Lặng dần tiếng trống, nhịp chiêng…

GD&TĐ - Trong các văn hóa lễ hội của dân tộc Cơ Tu (ở tỉnh Quảng Nam), tiếng trống chiêng không thể thiếu; nó là phần khai hội và kết hội quan trọng của lễ nghi. 

Lặng dần tiếng trống, nhịp chiêng…

Hiện nay, số người biết sử dụng trống chiêng, nhất là chiêng, thanh la (Cơ Bhoor) còn rất ít, đặc biệt trong thế hệ tuổi trẻ. Chưa kể thực trạng nhiều đội trống chiêng nhí dù có thành lập nhưng dụng cụ như trống, chiêng, thanh la lại thiếu nhiều, một phần do không có kinh phí đầu tư, nên khi biểu diễn phải lấy vật dụng xoong nồi để “minh họa”…

Nguy cơ lặng dần nhịp chiêng

Theo tìm hiểu, mỗi khi làng có hội, đồng bào Cơ Tu phân công người đánh trống, đánh chiêng để các mẹ già, chị em múa da dá, những chàng trai còn lại tham gia múa điệu tân tung quay quanh cột X’nur. Nhịp trống chiêng có nhiều điệu, trong đó có nhịp điệu tân tung - da dá, pr’lư, tr’ghếch…

Trước đây, theo quan niệm chung của cộng đồng làng, trống chiêng là báu vật của làng được cất giữ tại gươl (nhà rông), nghiêm cấm tuyệt đối mọi người đánh trống, gõ chiêng khi không có hội làng. Ai đã phạm lệ làng thì tự giác mang heo nhà vào gươl tạ lỗi (tục này hiện nay ở một vài nơi vẫn còn duy trì, chủ yếu những làng ở xa, sống nơi hẻo lánh).

Những người trẻ tuổi thì tuyệt đối không được sờ mó đến “báu vật” của làng, vì dễ bị thần linh quở mắng, gây ngứa ngáy toàn thân, người Cơ Tu gọi là Dang tắ. Bởi vậy, việc trực tiếp được đánh trống, gõ chiêng chỉ dành cho người lớn tuổi, có kinh nghiệm, biết vận dụng hài hòa nhịp điệu giữa trống và chiêng để có tiết tấu sôi nổi, du dương, trầm hùng, vang vọng khắp núi rừng.

Ngày nay, tiếng trống nhịp chiêng vẫn được đồng bào Cơ Tu, duy trì trong các lễ hội của làng, hộ gia đình, chủ yếu tại lễ đâm trâu cúng đất làng, cưới hỏi, thăm thân. Tiếng trống nhịp chiêng vẫn thế, không thay đổi, nhưng người đánh trống, gõ chiêng không như những người xưa kia mang đậm âm vọng của núi rừng, sánh bằng thôn này bản kia, mà đã mất đi một thế hệ gạo cội vốn am hiểu tường tận nhịp điệu trống chiêng của dân tộc Cơ Tu.

Trong một lần dự lễ mừng gươl mới ở một thôn của huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam), cả một dàn đội trống chiêng không phải là thanh niên của làng, chỉ có múa tân tung - da dá là người bản địa.

Chúng tôi đem thắc mắc này trao đổi với trưởng thôn, vị trưởng thôn này cho biết, thế hệ trẻ bây giờ không ai biết đánh trống chiêng nên phải nhờ thanh niên làng bên cạnh qua đánh giúp. Một phần do trống chiêng trong làng không ai có, phải đi mượn, người lớn cũng không ai chịu khó làm trống, chỉnh chiêng như trước đây để truyền dạy cho thế hệ trẻ sau này.

Trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook lan truyền video quay cảnh đồng bào Cơ Tu ở một huyện miền núi của Quảng Nam tổ chức múa tân tung - da dá. Theo dõi đoạn video không ít người bình luận, chê trách khi tiếng trống chiêng được thay bằng thùng đựng sơn, thau nhôm, nồi nấu cơm.

Đoạn video nói rõ thực trạng hiện nay tại các thôn của đồng bào Cơ Tu đang thiếu nhạc cụ trống, chiêng, thanh la. Đồng bào dường như không ai còn mặn mà với loại hình sinh hoạt cộng đồng này, bởi khi cái trống, cái chiêng không còn tồn tại thì đồng nghĩa điệu múa tân tung - da dá, vốn được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cũng sẽ lịm tắt dần.

Cần giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng

Trước thực trạng trên, các cấp chính quyền huyện và xã ở các huyện miền núi có đồng bào Cơ Tu sinh sống cũng đã ra sức giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng nhưng chỉ dừng lại tại các cuộc họp, văn bản chỉ đạo chung chung, thậm chí trong chiến lược phát triển chung của xã hội ít được ưu tiên chú trọng lĩnh vực văn hóa, trong đó có văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ở huyện biên giới Tây Giang, một số trường học đã thành lập đội trống chiêng do các em học sinh tập luyện, biểu diễn nhưng chưa có ai đứng ra hướng dẫn, truyền dạy thường xuyên nên việc tập luyện cũng rời rạc, lúc có lúc không.

Trên địa bàn xã Lăng (huyện Tây Giang), thôn Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) cũng được thành lập đội múa trống chiêng nhí, trực tiếp tham gia biểu diễn tại các lễ hội của xã và huyện, thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ.

Miền núi mùa này đang mùa thăm thân (r’dáo), tiếng trống chiêng luôn rộn ràng mừng đãi khách thăm nhà, đó là những âm thanh được phát ra từ bàn tay cằn cỗi, năm tháng của các cụ già lớn tuổi. Còn đám thanh niên trai làng thì chúc tụng nhau bằng rượu, bỏ quên cái du dương, bay bổng, rộn rã của nhịp trống chiêng hội làng.

Trước nguy cơ mai một dần tiếng trống, nhịp chiêng, chính quyền địa phương các cấp cần có cái nhìn sâu hơn trong chuỗi phát triển xã hội hiện nay về lĩnh vực văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể, cái không thể để mất đi mà “lượm” vẫn kịp.

Trong di sản múa tân tung - da dá, nếu không có cách tiếp cận và định hình dòng chảy phát triển chung như lúc này, thì chắc chắn rằng cái trống, cái chiêng cũng sẽ bị thay thế bằng những thau nhôm, thùng sơn vứt bỏ, để rồi thế hệ trẻ cũng chẳng có cơ hội sờ mó dụng cụ trống chiêng trên gươl làng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…