Mạnh tay hơn với hành vi bơm nước vào gia súc, gia cầm

Thực phẩm không thể thiếu trong mọi gia đình thường sử dụng cho mỗi bữa ăn hàng ngày là thịt bò, thịt lợn, gà, vịt… 

Mạnh tay hơn với hành vi bơm nước vào gia súc, gia cầm

Tuy nhiên, những năm gần đây, các nhu yếu phẩm này đang bị nhiều cơ sở kinh doanh và giết mổ gia súc, gia cầm hám lợi bơm nước vào nhằm tăng trọng lượng kiếm thêm lợi nhuận bất chính. 

Chưa nói tới nguy cơ nước dùng để bơm có sạch hay không, việc làm này còn tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật cho người sử dụng…

Không “bơm” thì mất khách

Vụ việc lò mổ bò lớn nhất Quảng Nam bị phát giác bơm nước vào bò trước khi giết mổ khiến người tiêu dùng thêm một lần phải hoang mang lo ngại bởi đây không phải là lần đầu người bán vì tham lời mà bơm nước vào thịt. 

Được biết, mỗi tối, các lái bò ở thôn Tiệm Rượu, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam có thể lời 2-3 triệu đồng từ một con bò thịt bơm nước. Nếu bị phát hiện, chủ lò bị xử phạt còn các lái bò thì vẫn ung dung. 

Theo ghi nhận của các phóng viên, chủ lò cho biết lý do là thịt bò ở đây đều bơm nước để lợi nhuận cao, có thêm thu nhập, còn mổ theo cách thông thường, tiền thu về ít hơn. 

Mỗi con bò bơm nước vào sẽ tăng trọng lượng lên hơn chục ký, lãi được thêm khoảng hơn 2 triệu đồng/con bò, do đó, các lái bò cũng tích cực bơm nước vào những con bò giết mổ với lý do “giá bò hiện nhập vào cao, không bơm thì cân không được nhiều, lỗ ngay”.

Một chủ lò mổ tâm sự: “Ở đây, lò mổ nào cũng làm vậy, nếu không cho bơm nước thì ngày hôm sau lái bò sẽ không mang bò đến lò mổ mà chuyển sang lò khác ngay, làm ăn ngày càng khó, ai cũng làm nên mình cũng phải làm theo. Chỉ cần chú ý cảnh giác chút và quan hệ tốt với bên kiểm dịch thú y”.

Tại Hà Nội, dư luận từng xôn xao trước việc hàng loạt cửa hàng kinh doanh gà bị phanh phui hành vi bơm nước vào thịt nhằm tăng trọng lượng và làm cho da, bắp gà căng lên để bắt mắt người tiêu dùng. 

Ngày 27/12/2014, khi tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh gà tại lô 8, Lều 2, chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chủ cơ sở kinh doanh là anh Trần Đình Hòa, tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã bắt quả tang chủ cơ sở kinh doanh đang chỉ đạo nhân viên đóng dấu kiểm dịch giả trên từng con gà thịt để bán cho khách hàng. 

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện toàn bộ sản phẩm gà thịt, gà ác, đùi gà, chim bồ câu có tổng trọng lượng hơn 500kg không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và không có giấy kiểm dịch.

Rất hại và khó phân biệt

Trao đổi với PV báo SK&ĐS, anh Nguyễn Huy H. là một trong những chủ lò giết mổ lợn lớn nhất của Hà Nội tại Vạn Phúc, huyện Thanh Trì cho biết: Tình trạng thịt lợn, bò, gia cầm bị bơm nước là khá phổ biến, không phải bây giờ mới bị phát hiện. 

Tuy nhiên, việc làm này rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan Thú y, lực lượng QLTT, cơ quan ATTP và lực lượng cảnh sát môi trường. 

Nếu các cơ quan quản lý không dẹp nạn bơm nước vào gia súc, gia cầm thì không chỉ người nuôi, thương lái làm ăn đàng hoàng sẽ bị ảnh hưởng mà quyền lợi của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng. Anh H. cho biết thêm, thường một con lợn nếu được bơm nước sẽ khiến các lái buôn được lời khoảng 200.000 đồng/con.

Mặt khác, để nhận biết lợn nào là lợn bị bơm nước, người tiêu dùng bằng mắt thường cũng rất khó nhận biết. Theo chị Bùi Thúy L. - chủ ki-ốt bán thịt lợn tại chợ Thành Công chỉ cho chúng tôi cách phân biệt: So với lợn không bị bơm nước, thịt lợn bị bơm nước ướt hơn, sờ tay vào thịt có cảm giác ướt. 

Nếu bị bơm nhiều nước, thịt lợn từ màu đỏ tươi chuyển sang bạc màu hồng nhạt. Khi xào nấu, thịt lợn bị bơm nước sẽ chảy ra rất nhiều nước so với bình thường.

Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng phải tự trang bị cho mình kiến thức. Mặt khác, cơ quan quản lý cần tuyên truyền mạnh đối với các cơ sở, chủ lò mổ, các thương lái về đạo đức kinh doanh cùng việc áp dụng các biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa để dẹp sạch những ý đồ bất chính.

PGS.TS. Phạm Xuân Ðà – Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm VSATTP Quốc gia cho biết: Việc người tiêu dùng sử dụng thịt gia súc, gia cầm bị bơm nước về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì nếu việc bơm nước diễn ra ở các lò mổ, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, nguồn nước bẩn nếu có nhiễm vi sinh hoặc hóa chất, kim loại nặng sẽ thấm vào từng thớ thịt của gia súc, gia cầm. Vi khuẩn, vi sinh sẽ phát triển trong thịt và loại thịt này sẽ rất nhanh bị hư hỏng.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ