Một mô hình đào tạo nghề nông hiệu quả

GD&TĐ - Đào tạo nâng cao năng lực và đào tạo nghề cho nông dân đã và đang được các cấp, các ngành, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) quan tâm. 

Một mô hình đào tạo nghề nông hiệu quả

Thời gian qua, đã có nhiều mô hình đào tạo nghề cho nông dân được tập trung xây dựng hiệu quả, trong đó đáng chú ý là mô hình “nông dân dạy nông dân”.

30 tỉnh đã áp dụng thành công

Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Hồng Lý cho biết: Một trong những mô hình được Hội NDVN và các đơn vị thực hiện khá thành công là mô hình “nông dân dạy nông dân”. Tính đến nay, có hơn 30 tỉnh đã áp dụng thành công mô hình này. Các ngành nghề đào tạo cho nông dân đang từng bước phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, từng sản phẩm, gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của thị trường trong nước và nước ngoài.

Các hình thức dạy nghề rất đa dạng, như: Dạy sơ cấp nghề, dạy nghề trung cấp, dạy nghề thường xuyên, lấy nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi dạy nghề, truyền nghề theo phương pháp cầm tay chỉ việc... Các cấp hội đã có nhiều chương trình, dự án triển khai các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo Hội ND tỉnh Tuyên Quang, triển khai mô hình “nông dân dạy nông dân”, hội đã tổ chức tập huấn cho các tiểu giáo viên về hình thức nông dân dạy nông dân cho 40 học viên là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có kinh nghiệm sản xuất tham gia tập huấn. Đến nay đã tổ chức giảng dạy được 68 lớp cho trên 2.000 hội viên, nông dân trên địa bàn về: Kỹ thuật chăm sóc cây chuối, sản xuất chế biến dong giềng, thu hái chế biến chè khô, làm chổi chít. Bà con nông dân đã áp dụng được kiến thức kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh của gia đình hiệu quả.

Là một “giảng viên” nông dân xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn), chị Lê Thị Lưu cho biết, để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, chị đã tham gia đầy đủ các khóa tập huấn kiến thức, kỹ năng và mạnh dạn áp dụng vào sản xuất của gia đình. Từ cuối năm 2012 đến nay, chị Lưu đã ký được 26 hợp đồng/71 lớp tập huấn/1.065 học viên. Giúp cho các học viên nắm bắt được cách làm, chị đã lưu những hình ảnh cụ thể của quá trình sản xuất làm tài liệu giảng dạy, đồng thời trao đổi ngay những thắc mắc khó khăn trong sản xuất…

Vẫn khó nhân rộng

Thực tế cho thấy, một số mô hình “nông dân dạy nông dân” đã được Hội ND và một số tổ chức thực hiện đã đạt được những thành công nhất định trong công tác dạy nghề, được đánh giá là mô hình hiệu quả trong đào tạo, chuyển giao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân, phát triển năng lực cho nông dân và đội ngũ giảng viên nông dân có kiến thức và kỹ năng thực tế cho tổ chức hội.

Ở một số tỉnh, Hội ND đã đào tạo được đội ngũ giảng viên nông dân có tay nghề và có chứng chỉ sư phạm, trực tiếp ký các hợp đồng đào tạo cho nông dân, đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, mô hình “nông dân dạy nông dân” hiện chưa được nhân rộng bởi, công tác đào tạo giảng viên là nông dân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu sự quan tâm, chỉ đạo và phối hợp giữa các ngành, các cấp. Các giảng viên nông dân dày dạn về kinh nghiệm nhưng lại không có bằng cấp chuyên môn, kỹ thuật.

Chính vì vậy, họ chỉ có thể làm tốt công tác giảng dạy ở địa phương mình, khi sang địa phương khác sẽ gặp khó khăn do không nhận được sự tin tưởng của người dân.

Theo các nhà khoa học, những mặt hạn chế của các lớp học theo mô hình “nông dân dạy nông dân” như thiếu kinh phí, thiết bị, công cụ hỗ trợ, khả năng thu thập tài liệu khoa học kỹ thuật phục vụ cho công tác giảng dạy hạn chế… cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển đội ngũ giảng viên nông dân. Với mục tiêu của 5 năm tới sẽ dạy nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn, việc phát triển đội ngũ giảng viên nông dân đang ngày càng trở nên cần thiết hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ