Lo giá leo thang theo... giá xăng

GD&TĐ - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Theo đó, kể từ 1/1/2019 thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng/lít. Nhiều người dân lo ngại, việc tăng thuế bảo vệ môi trường không những làm tăng giá xăng, dầu mà còn khiến giá cả nhiều hàng hóa sẽ “té nước theo xăng”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của nhiều người...

Không ít người lo ngại giá xăng tăng nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng sẽ tăng theo
Không ít người lo ngại giá xăng tăng nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng sẽ tăng theo

Tăng vì xăng trong nước vẫn thấp

Chỉ còn 3 tháng nữa (1/1/2019) mức thuế bảo vệ môi trường mới với xăng, dầu sẽ chính thức được áp dụng, khi đó chắc chắn giá xăng sẽ tăng tương đương. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ tăng 1.000 đồng/lít - lên kịch khung là 4.000 đồng; dầu hỏa sẽ tăng 1.000 đồng/lít (cao hơn 700 đồng/lít so với hiện tại); dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít.

Một số loại dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu madut cũng tăng thêm 2.000 đồng/lít (hiện đang là 900 đồng/lít). Mặt khác, tuy tăng thuế môi trường đối với xăng tăng lên 4.000 đồng/lít thì tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của xăng ở Việt Nam mới chỉ khoảng 39% - vẫn thấp hơn tỷ lệ thuế trên giá xăng của một số nước trong khu vực như: Lào là 56,5%; Campuchia 49%, Trung Quốc 52%...

Ngoài ra, lý giải về vấn đề cần thiết phải tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, hiện giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với cá nước có chung đường biên giới (Lào, Campuchia, Trung Quốc) và nhiều nước trong khối ASEAN và châu Á (Singapore, Philippines và Hồng Kông).

Một lý do khác cũng được nêu trong tờ trình đó là, thuế nhập khẩu xăng dầu theo các Hiệp định Thương mại tự do đã về mức thấp (xăng về 10% nếu nhập từ Hàn Quốc, 0% đối với dầu diesel nhập từ các nước ASEAN), khiến ngân sách thất thu (năm 2018 giảm khoảng 42,7 nghìn tỷ đồng so với năm 2015). Hơn thế, số thu thuế từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu vẫn sẽ tiếp tục giảm cho đến khi thuế nhập khẩu về 0% (theo Hiệp định trong ASEAN, mức thuế đối với mặt hàng xăng về 0% vào năm 2024), nên cần phải tăng thuế bảo vệ môi trường để bù đắp lại…

Giá hàng hóa có “té nước theo xăng”?

Đánh giá về tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó chánh Văn phòng Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho rằng, khi Nghị quyết về biểu thuế chính thức có hiệu lực có thể sẽ khiến phí vận tải, cũng như nhiều loại hàng hóa tăng theo, khi đó người dân sẽ chịu thiệt thòi đầu tiên.

 Anh Nguyễn Việt Anh - Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Bắc Nam nhận định, khi tăng thuế bảo vệ môi trường tăng lên đầu xăng dầu, chắc chắn giá cước của dịch vụ vận chuyển hàng hóa sẽ tăng theo. Vì trước mắt, giá xăng tăng làm cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa phải chịu lãi ít đi, thu nhập giảm. Đến một lúc nào đó, họ sẽ điều chỉnh bằng cách tăng giá cước vận chuyển.

Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng khẳng định: “Việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu không chỉ ảnh hưởng đến ngành vận tải mà nó còn ảnh hưởng đến giá thành của toàn bộ hàng hóa trên cả nước. Riêng đối với vận tải, giá thành đầu vào của ngành vận tải tăng lên. Tất nhiên, chỉ tăng 1.000 đồng/lít, chia đều ra không đáng bao nhiêu nhưng gộp lại sẽ tăng chi phí. Tạm thời chưa thể khẳng định giá cước vận tải sẽ tăng lên bao nhiêu phần trăm, nhưng chắc chắn sẽ tăng cao hơn. Cuối cùng, phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn sẽ là người dân”.

Không chỉ đối với lĩnh vực vận tải, lĩnh vực vận chuyển hàng hóa cũng chịu tác động không nhỏ. Anh Nguyễn Việt Anh - Chủ nhiệm hợp tác xã vận tải Bắc Nam nhận định, khi tăng thuế bảo vệ môi trường tăng lên đầu xăng dầu, chắc chắn giá cước của dịch vụ vận chuyển hàng hóa sẽ tăng theo. Vì trước mắt, giá xăng tăng làm cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa phải chịu lãi ít đi, thu nhập giảm. Đến một lúc nào đó, họ sẽ điều chỉnh bằng cách tăng giá cước vận chuyển.

Việc tăng thuế môi trường lên xăng dầu ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, sau đó sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa. Rõ ràng người dân, người tiêu dùng chính là người chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Chị Tống Thị Bích Ngọc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Mỗi ngày tôi phải đi xe máy đến Thanh Trì làm việc. Với số lương vỏn vẹn gần 10 triệu đồng/tháng, có nghĩa mỗi tháng tôi phải chi từ 700.000 đồng tới 800.000 đồng cho xăng xe, khi giá xăng tăng cũng là lúc tôi phải cân đối lại chi tiêu trong gia đình”.

Đối với các hộ buôn bán phải vận chuyển hàng hóa cũng gặp phải không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, tại một số chợ bán lẻ, nhiều loại hàng hóa đã có dấu hiệu tăng giá. Chị Nguyễn Thị Hương (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bán mặt hàng hải sản ở chợ Thành Công, mỗi ngày đều phải ra chợ đầu mối lấy hàng. Ngày nào bán chạy, tôi phải đi một số địa điểm khác để gom hàng. Nếu giá xăng tăng, chi phí tôi bỏ ra lớn hơn thì chắc chắn mặt hàng tôi bán cũng phải tăng giá theo để đảm bảo lợi nhuận. Không chỉ có mặt hàng tôi bán, mà chắc chắn các mặt hàng thiết yếu khác như cân thịt, mớ rau, quả trứng... cũng sẽ tăng giá theo”.

Có thể nói, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến hàng loạt ngành hàng khác. Cuối cùng, giá cả hàng hóa tăng lên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân là không thể tránh khỏi.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ