Làm sao bảo đảm hiệu quả thực thi bình đẳng giới?

GD&TĐ - Sau 10 năm thi hành, Luật Bình đẳng giới đã được các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương tổ chức triển khai hiệu quả, góp phần thực thi quyền công dân và bảo đảm an sinh xã hội,…

Tỷ lệ lao động nữ khá cân bằng và ổn định so với nam giới.
Tỷ lệ lao động nữ khá cân bằng và ổn định so với nam giới.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, qua 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới (BĐG), tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên BCH TW Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Nhiệm kỳ 2016 – 2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND đều tăng so với nhiệm kỳ 2007 – 2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của Châu Á. Tính đến 2017 có 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt.

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ này được cho là vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, và vẫn còn nhiều rào cản để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực này. Khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu đang tạo ra rào cản trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ, công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ.

Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 tới năm 2017 đạt 27,8% (trong đó tại thành thị là 33,2% và tại nông thôn là 20,1%), cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó nữ từ khoảng 48%.

Trong lĩnh vực gia đình, các quy định về BĐG đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Định kiến về vai trò của nam và nữ trong gia đình và xã hội tạo gánh nặng cho cả phụ nữ và nam giới. Tâm lý ưa thích con trai dẫn đến tình trạng gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính, tình trạng nạo phá thai lựa chọn giới tính.

Quá trình triển khai thi hành Luật BĐG vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Các quy định trong Luật BĐG còn chung chung, mang tính định hướng, khó triển khai trong thực tiễn, có quy định đến nay vẫn chưa thể hướng dẫn thi hành. Chưa có sự thống nhất giữa Luật BĐG và các luật chuyên ngành;…

Để thực thi Luật BĐG hiệu quả hơn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG của các cấp, các ngành và ngay chính với bản thân người phụ nữ, nam giới là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất cho sự thành công. Thực hiện lồng ghép giới vào các hoạt động, chương trình, dự án, đề án của ngành, đơn vị, địa phương. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống chính sách và triển khai cung cấp các dịch vụ công về BĐG trên phạm vi toàn quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ