Ký ức một thời của một nữ cựu chiến binh - Kỳ cuối: Chuyện tình yêu của lính

GD&TĐ - Đối với người lính, tình yêu có rất nhiều loại và nhiều cung bậc. Nhưng cao quý hơn hết là tình yêu quê hương đất nước, yêu tổ quốc, tình yêu gia đình, đồng chí đồng đội. Và tình yêu đôi lứa của người lính những năm tháng đó vì thế cũng trở nên vô cùng đặc biệt.

Cựu nữ quân nhân Lê Thị Mộng Phượng và chồng thời sinh viên 1982 khi du học ở Bungaria
Cựu nữ quân nhân Lê Thị Mộng Phượng và chồng thời sinh viên 1982 khi du học ở Bungaria

Kỳ nghỉ phép đặc biệt và tin vui "bất thình lình"

Tháng 12 năm 1973, tôi chuyển về đóng quân ở thị trấn Tà Cơn, tỉnh Quảng Trị. Được đơn vị cho nghỉ phép về thăm gia đình sau hơn 3 năm nhập ngũ với cái ba lô và vài bộ quần áo lên đường đi bộ từ Quảng Trị về quê hương Hà Tĩnh.

Có lẽ vì thân gái dặm đường, cho nên may mắn được đồng chí lái xe chở gạo cho đi nhờ một chặng đường dài. Sau hai ngày đường, tôi cũng về đến nhà với niềm vui khôn tả. Chạy thật nhanh về nhà, nhưng không thấy có ai, gọi to lên thì được hàng xóm cho biết bố mẹ đang đi làm ngoài ruộng chưa về.

Thế là rời ngay ba lô, đặt đòn gánh vào vai ra đồng làm cùng bố mẹ đến mãi trưa mới về nhà nghỉ. Chiều lại tiếp tục công việc thu hoạch lúa cho đến tối mịt mới được ăn cơm tối. Vừa ăn cơm xong mẹ bảo “lần này về mi lấy chồng đi chứ, đã 21 tuổi rồi còn gì, không lấy chồng thì ế đấy con à”.

Nghe mẹ nói, tôi thấy buồn cười, suốt mấy năm đi lính có biết yêu là gì đâu mà giờ về nhà mẹ lại bảo lấy chồng, tôi nhỏ nhẹ nói “Con làm gì có ai mà lấy”. Mẹ tôi đứng dậy nhìn tôi như người từ nơi hành tinh khác đến: “Tao cho mi nói lại, mi nói là chưa có ai thế cái anh người xã TK ấy là sao với mi. Tại sao năm ngoái họ lại mang lễ đến nhà ta để ăn hỏi mi”.

Nghe đến đây mới thấy ngạc nhiên, và không biết chuyện gì đã xảy ra. Mẹ mới bắt đầu kể lể: “rằng họ đã mang cả thủ lợn, gà, cau trầu kẹo bánh đến ăn hỏi rồi đó, và họ nói là mi đã nhận lời yêu anh T. gì đó...".

Thực sự cái anh T. này thì tôi có biết, lúc đó anh là Trung đội trưởng trung đội thông tin. Mấy lần anh đi lên trung đoàn họp, tình cờ gặp tôi đang ngồi vắt vẻo trên nóc nhà, đang lợp lại mái nhà gần Hội trường trung đoàn bộ. Anh hơn tôi 3 tuổi, da ngăm ngăm đen, hiền lành mỗi lần gặp là “cà cuống”cả lên chẳng bao giờ nói được một câu cho ra đầu ra đuôi....mặt đã đỏ ửng lên....và tôi thề là chưa bao giờ anh ta nói là YÊU tôi....thế mà lại bảo với gia đình đi ăn hỏi mới lạ...Phần vì tò mò, phần vì cũng muốn xem thực hư thế nào... tôi rủ ông anh trai đi đến nhà "tay ấy".

Vừa đến nơi, mới chào hỏi vài câu...(tôi vẫn mặc quân phục bộ đội) thì cả họ nhà anh đến và vây chặt lấy tôi. Một ông trạc tuổi chú tôi xông ra bắt tay tôi lắc lắc và nhìn chằm chằm vào tôi và nói: "Ồ o đã về, cả nhà thấy chưa, nhà ta đi trước một bước là rất đúng... Bây giờ thì ván đã đóng thuyền rồi còn sợ gì nữa". Quả thực lúc đó tôi chẳng biết gì cả.

Một bà khác chạy lại gần, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi phán như đinh đóng cột: "Cài ngữ này...thì ngày phải cày được 3 sào ruộng chứ chẳng chơi...". Ôi họ đang đánh giá tôi chẳng khác gì họ mua một con bò, một con trâu để về cày ruộng. Đang vừa xấu hổ vừa ngại ngùng thì ông anh tôi tự nhiên tức cảnh làm mấy vần thơ và đọc lên luôn khiến cả nhà anh T thích thú quây lại bên anh tôi, thế là tôi thoát nạn.

Gia đình anh T giết gà khoản đãi. Ăn cơm xong, tôi ra về với những lời dặn dò của "bố mẹ chồng tương lai" bất đắc dĩ.

Một ngày sau, cả họ nhà anh ấy đến nhà tôi để gửi quà cho anh T và căn dặn 2 đứa nên tổ chức cưới trong đơn vị trước khi ra quân. Tôi ừa ào cho xong chuyện....và chào hỏi để họ nhà trai ra về với niềm tin rằng mình sẽ là con dâu họ.

Mẹ bàn với tôi một viễn cảnh sẽ cưới chồng như thế nào. Tôi tức quá bảo mẹ: "Con không yêu đương gì cả. Mẹ thích thì mẹ đi mà lấy". Đang ngồi thái rau lợn, mẹ cầm con dao lia vào tôi. May mà tôi nhanh chân tránh được chứ không thì bây giờ đã thành phế binh rồi....

Ngày hôm sau, tuy vẫn còn 5 ngày phép, nhưng tôi đã vội vã lên đường để trở về đơn vị, với mong muốn sớm gặp lại cái tay Trung đội trưởng ấy cho lão ta một trận.

Việc đầu tiên tôi làm khi về đến đơn vị là đi tìm đồng chí T xạc cho anh ta một trận. Nhưng khi gặp mặt anh thì tôi lại chẳng nói được điều gì. Tôi trả lại toàn bộ quà cáp cho anh ta và bảo anh ta là "đồ dở hơi" và ra về. Tối hôm đó tôi nghe tiếng đàn ông khóc từ lán đơn vị thông tin vọng lại...

Tình yêu của người lính

Nhắc lại chuyện tình yêu của người lính, tôi lại nhớ đến nhà văn Lê Lựu một lần đến thăm viện Xã hội học, nghe nhà văn nói chuyện về tình yêu của lính, tôi cũng thấy hay nhưng có lẽ chưa lột tả hết được tình yêu ấy như thế nào, cảm nhận này chỉ có người trong cuộc mới hiểu được, nhất là những nữ chiến sĩ. Mỗi người chỉ có một trái tim để yêu thương.

Đối với cánh lính thời ấy, trái tim của họ tràn đầy nhiệt huyết, tràn ngập tình yêu quê hương, đất nước. Với mong mỏi duy nhất là Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, để giải phóng miền Nam ruột thịt, thống nhất đất nước.

Khi trái tim đã tràn ngập tình yêu Tổ quốc, liệu còn chỗ nào cho tình yêu đôi lứa chăng. Ngày đó, tôi cũng là một thiếu nữ, cũng có cảm xúc và cũng thích được yêu và có tình yêu đẹp. Nhưng không hiểu sao cho đến năm 22 tuổi vẫn chẳng biết mùi vị tình yêu là gì.

Khi đang trong chiến trường, tôi thấy các đồng chí của mình có những tình yêu tuyệt đẹp, đặc biệt là cánh lính thông tin, tình yêu đi qua hai đầu nỗi nhớ qua tổng đài hữu tuyến 40 số. Những chị khu 3 có giọng nói ngọt như mía lùi, đồng chí nam nào nghe nói một đến hai lần qua thông tin hữu tuyến đều nghiện hết.

Tôi nhớ, có một chị kể lại rằng, chị ấy đã yêu suốt nửa năm một đồng chí công binh nào đó. Hàng ngày, 2 người vẫn nói chuyện với nhau qua đường dây hữu tuyến. Rồi một ngày đồng chí nam hẹn chị đến một địa điểm để gặp mặt nhau, chàng bảo nàng hãy buộc một cái khăn tay vào cánh tay trái để dễ bề nhận ra nhau. Nàng đến điểm hẹn với bao viễn cảnh tương lai hiện hữu trong đầu. Thế nhưng cuộc đời thật trớ trêu, nàng đến điểm hẹn với một cái khăn tím buộc trên cánh tay phải, đợi chàng....

Điểm hẹn là nơi hết đoàn quân này, lại đến thanh nhiên xung phong, dân quân hỏa tuyến đi qua… Nhưng chẳng thấy ai đến hỏi, nàng đau khổ tột đỉnh trở về đơn vị …những giọt nước mắt đau khổ lăn trên gò má…Sau đó cánh lính công binh kháo nhau rằng người lính đó đã đến nhưng không dám ra mặt nhận người yêu vì người tình trong mộng của anh là một người con gái xinh đẹp, trẻ trung, khỏe mạnh và có giọng nói hút hồn, có mái tóc dài thướt tha…

Còn người con gái mà anh nhìn thấy ở đại ngàn Trường Sơn lúc đó lại quá khác xa với những gì anh thường nghĩ đến: Mái tóc lưa thưa, rụng gần hết, nước da xanh xao, cặp mắt thâm quầng vì những trận sốt rét…và đặc biệt không còn là một thiếu nữ ở độ tuổi đôi mươi…(bởi lúc đó chị đã đi lính được 7 năm, tuổi cũng xấp xỉ 30)…Anh biết mình có lỗi nhưng trái tim anh đã không còn rung động như khi anh nghe nàng nói chuyện qua tổng đài. Ôi…tình yêu muôn thủa, đàn ông vẫn yêu bằng mắt…là như vậy.

Sau này cánh lính Trường Sơn thêu dệt thành những giai thoại về câu chuyện tình này… Tôi thấy thương chị ấy quá, giá chiến tranh không cướp đi nhan sắc của chị, tuổi trẻ của chị thì đâu đến nổi gặp mặt người yêu lại trở thành nổi bất hạnh đến nhường ấy…Tôi lại nghĩ đến mình và tự nhủ: “Chẳng thèm lấy chồng làm gì….cứ ở vậy…ở trong quân ngũ đến lúc nào cũng được”.

Nhưng sự đời chẳng bao giờ theo ý mình. Vốn nổi tiếng cả Binh trạm về tính tình nghịch ngợm, về những pha bất thường như hành quân mang theo cả con lợn trên vai. Cánh lính trẻ nhìn tôi lúc đó với cặp mắt nghi ngại, có phần sợ bởi cũng có chàng thả ra những lời có cánh đã bị tôi phê phán nặng lời: “Đồng chí toàn vớ vẩn, Miền Nam chưa được giải phóng, Tổ quốc chưa được thống nhất, làm sao mà lại đi mưu cầu hạnh phúc cá nhân”. Ôi bây giờ nghỉ lại không hiểu tại sao lúc đó mình “Bôn” thế…

Tôi đã sống và chiến đấu hồn nhiên như bông hoa rừng bên cạnh rất nhiều nam đồng chí. Tôi bày đặt ra đủ trò để các anh vui. Các anh đều quý mến rôi, xem tôi như em gái….và nhiều khi còn ái ngại cho tôi vì nếu không được ra quân sớm chắc chắn sẽ “ế chồng”.

Tôi còn nhớ anh C. người Nam Đàn - Nghệ An, rất yêu vợ, cứ tha thiết bảo tôi đổi cho anh ấy một miếng vải lụa để anh ấy gửi về cho vợ và anh nhờ tôi viết cho giúp mấy chữ để gửi về cho vợ bởi anh không biết chữ….Ba tháng sau, vào một ngày mùa mưa tầm tã….anh C. nhận được thư của vợ, bảo tôi đọc cho anh nghe. Tôi vội mở lá thư ố vàng ra…chao ôi những con chữ to như con gà mái ghẹ nhưng với nội dung quá dễ thương: "Thầy nó kính mến, em cảm ơn thầy nó đã gửi về cho em miếng vải lụa. Em thật cảm động. Mỗi lần đưa quần ra mặc em lại thấy bóng hình anh trong đó…”. Tôi đọc xong, cầm lá thư của anh chạy mất tiêu, còn anh thì cố đuổi theo để lấy lại bằng được lá thư….bởi lá thư đó chính là tình yêu của anh…là sợi dây kết nối anh và gia đình, hậu phương… Cánh lính bọn tôi lúc đó có thư là chia nhau đọc, không phân biệt thư của anh hay của tôi.

Mà cuộc đời thật lạ, có bi thì rồi sẽ có hỷ…năm 1973 sau khi ký hiệp định Pari, những chiến sỹ nữ bắt đầu được giải ngũ trở về hậu phương, ắt hẳn chẳng ai muốn chị em chôn vùi tuổi trẻ của mình ở chiến trường mãi mãi.

Cánh lính đồn nhau, một chị người NB được xuất ngũ về nhà. Khi thủ trưởng đơn vị hỏi nguyện vọng thì chị ấy trả lời: “mong có một tấm chồng”. Ôi mong ước giản dị nhưng sao lại khó thế. Chính ủy đơn vị suy nghĩ và hỏi xem chị thích ai, yêu ai…thì chị nói ngay tên của một đồng chí tiểu đoàn phó, đồng hương với chị, cũng ở cùng Binh Trạm.

Một mối tình đơn phương đã được chôn chặt trong lòng trong nhiều năm. Đồng chí tiểu đoàn phó được gọi lên, với "nhiệm vụ" giúp Binh trạm thực hiện nguyện vọng của chiến sỹ nữ trước khi xuất ngũ về hậu phương. Thế rồi một đám cưới được tổ chức, một con bò được mua về làm thịt và một đội quân hậu cần được điều động để lo bếp núc…

Rồi cả Binh trạm trầm trồ chú rể đẹp trai quá, còn cô dâu thì: da mái xanh, tóc lưa thưa, tuổi đã xấp xỉ chú rể... Như thế mới thấy chiến tranh càng mất bình đẳng thật, làm phai tàn sắc đẹp của bao nhiêu thiếu nữ…Thế mà sau đó nghe phong thanh chú rể được cấp trên cho đi phép về nhà cùng cô dâu nhưng giữa đường trốn lại đơn vị. Chẳng biết vì lý do gì...

Hình ảnh nữ cựu chiến binh Lê Thị Mộng Phượng năng động ở tuổi 65 bên đồng nghiệp - TS Nguyễn Hữu Minh - Phó Viện trưởng Viện Xã hội học
Hình ảnh nữ cựu chiến binh Lê Thị Mộng Phượng năng động ở tuổi 65 bên đồng nghiệp - TS Nguyễn Hữu Minh - Phó Viện trưởng Viện Xã hội học
Đời lính của tôi đã kết thúc với biết bao kỷ niệm vui buồn cùng những tự hào trong những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu, hi sinh vì lý tưởng cách mạng cao cả. Riêng với tôi, tuổi trẻ của thế hệ chúng tôi tuy gian khổ, hy sinh nhưng đẹp biết nhường nào.

Tôi mong rằng các bạn trẻ hiện nay hãy sống sao cho xứng đáng với những hy sinh xương máu của cha ông ta. Tôi muốn gửi lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ- thế hệ đang nắm giữ vận mệnh của dân tộc: Hãy luôn nỗ lực học tập, phấn đấu không ngừng để đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp hơn, xứng đáng với những hi sinh của các thế hệ cha anh đã ngã xuống để cho đất nước thống nhất và dân tộc được Độc lập - Tự do như ngày hôm nay.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ cho tôi được thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ đến đồng đội, những anh chị đã mãi mãi ra đi ở tuổi 20.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ