa phương đã bắt đầu có động thái chủ động hơn trong việc lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và tổ chức đấu thầu, mua sắm hoá chất, sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ công tác xét nghiệm.

Dù vậy, dư luận phản ánh vẫn còn tồn tại một số bất cập trong công tác mua sắm có ý nghĩa hết sức quan trọng này.

Đơn cử, giá thành mua sắm hoá chất, sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR và các kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên ở một số nơi vẫn còn cao, chưa thực hiện triệt để mục tiêu tiết kiệm nguồn lực chống dịch của nhà nước và xã hội.

Trong khi đó, nhờ sự tham gia theo mô hình xã hội hoá, phi lợi nhuận, thậm chí là trợ giá của một số doanh nghiệp lớn để hỗ trợ mục tiêu chống dịch của đất nước, hiện nay mặt bằng giá cả các sinh phẩm này hoàn toàn có thể được bình ổn, đẩy xuống thấp hơn rất nhiều so với thời gian trước đây.

Vấn đề là cần có sự giới thiệu, định hướng rõ ràng hơn từ các cơ quan có thẩm quyền để các địa phương tiếp cận được nguồn sinh phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý này nhằm tiết kiệm tối đa cho nguồn lực chống dịch.

Bên cạnh giá cả, chất lượng các sinh phẩm, hoá chất phục vụ công tác xét nghiệm cũng cần được hết sức chú trọng.

Do vô tình hay cố ý, một số địa phương đã phải trả mức giá cao nhưng chỉ nhận được các sinh phẩm có nguồn gốc lập lờ, chất lượng rất khiêm tốn.

Nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ quốc gia có nền sản xuất có tiếng là vay mượn, cóp nhặt, chất lượng kém hay các nước đang phát triển được đội lốt thương hiệu châu Âu để thâm nhập thị trường, do đó cần thận trọng trước các sản phẩm này.

Các kit xét nghiệm nhanh chất lượng thấp này cho độ nhạy và độ đặc hiệu rất kém, dẫn tới nhiều sai sót trong kết quả tầm soát, gây lãng phí cả thời gian, tiền bạc và cơ hội kiểm soát dịch bệnh.

Tương tự, một số sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR được sử dụng trong thời gian qua cho kết quả chưa ổn định, độ chính xác chưa cao, nhất là khi thực hiện xét nghiệm gộp mẫu, gây ra hiện tượng “dương tính giả” hoặc “âm tính giả”, rất rủi ro cho nỗ lực phòng chống dịch.

Để khắc phục vấn đề này, rất cần có vai trò định hướng của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng và quy định rõ ràng về tiêu chí, điều kiện để các địa phương căn cứ vào đó trong quá trình xây dựng hồ sơ mua sắm, mời thầu cung cấp sinh phẩm, hoá chất xét nghiệm COVID-19.

Vì xét nghiệm là khâu then chốt, cần được thực hiện nhanh, đảm bảo kết quả chính xác, nên các sinh phẩm xét nghiệm phải có chất lượng tốt nhất.

Nên ưu tiên cho các loại hoá chất, sinh phẩm, vật tư có nguồn gốc từ các nước phát triển, các nước G7 nếu giá thành hợp lý, không cao hơn so với mặt bằng thị trường hiện nay.

Cần tránh mua các sản phẩm giá rẻ nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu không cao, dễ dẫn tới sai sót trong kết quả xét nghiệm.

Đối với xét nghiệm RT-PCR, cần ưu tiên các sinh phẩm có ngưỡng giới hạn phát hiện tốt, điều kiện bảo quản thuận lợi (không cần âm sâu), thời hạn sử dụng lâu (từ 12 tháng trở lên), thời gian cho kết quả nhanh (dưới 1 tiếng), tương thích với nhiều loại máy móc, thiết bị sẵn có tại Việt Nam, và đặc biệt cần phát hiện được 2 tới 3 gen mục tiêu để làm tăng độ tin cậy của kết quả chẩn đoán, nhất là đối với các biến thể như Delta, Mu (nhiều sinh phẩm ở Việt Nam hiện nay chỉ phát hiện được 1 gen).

Có thể tin tưởng rằng, với sự hướng dẫn về chuyên môn sát sao hơn nữa của Bộ Y tế và phát huy vai trò trách nhiệm, tinh thần chủ động của các địa phương, việc lập kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cho các phương án xét nghiệm tầm soát, đặc biệt là công tác mua sắm, đấu thầu, dự trữ sẵn cơ số hoá chất và sinh phẩm xét nghiệm sẽ được thực hiện bài bản hơn, đáp ứng tốt các đòi hỏi của thực tiễn phòng chống dịch bệnh, đảm bảo yêu cầu cao nhất về chất lượng, giá cả và nguồn gốc của các sinh phẩm, góp phần mang lại thành công chung cho công cuộc kiểm soát dịch bệnh của cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.