Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua 7 Luật và 2 nghị quyết

GD&TĐ - Chiều nay (14/6), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết
Các đại biểu bấm nút biểu quyết

Theo báo cáo của Văn phòng về kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp này - Quốc hội thông qua 7 Luật và 2 nghị quyết. Cụ thể:

1. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân. Luật gồm 7 chương, 36 điều, quy định các biện pháp về giảm mức tiêu thụ, quản lý việc cung cấp rượu, bia và giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trong đó, quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Quy định này mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông, tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc kiềm chế các vụ tai nạn giao thông.

Quy định cụ thể việc quản lý quảng cáo rượu, bia và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia; quy định đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nhà nước ưu tiên các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu, bia; tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên.

2. Luật Giáo dục được sửa đổi toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo. Luật gồm 9 chương, 117 điều, trong đó, quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa; việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; đầu tư, tài chính trong giáo dục; quản trị cơ sở giáo dục; quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo…

3. Luật Thi hành án hình sự được sửa đổi toàn diện nhằm cụ thể hóa việc thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các đạo luật khác có liên quan, khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật hiện hành.

4. Luật Đầu tư công được sửa đổi toàn diện nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động và nguồn vốn đầu tư công, khắc phục thêm một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, đẩy mạnh phân cấp trong phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công.

5. Luật Quản lý thuế được sửa đổi toàn diện nhằm tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

6. Luật Kiến trúc được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,...

Hai nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 gồm:

1. Nghị quyết gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể: Việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng thời, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định CPTPP và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

2. Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã điều chỉnh 8 dự án của Chương trình năm 2019 và quyết định 18 dự án của Chương trình năm 2020. Quốc hội giao trách nhiệm cụ thể cho Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả Chương trình.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống; các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ