Mất lòng người tiêu dùng: “Tiên trách kỷ…”

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp Việt phải quay trở lại với người tiêu dùng trong nước bằng sự trung thực và chất lượng hàng hóa, dịch vụ, để có thể tự tin mời chào: Hãy mua đi, hãy dùng đi, hàng hóa của Việt Nam không kém gì của “thiên hạ”…

Một bộ phận doanh nghiệp Việt vẫn lợi dụng “lòng tốt” của người tiêu dùng trong nước để tiêu thụ hàng hóa (ảnh minh họa: Bắc Sơn)
Một bộ phận doanh nghiệp Việt vẫn lợi dụng “lòng tốt” của người tiêu dùng trong nước để tiêu thụ hàng hóa (ảnh minh họa: Bắc Sơn)

Để được lòng người mua

Ông Phạm Đức Bình (CEO Công ty Công nghệ BNC Việt Nam) trong một lần trao đổi về văn hóa doanh nghiệp, khẳng định: “Xây dựng một thương hiệu mạnh đem lại cho doanh nghiệp nhiều thứ, trong đó có những thứ không lượng hóa được như: Uy tín, quan hệ, sự nổi tiếng…”.

“Đừng nghĩ khi có tiền mới làm thương hiệu” là câu nói được nhiều doanh nhân biết đến. Tuy nhiên, theo ông Bình, hơn 80% doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam nghĩ rằng họ chưa có tiền nên chưa làm thương hiệu. “Đó là cách nghĩ chưa đúng, bởi họ hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hàng ngày, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm, về sự độc đáo trong văn hóa của họ với khách hàng và công chúng” - CEO này chia sẻ.

Ông Bình nhấn mạnh kinh nghiệm ứng xử với người tiêu dùng: “Thương hiệu (của sản phẩm, doanh nghiệp - PV) không chỉ đơn giản là cái tên hay logo, mà còn bao gồm cả cách làm ra sản phẩm, văn hóa ứng xử với khách hàng… Trong thời buổi thị trường thay đổi như vũ bão, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng có lúc bị coi nhẹ. Xây dựng thương hiệu bị coi nhẹ hoặc nhận thức sai lệch.

Việc chỉ chú trọng đến kết quả kinh doanh trước mắt mà không quan tâm đến hình ảnh, chính là vết đứt trong sự phát triển… Đến một lúc nào đó, lãnh đạo doanh nghiệp giật mình nhận ra sự chia rẽ, bè phái, hay tật xấu… thì đã không thể khắc phục”. Đến mức đó, theo ông Bình, buộc phải “giải phẫu” nếu không muốn thương hiệu và doanh nghiệp sụp đổ trong mắt người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cũng có phần trách nhiệm khi lựa chọn sản phẩm chất lượng kém (ảnh: Bắc Sơn)
  • Người tiêu dùng cũng có phần trách nhiệm khi lựa chọn sản phẩm chất lượng kém (ảnh: Bắc Sơn)

Khi nói về văn hóa, ứng xử của doanh nghiệp với người tiêu dùng (nhất là với một bộ phận doanh nghiệp làm ăn chộp giật, quảng cáo không đúng với chất lượng thật của hàng hóa, bị cơ quan chức năng cảnh báo và xử lý trong thời gian qua), Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: “Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Lỗi tại doanh nghiệp và cũng tại người tiêu dùng. Thêm nữa là sự coi thường thị trường trong nước của một bộ phận doanh nghiệp Việt, lợi dụng lòng tốt của người tiêu dùng trong nước, lợi dụng hô khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Để người tiêu dùng mua hàng không phải vì lòng thương, vì muốn giải cứu hàng Việt, giải cứu doanh nghiệp Việt, theo ông Dương Trung Quốc, đã đến lúc doanh nghiệp Việt phải quay trở lại với người tiêu dùng trong nước bằng sự trung thực và chất lượng hàng hóa, dịch vụ, để có thể tự tin mời người tiêu dùng: “Hãy mua đi, hãy dùng đi, hàng hóa của Việt Nam không kém gì của “thiên hạ” (hàng ngoại). Đã đến lúc doanh nghiệp phải tự tin quảng bá chất lượng hàng hóa của mình cho người tiêu dùng trong nước”.

Đầu tư mạnh vào đào tạo

Ông Johan Alvin (Trưởng ban Thương mại Đại sứ quán Thụy Điển) phân tích bài học từ thành công của các doanh nghiệp ở Thụy Điển: “Tại sao Thụy Điển sở hữu rất nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, những công ty đa quốc gia? Điều gì đứng sau thành quả đó? Chính là vấn đề cởi mở, công khai, minh bạch của doanh nghiệp. Đồng thời, các thương hiệu này gợi được tò mò, hứng thú cho người tiêu dùng, với những yếu tố mới mẻ trong sản phẩm, dịch vụ của họ”. Thêm nữa, ông Johan Alvin cho biết Thụy Điển đã đầu tư rất mạnh cho lĩnh vực đào tạo để đáp ứng mục đích sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Tất cả những thành công của doanh nghiệp Thụy Điển hiện nay đều bắt nguồn từ những “start-up”, thành công chủ yếu dựa trên những đổi mới và sáng tạo” - ông Johan Alvin nêu - “Đương nhiên, để có doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, chúng tôi đã phải tạo ra môi trường, cơ chế nuôi dưỡng các “start- up”, đó là môi trường giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có thể đưa ra ý tưởng hay, triển khai được vào thực tế kinh doanh và thu lợi nhuận chính đáng”.

Hàng giảm tới 70%, do ế hay do doanh nghiệp muốn “chiêu” khách? (ảnh: Bắc Sơn)
  • Hàng giảm tới 70%, do ế hay do doanh nghiệp muốn “chiêu” khách? (ảnh: Bắc Sơn)

Ông Johan Alvin nhấn mạnh, điều được Thụy Điển chú trọng là ngay từ trong các cơ sở đào tạo nhân lực (các trường ĐH) sinh viên đã được khích lệ sự tò mò, sáng tạo. Khi ra môi trường kinh doanh những doanh nhân lại tiếp tục được khơi gợi các yếu tố này.

“Chẳng hạn, khi đứng trước một quyết định cần xử lý thách thức hay tiếp cận cơ hội, doanh nghiệp ở Thụy Điển được “traning” (đào tạo) khả năng khích lệ từ mọi đối tượng trong doanh nghiệp, kể cả đối tác ngoài doanh nghiệp… có thể đưa ra những sáng kiến, ý tưởng để cùng nhau tìm ra giải pháp nào tốt nhất, phù hợp nhất” - ông Johan dẫn chứng - “Trong doanh nghiệp của Thụy Điển, chúng tôi làm việc theo nhóm rất nhiều, mặc dù rất tôn trọng tính cá nhân. Nhiều doanh nghiệp thành công đã kết hợp hài hòa được yếu tố cá nhân và làm việc nhóm”.

Theo ông Johan, một trong những điều giúp doanh nghiệp ở Thụy Điển thành công đó là người Thụy Điển tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa, suy nghĩ: “Chúng tôi cũng tôn trọng việc mọi người đón nhận và có quan điểm khác nhau khi nhìn nhận một sự việc, hay đánh giá một sản phẩm. Điều đó giúp doanh nghiệp đưa ra được cách thức mới, các cách thức khác nhau trong kinh doanh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ