Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII Quốc hội xem xét kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước

GD&TĐ -Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, sáng 30/3, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và bắt đầu kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Cảnh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Cảnh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) cho thấy đa số ý kiến đại biểu nhất trí sửa tên Luật thành “Luật Điều ước quốc tế” để đảm bảo tính khái quát, dễ hiểu.

Theo đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) tên gọi là Luật Điều ước quốc tế ngắn gọn, khái quát, dễ hiểu. Tên gọi của luật theo đại biểu không cần thiết phải bao quát hết phạm vi điều chỉnh, mà quan trọng tên gọi đó phải đặc trưng và tránh gây hiểu nhầm với luật khác.

Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm theo quy định tại Điều 1 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế hiện hành thì phạm vi điều chỉnh của Luật gồm các hoạt động ký kết, gia nhập, bảo lưu, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế. Tên gọi của luật hiện hành tuy dài nhưng cũng chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh của luật.

Do vậy, đề nghị Quốc hội cho sửa tên Luật thành “Luật Điều ước quốc tế” để đảm bảo tính khái quát, ngắn gọn, phù hợp với thực tiễn tên gọi các luật trong nước và pháp luật quốc tế về điều ước quốc tế.

Đề nghị bổ sung thêm quy trình xem xét điều ước trình ra Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thấy rằng dự thảo đã quy định trình tự cụ thể đối với loại điều ước quốc tế trình ra Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập, từ bỏ, chấm dứt, rút khỏi điều ước quốc tế.

Tuy nhiên có hai loại nội dung dự thảo không quy định quy trình, thứ nhất là khi trình Quốc hội chấp nhận hoặc phản đối, bảo lưu và việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu thấy rằng, cần thiết bổ sung thêm quy định này trong dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề xuất, trước khi ký kết các điều ước quốc tế, Chính phủ cần rà soát, chỉ rõ những vấn đề khác với luật Việt Nam và xin ý kiến điều ước quốc tế bằng phiếu (trong thời gian Quốc hội không họp), có giải trình cụ thể. Một số điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu thì khi thẩm tra Ủy ban Đối ngoại cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, ban soạn thảo dự luật sẽ tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật tại kỳ họp này.

Cũng trong ngày 30/3, Quốc hội bắt đầu tiến hành công tác nhân sự. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Ngay sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Ngày 31/3, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố và Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ. Trong ngày 31/3, Quốc hội thực hiện các quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước và thảo luận về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ