Kon Tum: Hàng trăm điểm sạt lở bờ sông, suối

GD&TĐ - Trải qua nhiều đợt mưa, bão trên địa bàn tỉnh Kon Tum xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở bờ sông, suối gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng giao thông và đời sống người dân.

Bờ sông Đăk Bla bị sạt lở nghiêm trọng.
Bờ sông Đăk Bla bị sạt lở nghiêm trọng.

Ông A Nik (thôn Kon Drei, xã Đăk Bla, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho biết, hàng ngày để vào được thôn ông phải di chuyển qua 2 cống tràn bắc qua con suối chảy ra sông Đăk Bla. Hai cống tràn này phục vụ cho khoảng 200 hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão lũ, sạt lở bờ sông Đăk Bla khiến 2 cống tràn này bị hư hỏng nghiêm trọng.

Theo ông A Nik, từ ngày cống tràn bị hư hỏng, người dân vô cùng lo lắng khi đi qua đây. Đặc biệt mùa mưa lũ đang cận kề, việc đi lại qua khu vực này vô cùng nguy hiểm.

“Mùa mưa đang cận kề mà cống tràn chúng tôi thường xuyên qua lại thì hư hỏng. Mặc dù chính quyền địa phương đã sửa chữa nhiều lần nhưng sau mỗi trận mưa lũ thì cống tràn lại xuống cấp hơn. Người dân chúng tôi mong muốn các cấp quan tâm, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho mọi người khi đi lại trong mùa mưa bão”, ông A Nik nói.

Còn anh A Tâm (thôn Kon Jdẻ, xã Đăk Bla, TP Kon Tum, Kon Tum) cho biết, sạt lở bờ sông thời gian qua đã cuốn trôi hàng chục mét đất canh tác của gia đình.

“Tình trạng sạt lở bờ sông đã diễn ra trong nhiều năm qua. Gia đình tôi có đất canh tác giáp bờ sông nhưng cũng bị sạt lở mất khoảng 20m, giờ đây đất cao hơn mép sông khoảng 5m.

Lo sợ mất đất nên gia đình cũng có trồng tre, cây mai dương để giữ nhưng bất thành. Tôi có 4 người con đang trong kỳ nghỉ hè nên gia đình thường xuyên phải trông coi. Tránh trường hợp các con ra sau nhà rồi xảy ra tai nạn đáng tiếc”, anh A Tâm cho hay.

Tương tự, tại huyện Tu Mơ Rông tình trạng sạt lở cũng xảy ra nghiêm trọng. Theo thống kê, toàn huyện có 105 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất. Trong đó 51 điểm công trình giao thông, 8 điểm công trình thủy lợi, 17 điểm công trình khu dân cư, 14 điểm trường học, 15 điểm khu sản xuất.

Sau khi nắm được các điểm sạt lở, UBND huyện đã yêu cầu các xã khi có mưa bão xảy ra phải huy động lực lượng tại chỗ, kiên quyết di dời các hộ dân đang sinh sống ở ven sông, ven suối, sườn núi, nơi có khả năng sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.

Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các xã thành lập tổ xung kích tại địa bàn luôn túc trực, ứng phó khi có thiên tai xảy ra nhằm hỗ trợ kịp thời cho nhân dân trong việc khắc phục hậu quả của bão lũ gây ra.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, hiện nay, toàn tỉnh có hàng trăm điểm sạt lở ở khu vực bờ sông, suối tại 10 huyện, thành phố của tỉnh. Trong đó, một số điểm sạt lở nghiêm trọng là sông Đăk Bla đoạn qua TP Kon Tum, sông Pô Kô đoạn qua thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei), sông Đăk Pne đoạn qua xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy), suối Đăk Ter (huyện Tu Mơ Rông).

Để chủ động phòng, chống ở những khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, các ngành chức năng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án kè chống sạt lở lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông bị sạt lở, bố trí tái định cư phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Đồng thời phấn đấu năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông. Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ