Lãng phí con đường ngàn tỷ ở Lai Châu

 Đường thừa, phà vắng cho nên sau khi đầu tư dự án, mỗi năm nhà nước lại tiếp tục phải bỏ ra hàng tỷ đồng để duy tu đường và bù lỗ vận hành phà.

Tỉnh lộ 134 có tổng vốn đầu tư "khủng" tại tỉnh nghèo Lai Châu.
Tỉnh lộ 134 có tổng vốn đầu tư "khủng" tại tỉnh nghèo Lai Châu.

Được đầu tư xây dựng với số tiền lên đến 990 tỷ đồng, song sau gần 4 năm bàn giao đưa vào sử dụng, “vắng vẻ đìu hiu” là những gì đang diễn ra trên tuyến 107- dự án đường giao thông liên vùng nối tỉnh Lai Châu với Sơn La.

Con đường đi qua những địa bàn không có dân sinh sống, không bản, không xã, song song với nó đã có đường 133 nối từ xã Thân Thuộc đi vùng thấp của tỉnh Lai Châu và một đoạn nối sang Sơn La được xem là lý do quan trọng nhất dẫn đến việc tuyến 107 - là con đường đầu tư thừa. Đây là con đường "chết", đìu hiu không người đi lại gây lãng phí nhất tại Lai Châu đến thời điểm hiện nay. 

Dự án tỉnh lộ 107 – nay là 134 từ đỉnh đèo Khau Riềng, xã Pắc Ta đến bản Pá Ngừa, xã Tà Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu có tổng chiều dài 41km, với tổng mức phê duyệt ban đầu là 839 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên 990 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Nhà nước và nguồn trái phiếu Chính phủ.

lang phi con duong ngan ty o lai chau hinh 1

Theo Quyết định 1165, ngày 16/9/2010 về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Đường giao thông liên vùng - đường tỉnh lộ 107 đoạn Pá Ngừa- Khau Giềng thuộc huyện Tân Uyên do nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Thành ký, dự án được thi công từ năm 2010 - 2012, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi. Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án bồi thường di dân tái định cư tỉnh Lai Châu, sau đó chuyển sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh.

Mục tiêu được thuyết minh trong dự án là nối liền đường 107 của tỉnh Sơn La với Quốc lộ 32, tỉnh Lai Châu, rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm hai tỉnh; phục vụ cho công tác di dân tái định cư thủy điện Bản Chát, Huổi Quảng, thúc đẩy kinh tế - xã hội trong vùng phát triển.

Anh Lò Văn Hoan, nhà ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết, tuy qua tuyến đường 134 có ngắn hơn so với tuyến quốc lộ 279 từ Than Uyên về Sơn La, nhưng lại chậm hơn do phải chờ phà và đường đi cũng xấu hơn. Thỉnh thoảng vào mùa khô mới qua đây, còn chủ yếu anh đi thẳng trên Quốc lộ 32 về Than Uyên rồi rẽ về Quỳnh Nhai theo Quốc lộ 279.

“Mỗi lần tôi đi qua đường này thì chỉ có 5- 6 người, có lúc chỉ có 2 - 3 xe máy. Rất ít người qua lại đường này vì đường cũng khó đi”, anh Hoan chia sẻ.

Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, tuyến đường này được đánh giá là con đường tỉnh lộ vắng vẻ nhất Lai Châu, không có xe khách chạy qua, chỉ có khoảng 15-20 lượt người và xe máy qua lại mỗi ngày, ô tô nhỏ cũng gần như không có, vào ngày mưa lũ không ai dám qua vì lo sạt lở, tắc đường. Hai bên đường không có dân ở, một bên là núi, một bên là vực.

Theo ông Sìn Văn Nghìn, người dân làm ăn tại bến phà Khau Giường, từ cầu cứng vào bến phà không có bản nào, chỉ có một số dân của bản Là Sẳng, xã Trung Đồng, một số dân của xã Pắc Ta đến tạm trú để nuôi gia súc, nhưng năm nay cũng đã chuyển đi gần hết.

“Phà này mỗi ngày chỉ có vài cái xe máy qua, có ngày không có xe nào. Không có xe có người nhưng phà vẫn phải chạy, người đi xe máy thường đi đường khác”, ông Nghìn cho hay.

Đặc biệt, lượng khách qua phà Khau Giường - một trong những hạng mục của dự án gần nghìn tỷ này, mỗi chuyến chỉ có 5 - 6 người, không có hàng hóa, nhiều chuyến phà không có ai qua.

Anh Vũ Hoàng Tinh, nhân viên lái phà cho biết, mỗi ngày phà chạy 8 chuyến nhưng không có nhiều khách và lượng khách không tăng lên. "Phà có 2 thợ lái chính, còn 6 người làm vệ sinh phà và bán vé. Lương công nhân người thấp khoảng 4,5 triệu đồng, người cao là 9 triệu đồng/tháng", anh Tinh cho biết.

Sau 8 tháng đi vào vận hành (từ tháng 3 năm nay), phà Khau Giường thu được hơn 20 triệu đồng. Tính ra trung bình mỗi tháng thu được 2,5 triệu đồng, mỗi ngày thu được 83.000 đồng, tương đương với khoảng 15-20 lượt người và xe máy qua lại/ngày. Trong khi đó, theo kết quả thẩm định dự toán thu của ngành chức năng là thu 375 triệu đồng/năm, kinh phí đề nghị cấp bù hơn 1 tỷ đồng.

lang phi con duong ngan ty o lai chau hinh 2
Lượng người, phương tiện qua phà Khau Giường chuyến có chuyến không.

Ông Mai Khắc Phượng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết, để quản lý, vận hành tuyến đường này, mỗi năm nhà nước phải bỏ ra gần 2 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng. Ngoài ra, dự toán chi phí vận hành mỗi năm cho công tác quản lý, vận hành và khai thác phà mất gần 1,5 tỷ đồng, riêng trả lương cho 8 công nhân và lái phà hàng tháng khoảng 50 triệu đồng.

“Nếu cân đối được phần thu và phần chi ở phà này và kinh phí không phải cấp bù thì việc vận hành đơn giản, nhưng cái khó nhất là hiện nay lượng phương tiện qua lại trên tuyến này rất hạn chế. Khi xây dựng tuyến đường này buộc phà phải hoạt động, như thế người dân mới lựa chọn phương án để đi lại thuận tiện nhất”, ông Phượng nói.

Đường thừa, phà vắng cho nên sau khi đầu tư dự án, mỗi năm nhà nước lại tiếp tục phải bỏ ra hàng tỷ đồng để duy tu đường và bù lỗ vận hành phà đã cho thấy lãng phí chồng thêm lãng phí!

Giải thích cho tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả của dự án này, một lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho rằng đây là hậu quả do lịch sử lãnh đạo trước để lại? Có lẽ đây là lý do khó có thể chấp nhận, bởi nếu không xem xét thấu đáo trách nhiệm, ai dám chắc việc lãng phí không tiếp tục xảy ra ở tỉnh nghèo mới chia tách này? 

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.