Lạm thu đầu năm ở Thanh Hóa: Nhiều khoản đã cấm, vẫn phải nộp

GD&TĐ - Nhiều khoản đã bị ngành Giáo dục nghiêm cấm các trường học thu. Tuy nhiên năm nay, tình trạng lạm thu vẫn diễn ra khá phức tạp ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trường Mầm non Minh Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Trường Mầm non Minh Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Phụ huynh tố lạm thu, trường khẳng định làm đúng

Một số phụ huynh ở Trường Mầm non Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) phản ánh, các khoản thu tại đây cao hơn trường khác.

Tổng các khoản đóng góp của mỗi trẻ đang theo học là hơn 3.200.000 đồng. Trong đó, các khoản như xã hội hóa, quỹ phụ huynh, quỹ lớp, hỗ trợ cô nuôi... Một số phụ huynh đã làm đơn kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng về vấn đề nêu trên. 

Báo GD&TĐ đã làm việc với bà Nguyễn Thị Tuyết – Hiệu trưởng Trường Mầm non Minh Lộc. Bà Tuyết cho biết, có 872 trẻ/31 nhóm lớp và nhà trường đang chuẩn bị đón bằng công nhận chuẩn quốc gia.

Liên quan đến các khoản đóng góp đầu năm học, bà Tuyết phủ nhận những gì phụ huynh phản ánh. Bà cho rằng, “phản ánh của phụ huynh là không đúng”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị bà Tuyết chứng minh cụ thể, thì bà nói là không nhớ, không biết và kế toán đi vắng... Theo bà Tuyết, ngoài các khoản đóng góp theo luật, thì các khoản khác đều theo sự thỏa thuận của phụ huynh. 

Bà Chung Thị Đài – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hậu Lộc cho biết, theo báo cáo của Trường Mầm non Minh Lộc, năm nay trường này thực hiện thu các khoản đầu năm đúng và đủ. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin phản ánh trái ngược với nhà trường báo cáo, Phòng GD&ĐT sẽ cho người xuống kiểm tra, xác minh cụ thể.

“Chúng tôi sẽ về trường kiểm tra cụ thể, nếu phát hiện Trường Mầm non Minh Lộc thu sai quy định, sẽ báo cáo Chủ tịch UBND huyện, để chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định”, bà Đài nói.

Còn tại Trường Tiểu học và THCS Xuân Lộc, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), phụ huynh cũng phản ánh về các khoản đóng góp đầu năm học là quá cao. Theo phản ánh của phụ huynh, đầu năm học này, nhà trường đưa ra thông báo, sẽ thu mỗi học sinh hơn 3 triệu đồng.

Trong đó, khoản xã hội hóa, nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp ở 3 mức. Đó là huy động phụ huynh học sinh lớp 1 đóng góp tối thiểu 350.000 đồng/em. Đối với học sinh khối lớp 2 - 8, mỗi em đóng tối thiểu 320.000 đồng. Học sinh lớp 9, mỗi phụ huynh học sinh đóng góp tối thiểu 300.000 đồng.

Riêng khoản xã hội hóa, nhà trường đưa ra tổng mức huy động hơn 123 triệu đồng. Ngoài ra, nhà trường cũng lập kế hoạch thu các khoản như tiền gửi xe đạp, vệ sinh khuôn viên, quỹ cha mẹ học sinh, khen thưởng học sinh, thi học sinh giỏi, làm vệ sinh lớp học hàng ngày (bậc tiểu học), máy vi tính, tivi lớp học, tiền cước Internet...

Bà Lê Thị Chiến, Hiệu trưởng cho biết, trường xây dựng kế hoạch các khoản thu đầu năm học đã được UBND xã đồng ý. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đến ngày 28/9 vừa qua, mặc dù Phòng GD&ĐT huyện Triệu Sơn chưa duyệt kế hoạch thu của nhà trường, nhưng đã có giáo viên thu tiền của phụ huynh.

Trường Tiểu học và THCS Xuân Lộc (Triệu Sơn, Thanh Hóa).
Trường Tiểu học và THCS Xuân Lộc (Triệu Sơn, Thanh Hóa).

Nhiều khoản cấm, nhưng...

Ở Trường THCS Thọ Dân (Triệu Sơn), theo phản ánh của nhiều phụ huynh khối lớp 9, mức thu mà giáo viên chủ nhiệm thông báo, lên tới hơn 5,4 triệu đồng/học sinh. Trong đó, tiền quỹ lớp là 800.000 đồng, tiền học thêm 2.550.000 đồng, quỹ phụ huynh, tiền xã hội hóa... với tổng số tiền 5.470.000 đồng. Có phụ huynh cho biết, cấp trên đã ban hành văn bản nghiêm cấm các trường lạm thu, nhưng cuối cùng nhà trường vẫn thu rất cao. Đề nghị cấp trên vào cuộc xác minh, chấn chỉnh.

Ông Lê Văn Hùng – Hiệu trưởng cho hay, năm nay, nhà trường chỉ thu các khoản theo đúng quy định. Hiệu trưởng nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp giám sát việc thu tiền quỹ lớp, ở mức từ 300.000 đồng/học sinh trở xuống. Còn vấn đề kêu gọi xã hội hóa, nhà trường chỉ xây dựng kế hoạch kêu gọi tự nguyện với tổng số tiền gần 132 triệu đồng. 

“Trên thực tế, nhà trường xây dựng kế hoạch các khoản đóng góp đầu năm học như quy định cấp trên ban hành. Nếu khối lớp 9, mà phải đóng góp hơn 5,4 triệu đồng/em như phụ huynh phản ánh, thì chúng tôi sẽ kiểm tra lại, để chấn chỉnh”, ông Hùng nói.  

Trước đó, khi chuẩn bị vào năm học mới, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ban hành văn bản hướng dẫn các trường học và nghiêm cấm các cơ sở giáo dục thu tiền. Đó là các khoản tiền bảo vệ cơ sở vật chất và an ninh trường học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Cấm thu tiền mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cấm thu tiền hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. 

Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng yêu cầu các nhà trường không thu đóng góp của phụ huynh để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách Nhà nước đã bố trí theo quy định. Như các khoản chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, bảo vệ trường, nước sinh hoạt, hoạt động tập thể, thi đua khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Không được thu tiền vệ sinh trường, lớp và các công trình vệ sinh. Các trường phải tổ chức cho học sinh lao động để rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ cơ sở vật chất trường, lớp...

Việc dạy tiếng Anh (từ lớp 3 - 9), thực hiện nghiêm chương trình của Bộ GD&ĐT, không tổ chức thu tiền của học sinh. Việc tổ chức dạy thí điểm, làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non 5 - 6 tuổi không mở rộng thêm số trường đang thực hiện thí điểm, chờ chương trình và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Học sinh có nhu cầu, đăng ký học tại các trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động. Đối với các lớp tiểu học đã tổ chức học 2 buổi/ngày (không vượt quá 7 tiết/ngày), các nhà trường không được tổ chức dạy thêm vào tiết thứ 8 trong ngày theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố thẩm định dự toán tất cả các khoản thu, chi ngoài ngân sách của các trường học trước khi thực hiện. Tăng cường kiểm tra, rà soát các khoản thu.

Có biện pháp xử lý đối với người đứng đầu để xảy ra lạm thu và phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên… Địa phương nào để xảy ra tình trạng lạm thu thì Trưởng phòng GD&ĐT phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thị xã, thành phố và Sở GD&ĐT.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở Thanh Hóa, vẫn có nhiều trường học thực hiện chưa nghiêm túc. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh vấn đề lạm thu đầu năm học mới này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh giả mạo salon ô tô trên Facebook để lừa đảo.

Lập salon ô tô 'ma' để lừa đảo

GD&TĐ - Hoàng Văn Cương và Nguyễn Anh Văn tạo dựng salon ô tô 'ma', sau đó đăng thông tin giả bán xe để chiếm đoạt tiền đặt cọc.